Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo xây dựng và mở rộng khối đại đoàn kết giữa các dân tộc. Để thực hiện đoàn kết và bình đẳng giữa các dân tộc, người đặc biệt quan tâm đến vấn đề đào tạo bồi dưỡng cán bộ tại chỗ cho từng dân tộc.
Coi cán bộ là gốc của mọi công việc nên dừng chân ở đâu, bất cứ nơi nào Hồ Chí Minh cũng chú ý đến đào tạo huấn luyện cán bộ. Khi còn ở bên kia biên giới Việt Trung trên đường trở về Tổ quốc tại làng Nậm Quang, Tĩnh Tây (Trung Quốc) Người mở lớp huấn luyện cán bộ chính trị cho hơn 40 cán bộ cách mạng Cao Bằng, Người trực tiếp lập chương trình và trực tiếp chỉ đạo lớp huấn luyện.
Khi mới về nước, thời gian ở Pác Bó, Người mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ. Những lớp tập huấn này diễn ra trong vòng 7 đấn 8 ngày, rầt linh hoạt tùy theo điều kiện phong trào tùy theo đối tượng học viên.
Sau Cách mạng tháng Tám, trở lại Việt Bắc lãnh đạo kháng chiến Chủ tịch Hồ Chí Minh càng có điều kiện xây dựng đội ngũ cán bộ địa phương. Năm 1950, Người cho mở lớp huấn luyện bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số. Hơn 30 thanh niên tiên tiến người Dao ở các bản cùng một số người Tày được tập trung về học.
Sau khi hòa bình lập lại, rời chiến khu Việt Bắc về Thủ đô Người vẫn chú ý đến rèn luyện cán bộ dân tộc. Mỗi lần về thăm quê hương Việt Bắc, gặp cán bộ trẻ, Người luôn căn dặn: các cháu là cán bộ dân tộc, phải làm sao cho các dân tộc được ăn no, mặc ấm không tin vào ma quỷ, muốn thế các cháu phải công tác tốt, muốn công tác tốt các cháu phải học tập tốt.
Trong công tác đào tạo cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng rèn luyện cho cán bộ có đạo đức và phong cách tốt. Người quan niệm muốn có đạo đức cách mạng phải có năm điều: Nhân –Nghĩa - Trí – Dũng - Liêm. Ở đâu và lúc nào Người cũng yêu cầu cán bộ giữ đúng năm điều nên làm và 5 điều nên tránh; phải giữ vững phầm chât cách mạng, phải kính già yêu trẻ. Người đòi hỏi cán bộ phải thực sự gương mẫu không được tụ kiêu tự mãn.
Không chỉ chú ý về chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến việc nâng cao trình độ văn hóa cho cán bộ và nhân dân các dân tộc. Theo chủ trương của Người, phong trào Việt Minh phát triển tới đâu thì tổ chức học văn hóa đến đó, người biết dạy người chưa biết, người biết nhiều dạy người biết ít. Ngay trong tháng đâu tiên khi về Pác Bó, Cao Bằng, Người giao cho đồng chí Cao Hồng Lãnh sao in bộ vần dạy chữ theo lối mới, bản thân Người trực tiếp tham gia dạy quốc ngữ cho cán bộ địa phương.
Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị, cán bộ văn hóa, Người rất trú trọng huấn luyện cán bộ quân sự. Ngay sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám (5/1941), Người phân công đồng chí Cao Hồng Lãnh tổ chức một trạm liên lạc trên đất Trung Quốc để đưa cán bộ từ trong nước sang học tập quân sự. Riêng tỉnh Cao Bằng từ tháng 6 đến tháng 8/1941 theo chỉ thị của Hồ Chí Minh, Đảng bộ đã tuyển chọn 80 thanh niên khỏe mạnh sang Trung Quốc huấn luyện quân sự, trong đó có 10 người được cử học tập chuyên sâu về vô tuyến điện. Từ năm 1941 đến năm 1944, khoảng 200 thanh niên các dân tộc chủ yếu của vùng Việt Bắc được gửi sang Trung quốc học tập quân sự ở Điền Đông (Liễu Châu). Những thanh niên này sau trở thành những cán bộ quân sự nòng cốt trong lực lượng vũ trang ở chiến khu Cao - Bắc - Lạng và Khu giải phóng.