Học Bác, tôi sửa được mình

08:28, 25/08/2008

Đội mũ bảo hộ, trèo lên mấy chục bậc thang sắt dựng đứng, chúng tôi có mặt tại khu vực điện phân- phản xạ của Phân xưởng Thiếc, Xí nghiệp Luyện Kim màu 1 ( Công ty TNHH Nhà nước một thành viên, Công ty kim loại màu Thái Nguyên).  Hiện ra trước mắt là tăm tắp những dãy thùng đựng tấm Ka - tốt, cần trục chạy xình xịch trên đầu, những chiếc móc hạ xuống, cẩu những tấm Ka - tốt lên khỏi khuôn, chuyển vào bồn rửa rồi từ từ đưa xuống tầng dưới  xếp ngay ngắn, chờ ngày vào lò nấu để thành thiếc thỏi.

Đứng chỉ đạo, giám sát công việc, anh Nguyễn Quang Thành, Bí Thư Chi bộ, Phó Quản đốc Phân xưởng đầu đội mũ bảo hộ, ăn mặc khác hẳn hôm lên “tỉnh” dự Hội thi Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Anh xăm xắn dẫn chúng tôi đến khu vực tuyển quặng qua bàn đãi, tuyển tinh,  tuyển tận thu, giải thích về độ tuổi của thiếc...  rất hào hứng. Và độ hào hứng ấy không hề giảm khi  anh nói về cuộc thi kể chuyện  cấp  tỉnh  mà anh là thí sinh.

 

- Nếu đó là cuộc thi văn nghệ tôi dứt khoát từ chối vì mình đã già, nhưng là cuộc thi kể chuyện về Bác tôi lại mong muốn được tham gia. - Anh Thành bộc bạch mộc mạc. Vậy nên, đã cận kề tuổi về hưu (59 tuổi), anh vẫn là thí sinh xuất sắc trong cuộc thi kể chuyện về tấm  gương đạo đức Hồ Chí Minh của Công ty và trở thành thí sinh cao tuổi nhất, cũng là thí sinh duy nhất ở khối Doanh nghiệp TW tham gia Hội thi  Kể chuyện cấp tỉnh.

 

- Tuổi tác đã nhiều, trí nhớ chẳng được như thanh niên nên tôi phải đầu tư nhiều tâm sức, thời gian. Tôi đọc rất nhiều chuyện về Bác, và tôi thất sự xúc động khi đọc mẩu chuyện “Chú ngã có đau không?”. Chuyện kể rằng trong một đêm mưa rét ở Chiến khu Việt Bắc, chiến sĩ Ngô Văn Núi gác bên lán của Bác vô tình bị thụt chân xuống chiếc hố tránh máy bay, anh đang loay hoay để lên khỏi hố thì  thấy Bác chạy đến, trên người không mặc áo ấm, chân có guốc chân đi đất. Bác luồn tay vào hai nách ra sức kéo anh ra khỏi hố, vừa kéo, Bác vừa hỏi : Chú ngã có đau không?....Đọc đến đây, tôi hình dung Bác hấp tấp vội vàng, áo ấm không kịp khoác, guốc không kịp xỏ, cái lo lắng ấy chỉ có ở người Cha. Câu chuyện khiến tôi nhớ lại ngày trước, vợ chồng con cái tôi ở một gian nhà tập thể, điện hay mất, nóng như thiêu như đốt. Có lần điện mất, muỗi nhiều như trấu, tôi nghĩ ra một cách là... cởi trần cho muỗi đốt, “nó đốt mình no thì không đốt con nữa”. Tôi thấy tình cha của Bác trong câu chuyện “Chú ngã có đau không” thật giống với tình cảm tôi đã dành cho con tôi và quyết định chọn câu chuyện này để dự thi.

 

Vậy là tại căn phòng mái tôn hầm hập của Phân xưởng, anh Thành  nhiều đêm chong đèn viết đề cương, viết đi viết lại, viết đến khi từng chữ nhuyễn thấm vào óc. Rồi anh đặt ra câu hỏi, tự trả lời. Rồi anh tập hát để minh hoạ cho câu chuyện của mình. Tâm sức anh bỏ ra thật không uổng, anh đã đoạt giải cao nhất của cuộc thi ở Công ty và được chọn cử dự thi cấp tỉnh. Thế nhưng, cái được lớn hơn nữa là anh đã sửa được mình khi học tập tấm gương đạo đức của Bác.

 

- Trước đây tôi nóng tính, phê bình góp ý cho anh em hơi “rắn”. Rồi cũng có khi đi muộn về sớm, chén rượu chén chè buổi sáng... nhưng giờ đã không còn tình trạng này nữa. Tôi cũng thấy mình có thêm nghị lực để chăm lo, có trách nhiệm với người thân của mình và những người xung quanh.

 

Tìm hiểu, chúng tôi biết thêm, với cương vị lãnh đạo Chi bộ, anh Thành luôn nhắc nhở các đảng viên thực hành tiết kiệm vật tư, năng lượng. Kết quả cho thấy: Các chỉ tiêu vật tư, nguyên liệu của phân xưởng trước đây luôn vượt con số cho phép từ 5 đến 10%, nay đã đạt mức tiết kiệm cho phép, từ đó tăng thu nhập cho công nhân. Đặc biệt, anh Thành là người rất quan tâm đến công việc của thế hệ trẻ, nhiệt tình giúp các đoàn viên xí nghiệp khi họ cần hướng dẫn, chỉ bảo. Nhiều năm liền anh đạt thành tích cao trong công tác, được Đảng uỷ và Công ty khen thưởng.

 

- Tôi đã hoàn thiện hơn từ khi học về cuộc đời Bác- Anh Thành khẳng định lần nữa.

 

Bắt tay chào anh trong tiềng máy chạy ầm ào, trong va chạm sắt thép chát chúa, tôi hiểu người công nhân này đã mang cả tấm tình mộc mạc, những suy nghĩ chân chất và việc làm thường ngày vào Cuộc thi kể chuyện và cũng  từ cuộc thi anh đã lớn hơn lên, như câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: Ta bỗng lớn ở bên người một chút.