Học Bác nói và làm

16:12, 10/10/2008

Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức đầy đủ ý nghĩa của việc “nói thì phải làm”, xem đây là một tiêu chí để đánh giá phẩm chất, tư cách của con người, đặc biệt là đối với người làm cách mạng. Trong tác phẩm “Đường Cách Mệnh” được Bác viết năm 1927, có một mục “Tư cách người cách mạng”. Trong 23 điều của “Tư cách người cách mạng”, ở điều thứ 10, Bác ghi rõ “Nói thì phải làm”.

“Nói thì phải làm” hoặc “Nói đi đôi với làm” là một truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta, và là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để trở thành con người trung thực, dũng cảm, đáng tin cậy. Kế thừa truyền thống đạo đức của dân tộc, Bác Hồ đã nâng lên thành quan điểm đạo đức của người cách mạng, tư cách của người cán bộ, đảng viên. “Nói thì phải làm” đối lập với nói mà không làm hoặc “nói một đằng làm một nẻo” của những kẻ hứa suông qua chuyện, những kẻ cơ hội, không đáng tin cậy. Đây là căn bệnh nguy hiểm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, là nguy cơ gây mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng mà Bác đã cảnh báo. Bác dạy: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “Cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” . Người cán bộ, đảng viên chỉ khi nói được, làm được, mới được nhân dân tin yêu và đi theo. Do đó “nói thì phải làm” là một chuẩn mực đạo đức, là tư cách của mỗi người cán bộ, đảng viên.

 

Bác Hồ của chúng ta là một tấm gương tiêu biểu về đức tính “nói thì phải làm” và khi làm là làm đến nơi, đến chốn, Bác khuyên cán bộ, đảng viên phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thì cuộc đời của Người là tấm gương sáng mẫu mực, tuyệt vời về đức tính đó. Người phát động nhân dân lập hũ gạo cứu đói, thì Người gương mẫu và nghiêm túc thực hiện mười ngày nhịn ăn một bữa để đem gạo đó biếu dân nghèo. Người phát động “Tết trồng cây” để lấy gỗ làm nhà và cải thiện môi trường, thì vào Tết Nguyên đán hàng năm Người đều tham gia trồng cây đều đặn. Người phát động nhân dân chống hạn, chống úng, thì chính Người trực tiếp tham gia cùng nhân dân tát nước chống hạn ở Hà Đông và chống lụt ở Hải Dương; Người khuyên cán bộ, đảng viên phải thường xuyên học tập, học ở mọi nơi, mọi lúc, học ở mọi người, học suốt đời “học để làm việc, làm người, làm cán bộ”, thì chính Người là một tấm gương tiêu biểu, trong những ngày cuối đời mặc dù nằm trên giường bệnh nhưng Bác vẫn còn học tiếng Tây Ban Nha v.v… Đó không phải là đức tính của một anh hùng giải phóng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới, mà theo Bác đó là một đức tính cần có đối với mỗi người cán bộ, đảng viên.

 

Thực tế trong nhiều năm qua, nhiều cơ quan, nhiều cán bộ đảng viên ở nhiều cấp, nhiều ngành không mấy chú ý đến chuẩn mực đạo đức đó. Tình trạng hành chính bàn giấy diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, nhiều cấp, cán bộ, đảng viên thiếu tinh thần, trách nhiệm, thiếu sâu sát cơ sở; nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước không được triển khai đến dân, hoặc triển khai không đến nơi, đến chốn. Chủ trương cứ đề ra, nhưng có thực hiện hay không hoặc thực hiện như thế nào thì không mấy ai chú ý, dẫn đến tình trạng cấp trên làm gì cứ mặc, cấp dưới muốn làm sao thì làm, trên chỉ đạo, dưới không làm v.v… Nhiều chủ trương, giải pháp trước khi đề ra được đầu tư nghiên cứu công phu, huy động trí tuệ của cả một tập thể, nhưng không được cấp dưới triển khai thực hiện nghiêm túc, mà làm theo kiểu hình thức, lấy có hoặc vận dụng một cách máy móc, thiếu linh hoạt, dẫn đến hiệu quả đạt thấp, nhưng thiếu nghiêm túc trong việc xử lý, sửa chữa, khắc phục mà để kéo dài trở thành một “kiểu làm việc” hiện nay. Đây cũng là một loại lãng phí, lãng phí trí tuệ, không kém gì lãng phí tiền của Nhà nước. Tệ hại hơn, nhiều cán bộ, đảng viên đứng trước dân chúng hứa hảo đủ điều, nhưng sau đó chẳng ngó ngàng gì đến quyền lợi, lợi ích chính đáng mà dân đang mong chờ; thậm chí có cán bộ còn lên mặt “quan cách mạng” trước nhân dân, hù dọa, gây áp lực với nhân dân. Đó chẳng lẽ là những “công bộc”, những “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” mà Bác Hồ đã dạy sao?

 

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta không nên nghĩ học tập và làm theo Người những việc làm to lớn, cao xa của bậc vĩ nhân của nhân loại, mà chúng ta nên bắt đầu học tập và làm theo từ những việc làm nhỏ bé, bình thường, cụ thể trong đời sống sinh hoạt và làm việc thường nhật của chúng ta, mà “nói thì phải làm” là việc không khó đối với tất cả mọi người. Mỗi cán bộ, đảng viên hãy nghiêm túc tự kiểm điểm lại mình đã thực hiện tốt việc “nói thì phải làm” chưa, để từ đó có biện pháp và quyết tâm sửa chữa.