Người kể chuyện Bác Hồ bằng tiếng Dao

08:59, 04/11/2008

19 tuổi, cô là đảng viên trẻ nhất vùng. 21 tuổi, cô trở thành Bí thư Chi bộ bản Khe Rạc - Cao Sơn. Dịch rồi đi kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác Hồ bằng tiếng Dao, thiếu nữ Triệu Thị Hạnh đang làm nên một hiện tượng đặc biệt ở xã Vũ Chấn (Võ Nhai).

Hơn 1 tiếng đồng hồ vật vã với đường đất, cuối cùng chúng tôi cũng thở phào chùi đôi chân bê bết bùn vào vệ cỏ để ngồi trên chiếc chiếu trải giữa nhà Triệu Thị Hạnh. Dáng người chắc lẳn, tóc quăn bồng bềnh, Hạnh tỏ ra là người quen giao tiếp. 4 năm là lãnh đạo Chi bộ Khe Rạc - Cao Sơn đã làm nên một cô Hạnh chững chạc và bản lĩnh. Cùng ngồi tiếp chuyện là bố Hạnh: ông Lý Tiến Quý và mẹ Hạnh: bà Triệu Thị Khách - hai cái tên ghép lại là quý khách, đúng như nụ cười đôn hậu ông bà dành cho chúng tôi, mặc dù không hiểu lắm câu chuyện bằng tiếng Kinh.

 

Sinh năm 1984, lên 8 tuổi Hạnh mới vào lớp 1 "vì trường thì có mà thầy chưa có"- Hạnh thủ thỉ. Những con suối chông chênh đá tảng chúng tôi vừa đi qua là con đường ngày ngày đến  trường của Hạnh và lũ trẻ vùng Khe Rạc. Hết cấp 1, đa số bạn cùng học ở nhà lấy chồng, làm nương, Hạnh bé nhỏ lại yếu nên được cô giáo chủ nhiệm cho ở cùng khu nội trú của giáo viên. Học hết cấp 2 ở Trường THCS Na Giang năm 1999, Hạnh được các đoàn viên bản Khe Rạc bầu vào Ban chấp hành Chi đoàn, năm sau được bầu làm Phó Bí thư Chi đoàn, năm sau nữa được bầu làm Bí thư.

 

Hạnh nhớ lại: Năm 2000 Chi đoàn chỉ có 6 đoàn viên, năm 2002 đã có 18 đoàn viên, Chi đoàn hoạt động tưng bừng lắm: Giao lưu với các đoàn xã, tặng quà đối tượng chính sách, tổ chức tết trung thu cho thiếu nhi. Đoàn viên nhận làm thuê, chuyển vật liệu để có tiền hoạt động. 18 tuổi, Hạnh là học viên trẻ và đạt kết quả loại xuất sắc nhất của lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng huyện Võ Nhai. 19 tuổi, Hạnh thi cán bộ dân vận khéo cấp tỉnh đoạt giải Ba và phần thưởng dành cho thí sinh người dân tộc ít tuổi nhất. Cũng năm ấy, người thiếu nữ Dao nhanh nhẹn, nhiệt tình với công việc đoàn thể này vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, và chỉ 2 năm sau, cô trở thành Bí thư Chi bộ trẻ nhất vùng Khe Rạc- Cao Sơn.

 

Câu chuyện của Hạnh bỗng lắng lại khi chúng tôi muốn nghe về những kỷ niệm công tác của đồng chí lãnh đạo chi bộ trẻ tuổi.

- Trẻ là lợi thế nhưng cũng là điểm yếu - Hạnh tâm sự. Một lần có tranh chấp rừng ở Cao Sơn, Hạnh cùng lãnh đạo xóm đến giải quyết. Chủ hộ sừng sộ chỉ vào mặt Hạnh: Con vắt mũi chưa sạch này, về ngay - rồi ông ta hắt gáo nước vào mặt Hạnh. Tức đến điếng người, nhưng Hạnh cố bình tĩnh, đề nghị 2 gia đình ngồi lại, nghe trình bày rồi giải thích, phân tích bằng lý, bằng tình để hai bên hiểu. Mấy hôm sau gặp Hạnh ngang đường, bác chủ nhà nóng nảy hôm trước đã xuống xe xin lỗi Hạnh. Một kỷ niệm nữa cũng làm Hạnh nhớ mãi, ấy là lần xóm Khe Rạc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân, Hạnh ứng tiền cho mọi người đi chợ làm cơm, dự định là mua xương sườn lợn nấu canh nhưng không có, đành mua thay bằng xương sống (rẻ hơn). Vào bữa ăn, có người thắc mắc "sao xương nọ lại thành xương kia, có khuất tất chi đây". Thế là Hạnh phải đứng ra xin lỗi bà con và tường trình chi tiết từng đồng chi tiêu, cuối cùng mọi người cũng hiểu. Những va vấp ấy đã giúp Hạnh rút ra một điều: Để dân hiểu, phải bình tĩnh; để dân tin, phải minh bạch.

Điều đặc biệt nhất của Hạnh là tình yêu đối với những câu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Hạnh kể:

- Lần đầu tiên tôi được tiếp cận với Tư tưởng Hồ Chí Minh là khi theo học lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng. Thấy tôi thích đọc quá, thầy giáo cho mượn tập giáo trình với điều kiện ngày hôm sau phải trả. Tôi đã đọc một mạch hết tập sách của thầy trong đêm. Bài viết thu hoạch của đợt học ấy, tôi liên hệ tình hình địa phương với những điều đã đọc, được điểm cao và biểu dương trước lớp.

 

Năm 2007, khi Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí minh được triển khai đến bản, Hạnh nghĩ ra việc dịch các câu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác ra tiếng Dao để kể cho dân bản nghe.

- Nhiều người trong bản chúng tôi không thạo tiếng Kinh, hơn nữa nói chuyện bằng tiếng dân tộc mình thấy gần gũi, dễ hiểu hơn. Vậy nên tôi mới nghĩ ra việc dịch các câu chuyện ra tiếng Dao. Trật tự sắp xếp câu của tiếng Việt và tiếng Dao gần như ngược nhau, nên mấy chuyện đầu tôi dịch mất nhiều thời gian, sau quen dần, chỉ đọc qua là tôi "phiên" ngay sang tiếng Dao được. Chuyện Hạnh dịch đầu tiên là chuyện "Nước nóng, nước nguội", ấn tượng về lần bị hất nước vào mặt, rồi bình tĩnh giải thích để bà con hiểu giúp cô càng thấm lời dạy của Bác về sự bình tĩnh trong đối nhân xử thế: "Hoà nhã, điềm đạm cũng như cốc nước nguội dễ uống, dễ tiếp thu hơn".

 

Và thế là trong các cuộc nghiệm thu công trình 134, 135, khánh thành nhà đại đoàn kết; họp xóm, họp chi đoàn, tập dân quân, họp phụ nữ… có diễn đàn là Hạnh kể. Không chỉ kể cho dân bản Khe Rạc, đến 70% bà con 5 bản người Dao của Vũ Chấn đã nghe Hạnh kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác bằng tiếng Dao.

 

- Tôi luôn nói với bà con: Trước đây dân  mình khổ thế, từ ngày có chương trình định canh định cư, có các đề án của Nhà nước, bà con được đi học, có cơm thịt ăn, đó cũng là mong muốn của Bác Hồ.

 

Bà con thích nghe chuyện Hạnh kể lắm và khi Hạnh vận dụng câu chuyện vào sự việc cụ thể nào đó thì họ nghe theo ngay. Ấy là một lần Hạnh cùng đoàn nghiệm thu nhà được đầu tư hỗ trợ Chương trình 134 của gia đình anh Triệu Văn Lưu, chủ nhà mến khách quá, chạy đi đuổi gà thịt. Hạnh cản lại rồi nhẹ nhàng kể chuyện Bác Hồ khi đi công tác đều mang theo cơm nắm muối vừng, không làm phiền dân, vậy sao những cán bộ do Bác rèn luyện đến mà dân phải thịt gà…?

 

Cứ như vậy, những câu chuyện Hạnh kể thủ thỉ bằng tiếng Dao đã ngấm từ lúc nào, bà con Khe Rạc trước đã có truyền thống đùm bọc, nay càng đùm bọc, gắn bó hơn. Bí thư Đảng uỷ xã Lý Hắc Búa ngồi nghe câu chuyện từ đầu buổi giờ gật đầu xác nhận: Năm 2008, đơn thư khiếu kiện trong bản vì tranh chấp, mất đoàn kết chỉ còn 1, trong khi năm 2007 có 8 đơn gửi ra xã. Một tin vui nữa: Chuẩn bị bước vào năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo của 5 bản Dao đều giảm, trong đó có Khe Cái, tỷ lệ hộ nghèo giảm đến 23%.