Học Bác về thi đua khen thưởng

15:25, 13/11/2008

Năm 2008, phòng trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động tròn 60 năm. Cũng như mọi phong trào khác, thi đua đều phải do con người - những chủ thể của xã hội thực hiện.  Tuy nhiên nếu không khéo tổ chức và lãnh đạo để phát huy cao độ tính tích cực, đẩy lùi tiêu cực, thì thi đua có khi phản tác dụng, gây tác hại cho phong trào, thậm chí còn kìm hãm sự phát triển. Vì thế chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến lĩnh vực này.

Trong lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công được viết sau năm phát động thi đua, đăng báo Sự thật ngày 1-8-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương những cố gắng của đồng bào và chiến sĩ, vẫn không quên nhắc nhở phải tiếp tục thi đua để “Chiến thắng giặc thực dân. Chiến thắng giặc dốt. Chiến thắng giặc đói. Chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta".

 

Phát biểu tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc, ngày 1/5/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên năm ý nghĩa to lớn của phong trào thi đua yêu nước "Thi đua là đoàn kết", "Thi đua là yêu nước", "Thi đua là tinh thần quốc tế", "Thi đua là góp sức giữ gìn hoà bình và dân chủ thế giới", "Thi đua là cải tạo con người"…và Người căn dặn các anh hùng, chiến sỹ thi đua phải tiếp tục phát huy thành tích, gương mẫu, khiêm tốn học hỏi cầu tiến bộ. Người nói “Tuyệt đối chớ tự kiêu tự mãn, chớ xa rời quần chúng. Phải luôn luôn nhớ rằng: Thành tích là thành tích tập thể, anh hùng là anh hùng tập thể, chứ không phải là thành tích và anh hùng cá nhân. Đó là vinh dự chung của dân tộc, chứ không phải là vinh dự của riêng cá nhân". Điều này được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đi, nhắc lại nhiều lần trong các bài viết, bài nói, trong các cuộc tiếp xúc, nói chuyện với các anh hùng, chiến sĩ thi đua cũng như với các tầng lớp nhân dân ta…

 

Ngay từ khi khởi đầu của phong trào thi đua, Bác Hồ đã lường tính tới những tác động tiêu cực có thể xảy ra với phong trào và nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân phải cảnh giác để hạn chế những tiêu cực ấy.