Người mà chúng tôi muốn đề cập trong bài viết này là ông Nguyễn Văn Chiêu, tổ 5, phường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên- người đã bảo vệ luận án xuất sắc tiến sỹ từ năm 1973- khi mới 36 tuổi.
Năm 1956, lớp học của ông được lệnh trở về nước để làm quen với thực tế đất nước trước khi ra phục vụ nhân dân. Lúc đó, ông trở về khu Cầu Giấy, nay là Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngày 15-7-1956, khi đang học, được tin Bác Hồ đến, mọi người trong lớp ông đều nhẩy lên vì sung sướng. Cũng như những người khác, ông chạy nhanh đến gần Bác. Bác giản dị trong bộ quần áo ka ki bạc mầu, đi đôi dép cao su. Biết nhiều người trong lớp học của ông không yên tâm với nghề sư phạm, Bác đã lấy ví dụ: Trong chiếc đồng hồ có kim và các chữ số. Kim nói rằng: Tôi chạy mãi rồi, cho tôi nghỉ. Chữ số nói rằng, tôi nghỉ mãi rồi, cho tôi chạy. Ai cũng muốn theo ý mình thì có còn là chiếc đồng hồ nữa không? Đảng, Nhà nước đang cần các cháu. Sư phạm là một nghề cao quý hơn bao nghề khác. Các cháu có yêu mến nghề sư phạm không? Cả lớp ông đồng thanh đáp: Chúng cháu thông rồi ạ! Đó là lần thứ 2, cũng là lần cuối ông được gặp Bác.
Tốt nghiệp loại ưu, ông xung phong lên miền núi công tác và được phân về Trường cấp II Lâm Thao- Phú Thọ. Ông đã từng được đồng chí Vũ Bỉnh, Trưởng ty Giáo dục Phú Thọ nhận xét: Thầy Chiêu lấy cả xương, cả máu của mình để giảng dạy. Cũng năm đó, ông được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Khi đó, ông mới 23 tuổi.
Năm 1961, ông được cử sang Liên Xô học Đại học Tổng hợp. 6 năm sau, ông tốt nghiệp loại ưu nên được giữ lại làm nghiên cứu sinh và năm 1973, ông bảo vệ thành công luận án Tiến Sỹ, loại xuất sắc. Với việc làm luận án tiến sỹ, ông đã tạo ra một chất được ứng dụng cho nhà máy băng phiến ở Xiberi (Liên Xô cũ) làm tăng năng suất 1,5 lần. Với công trình này, ông đã được thưởng 150 rúp.
Trở về nước, ông được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp cử về giảng dạy tại Đại học Sư phạm Việt Bắc. Ông là giảng viên môn Toán. Sau đó, ông đã phối hợp với Viện Luyện kim mầu để làm đề tài khoa học "Phân tích hợp kim trung gian Việt Nam" tại khu Công nghiệp Gang thép Thái Nguyên. Đề tài do ông làm phụ trách đã đem lại hiệu quả to lớn đó là dùng gang cầu để đúc một loại trục cán thép, tiết kiệm cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng. Đến nay, đề tài này vẫn được áp dụng trong thực tế.
Trong cuộc sống hàng ngày, ông luôn nêu cao tinh thần tiết kiệm dù đó là của công hay của tư. Ông thường dạy bảo các con phải luôn phấn đấu làm tốt công tác của mình, có ý thức tu dưỡng, rèn luyện để trở thành người công dân, cán bộ tốt. Con trai ông hiện là giảng viên đại học và đang nghiên cứu sinh để hoàn thành luận án tiến sỹ; con gái và con dâu ông cũng đều là những giáo viên giỏi. Gia đình ông luôn là gia đình văn hóa. Ông tự hào nói với chúng tôi "Tôi đã lớn lên theo lời Bác dạy".