Tư tưởng và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta, là di sản vô cùng quý báu, được các thế hệ cách mạng Việt Nam trân trọng, bảo vệ, học tập, vận dụng và phát triển không ngừng.
Học tập, vận dụng và phát triển Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người vừa là tình cảm thiêng liêng kính yêu Bác Hồ, vừa là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức đối sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, góp phần xây dựng Nhà nước dân chủ xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân, vì dân.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm công tác cán bộ. Trong tác phẩm “ Sửa đổi lối làm việc “ Người viết: Cán bộ là gốc của mọi công việc…cán bộ là cầu nối giữa Đảng, Chính phủ với nhân dân. Người cán bộ cách mạng phải hội đủ các tiêu chuẩn đức và tài, phẩm chất và năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phong cách, phương pháp công tác tốt. Trong đó phẩm chất, đạo đức là yếu tố hàng đầu.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, cần tập trung mấy vấn đề sau đây
1. Xây dựng lòng trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, trên cơ sở thấm nhuần tư tưởng đạo đức cách mạng, trung với nước, hiếu với dân. Yêu nước phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội.
Muốn đạt được điều đó, mỗi cán bộ, công chức phải thật sự tin tưởng vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của Bác Hồ là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tuyệt đối tin tưởng vào sự tất thắng của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, như Bác Hồ đã khẳng định: "Chỉ có chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ" đem lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho mọi người và đem lại công bằng, bình đẳng, bác ái cho toàn xã hội.
2. Xây dựng một tập thể cán bộ, công chức, viên chức đoàn kết, thân ái, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế. Muốn vậy, chúng ta phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức theo yêu cầu "Trung thành, sáng tạo, tận tuỵ, gương mẫu". Dù công tác ở ngành nghề nào, cấp bậc, chức vụ gì đều vẻ vang và đều phải phấn đấu hoàn thành chức trách nhiệm vụ.
Trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, khoa học công nghệ phát triển rất nhanh, tác động mạnh trên mọi lĩnh vực đời sống xã héi. Trình độ học vấn của nhân dân ngày càng nâng cao, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức phải học tập vươn lên không ngừng, theo tấm gương khổ công học tập của Bác Hồ. Thực hiện phương châm "Học, học nữa, học mãi". Vừa say mê học tập vừa đổi mới phương pháp và phong cách làm việc gắn lý luận với thực tiễn, học phải đi đôi với hành đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước.
3. Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư.
Trong bất cứ việc gì, ở cương vị nào, chúng ta cũng phải có ý thức tiết kiệm, chống lãng phí, chống quan liêu, tham nhũng; không vụ lợi cá nhân, xây dựng một lối sống lành mạnh, lạc quan, yêu đời, có nếp sống giản dị, khiêm tốn, có tình cảm chan hoà, cởi mở, quan tâm đến mọi người, học tập bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp. Về cần, kiệm, liêm, chính. Người dạy: Công chức làm việc trong các công sở có ít nhiều quyền hành. nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân.
- Về cần. Người dạy: Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo… phải nhớ rằng, dân đã lấy tiền, mồ hôi, nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân.
- Về kiệm. Người dạy: Giấy bút, vật liệu đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân, ta cần phải tiết kiệm. Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết thì chớ dùng tờ to…Mỗi ngày công sở Nhà nước dùng mấy vạn tờ giấy, nơi nào cũng tiết kiệm một chút thì một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy. Các vật liệu cũng vậy, nhờ các công sở tiết kiệm mà lợi cho dân rất nhiều.
- Về liêm. Người dạy: Những người ở các công sở từ làng đến Chính phủ, Trung ương đều dễ tìm dịp phát tài hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc đục khoét của nhân dân. Người cảnh báo nguyên nhân chủ quan của bệnh tham ô, lãng phí là do thiếu lương tâm và bệnh quan liêu. Người viết: “Cán bộ các cơ quan, đoàn thể cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ, dù to hay nhỏ mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút”. Đến khi lộ ra, bị phạt thì mất hết danh giá và của phi nghĩa đó cũng không được hưởng. Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ liêm làm đầu.
- Về chính. Người dạy rằng: Mình là người làm việc công phải có công tâm, công đức; chớ đem của công dùng vào việc tư; chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công minh, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc; chớ vì bà con, bầu bạn mà kéo vào chức nọ, chức kia; chớ vì sợ mất địa vị mà dìm người có tài năng hơn mình. Phải trung thành với Chính phủ, với đồng bào, chớ lên mặt làm quan cách mệnh.
Xây dựng đạo đức cách mạng phải đi đôi với chống tham ô, lãng phí, quan liêu, đây là cuộc cách mạng nội bộ, cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái mới và cái cũ. Đòi hỏi phải đồng tâm nhất trí, huy động đựoc sự tham gia của nhân dân. Người nhấn mạnh: “dân chúng đồng lòng thì việc gì cũng làm được, dân chúng không ủng hộ thì việc gì làm cũng không nên”.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “vừa hồng vừa chuyên” Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Phải tăng cường pháp luật đi đôi với giáo dục đạo đức cách mạng, phát huy tinh thần phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc. Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh cải cách hành chính cùng với xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức đáp ứng yêu cầu thời kỳ đổi mới .