Tiết kiệm, một đức tính cách mạng của Bác Hồ

14:47, 13/07/2008

Năm 1957, trong chuyến thăm ngoại giao Ba Lan và một số quốc gia Đông Âu, Bác Hồ tới thăm cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan. Theo yêu cầu của Bác, sứ quán tổ chức một bữa tiệc để Bác chiêu đãi các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Ba Lan.

Bữa tiệc được thiết kế rất khéo, các món ăn không thừa cũng không thiếu, lại chế biến ngon miệng; không những tiết kiệm mà vẫn thể hiện được lòng hiếu khách, mang đậm hương vị ẩm thực Việt Nam. Bác Hồ rất vui, còn các vị khách Ba Lan ai cũng tỏ ý hài lòng.

 

Có lần nói chuyện với cán bộ Ngoại giao đoàn tại Hà Nội, Bác đặc biệt nhấn mạnh: “Làm công tác ngoại giao tuy phải có phần hình thức cho coi được, song nội dung vẫn quan trọng hơn. Cái đẹp của hình thức là ở chỗ sạch sẽ, gọn gàng, giản dị, chứ không phải ở chỗ xa hoa, lãng phí. Cần làm sao không tốn kém mà vẫn lịch sự. Các cô, các chú đi công tác nước ngoài càng phải chú ý điều này... Dân ta còn nghèo, nước ta cũng còn nghèo, miền Nam đang còn phải đấu tranh, toàn dân ta phải tiết kiệm, ngoại giao cũng phải tiết kiệm... Ta không thể thi đua với người được, người giàu có còn ta thì nghèo. Chính vì vậy phải hết sức tiết kiệm, ngoại giao càng phải tiết kiệm...”.

 

Cách đây 47 năm, trong bài thơ “Bài ca mùa xuân 1961” của Tố Hữu, có đoạn:

 

“Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá

 

Mỗi hòn than, mẩu sắt, cân ngô

 

Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ”...

 

Rộng là phạm vi một quốc gia, còn hẹp là một gia đình và thậm chí là cá nhân một con người, bên cạnh nỗ lực làm ra, cái quan trọng đó là nỗ lực tiết kiệm. Sở dĩ chúng tôi nói “nỗ lực tiết kiệm” vì có địa phương, có đơn vị, có nhà và có người, sự hoang phí đã trở thành một “căn bệnh” khó chữa. Để “trị” được căn bệnh nan y ấy, thì nỗ lực tự thân (tức ý chí chủ quan) có vai trò quyết định. Tục ngữ có câu: “Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”. Không chỉ nghèo mới cần tiết kiệm, mà cả giàu cũng cần tiết kiệm. Người nghèo tiết kiệm sẽ đỡ nghèo đi, còn người giàu tiết kiệm sẽ càng giàu hơn lên. Ngạn ngữ phương Tây có một câu rất chí lý: “Kẻ nào không biết quý những đồng tiền lẻ, sẽ không có những đồng tiền chẵn”. Một tí phân, một ngọn lá, một hòn than, một mẩu sắt, một cân ngô thì chưa là gì; nhưng nhiều tí phân, nhiều ngọn lá, nhiều hòn than, nhiều mẩu sắt, nhiều cân ngô thì sẽ thành khối tài sản có giá trị, đủ sức “dựng cơ đồ” với “những đồng tiền chẵn”. Xin hãy hiểu cho thật chuẩn xác quan niệm rộng về “tiết kiệm” của Bác Hồ, đó là sự chi tiêu đúng mức, đúng chỗ, phù hợp với khả năng điều kiện cụ thể và tương ứng với mục đích hướng tới. Nó hoàn toàn khác với tính cách của một người bủn xỉn, keo kiệt và bần tiện, theo kiểu “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”...