Tư tưởng giáo dục của Bác Hồ trong tác phẩm ''đời sống mới''

14:58, 14/09/2008

Năm 1947 tại chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã viết tác phẩm "Đời sống mới". Trong tác phẩm này, Bác đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau mà mọi người có thể tìm được những chỉ dẫn quý báu ở các chương. Đặc biệt, Bác dành hẳn Chương 12 để viết về "Đời sống mới trong một trường học".

Tuy đã 60 năm nhưng những vấn đề Bác đặt ra vẫn mang tính thời sự cho tiến trình đổi mới của các trường học trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, ngành Giáo dục đang thực hiện cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục".

 

Theo Bác, để nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy thì nhất thiết phải coi trọng và thường xuyên chú ý đến việc điều chỉnh đổi mới phương pháp dạy - học. Lâu nay với cách dạy truyền thống chúng ta chưa chú ý đến vai trò chủ động, đào sâu suy nghĩ, khơi dậy tiềm năng nhận thức, ý thức tích cực tự giác của học sinh. Lối dạy thầy giảng trò nghe, thầy đọc trò chép diễn ra phổ biến làm cho học sinh thụ động, ít phát huy năng lực, óc tư duy, sáng tạo. Trong tác phẩm, Bác chỉ rõ cần phải có một "cuộc cách mạng" về phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính tích cực độc lập sáng tạo của học sinh. Muốn làm được điều này thì các thầy cô nên thi nhau tìm cách dạy sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh chóng và thiết thực

 

Song song với việc đổi mới phương pháp dạy học, Bác còn chỉ rõ cần phải đổi mới cơ chế quản lý, phụ trách, lãnh đạo, lối đào tạo và cung cách làm việc của mỗi người trong nhà trường. Tuy nhiên nói đến đổi mới không có nghĩa là hoàn toàn thay cũ đổi mới. Đề cập đến vấn đề này, Bác đã có những lời khuyên, lời chỉ bảo rất quý báu: "Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới, cái gì cũ và xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì ta phải làm".

 

Cùng với gia đình, nhà trường là "cái nôi" đầu tiên trong quá trình giáo dục, hình thành và phát triển nhân cách con người. Nói về vai trò to lớn này, Bác khẳng định: "Sự học tập ở trong nhà trường có ảnh hưởng cho tương lai của thanh niên và tương lai của thanh niên là tương lai của nước nhà. Vì vậy cốt nhất là phải dạy học trò biết yêu nước thương nòi. Vậy, phải dạy cho học trò có ý chí tự lập tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ". Không chỉ dạy kiến thức, tri thức, trường học còn dạy cách làm người.

 

Theo Bác để có đời sống mới của một trường học thì có bốn việc quan trọng giáo dục học sinh: "Một là: Làm cho học sinh biết quý trọng sự cần lao. Hai là: Tập cho họ quen lao khổ. Ba là: Cho họ biết cách tự làm lấy mà ăn, không ăn bám xã hội. Bốn là: Có ích cho sức khoẻ của họ".

Lịch sử đã sang trang. Tuổi trẻ ngày nay nhạy bén, năng động và tự tin vươn lên làm chủ nền khoa học công nghệ tiên tiến. Tuy vậy vẫn có một bộ phận học sinh, sinh viên chưa thực sự có ý thức trong học tập, tu dưỡng và rèn luyện. Do đó các cấp nhà trường phối hợp với Đoàn, Đội, Hội trong trường học luôn luôn hướng cho học sinh, sinh viên học tập và làm theo những điều Bác đã dạy trong tác phẩm "Đời sống mới"