Đất nghèo nuôi chí lớn

08:26, 29/07/2009

Ông cũng như hàng vạn thương binh khác mang sức trẻ tuổi thanh xuân ra trận chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thành nhiệm vụ trở về quê hương, ghi tạc lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, thương binh hạng 3/4 Lê Hữu Hợi, xóm Chính Phú 1, xã Phú Xuyên (Đại Từ) lại tiếp tục chiến đấu trên mặt trận sản xuất, trở thành tấm gương thương binh điển hình về phát triển kinh tế gia đình.

 

Sống lại cuộc chiến 81 ngày Thành cổ Quảng Trị…

 

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Lý Nhân, tỉnh Hà Nam -vùng chiêm trũng nổi tiếng với những tác phẩm “Chí Phèo”, “Đời thừa”, “Trăng sáng” của cố tác gia Nam Cao. Năm 1964, cùng với gia đình, chàng thanh niên Lê Hữu Hợi rời bỏ mảnh đất quê hương đi xây dựng vùng kinh tế mới tại xóm nghèo Chính Phú, xã Phú Xuyên (Đại Từ) theo chủ trương “giãn dân” của Đảng, Nhà nước. Năm 1968, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc Lê Hữu Hợi đã lên đường nhập ngũ lúc tròn 21 tuổi. Thời điểm đó, anh mới xây dựng gia đình với chị Phạm Thị Bắc. Khi ra đi anh không hề biết người vợ đã mang thai đứa con đầu lòng. Mang trong mình bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh cùng đồng đội vào chiến trường, chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày gian khổ, ông như sống lại thời khắc của những trận đánh lịch sử đó: Vào quân đội, ông Hợi tham gia chiến đấu ở Đại đội C20 trinh sát, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304. Là lính trinh sát, ông luôn phải đi trước thám thính, luồn sâu vào lòng địch vẽ lại sơ đồ của quân địch, đắp thành sa bàn để cấp trên quyết định trận đánh, cách đánh.

 

Ông bảo: Nghề của lính trinh sát là phải “mắt thấy, tai nghe, tay sờ” thì  độ chính xác mới cao, nếu cẩu thả thì sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường, không chỉ ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của quân ta mà còn ảnh hưởng đến cả vận mệnh dân tộc. Tháng 3/1972, quân ta mở Chiến lược Trị - Thiên, sau 2 đợt tấn công đến tháng 5, quân ta đã chiếm được Quảng Trị. Giữa tháng 6/1972, Quân đội Việt Nam Cộng hòa dồn lực lượng phản công với sự tham gia chiến lược của không quân, hải quân Hoa Kỳ. Đặc biệt, trong trận chống càn Giang Sơn CT 1971 (có mật danh Lam Sơn 719), chiến sự trong mùa hè đỏ lửa đã diễn ra cực kỳ ác liệt. Đến đầu tháng 7/1972, quân địch đã tiến đến thị xã Quảng Trị và cuộc chiến 81 ngày, đêm ở thị xã và Thành cổ Quảng Trị bắt đầu. Bên cạnh lực lượng bám trụ thị xã, quân ta còn có sức mạnh của các sư đoàn chủ lực 308, 304, 320 đứng bên sườn địch từ hướng đường 1 và hướng ven biển mở nhiều đợt tiến công vào sườn đội hình tiến công của địch, gây cho địch nhiều thiệt hại, làm chậm bước tiến của chúng, buộc chúng phải đối phó bị động. 81 ngày đêm chiến đấu, Quân ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng tạo nên sức chiến đấu kiên cường, giành giật với quân địch từng công sự, từng chiến hào. Tuy nhiên, do lượng quân địch đông, nên ta không giữ được Thành cổ.

 

Ánh mắt xa xăm, ông Hợi nhẩm đọc những câu thơ nói về sự khốc liệt và mất mát của trận đánh giữ Thành cổ Quảng Trị của Cựu chiến binh Lê Bá Dương trong bài “Lời gọi bên sông”: “Đò xuôi Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi đôi mươi hòa sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”. Sau khi Thành Quảng Trị thất thủ, đơn vị ông rút ra ngoài, chốt ở Động Ông Gio. Năm 1973, ông bị thương và đến năm 1974 ông trở về quê với thương tật 44%.

 

Chiến đấu với đói, nghèo

 

Ngày trở về, nhìn người vợ đảm đang, hiền thảo cùng đứa con trai đầu lòng lúc này đã 7 tuổi ra đón ông không cầm được nước mắt. Đối diện với cuộc sống đời thường, ông xót xa thương người vợ lam lũ gần chục năm chờ chồng, nuôi con trong hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn, lúc nào cũng đối mặt với cái đói giáp hạt. Với phẩm chất người lính bộ đội Cụ Hồ, ông quyết không chịu khuất phục trước khó khăn. Vậy là giữa mênh mông đất đồi chỉ toàn lau sậy, tre nứa, sim, mua và sỏi đá, một căn nhà gian 3 gian tuyềnh toàng được dựng lên và công cuộc san đồi, khai phá tạo dựng cơ nghiệp bắt đầu.

 

Khó khăn chồng chất khó khăn, trước gia cảnh khốn khó, người thương binh hạng 3/4 phải xoay sở, tính toán để lo cho cả gia đình. Sau nhiều đêm không ngủ, câu hỏi làm ông day dứt là. Cái gian khó, ác liệt, sự sống chết trong gang tấc của chiến tranh… mình đã vượt qua, có lẽ nào trong cuộc chiến chống lại đói nghèo mình lại thua cuộc? Từ trồng sắn rồi chuyển sang trồng mía, trồng chè, lấy ngắn nuôi dài, gia đình ông dần vơi khó khăn. Ngày nào cũng vậy cứ mờ đất là hai vợ chồng vác cuốc san đồi, chăm sóc, cày sới, cải tạo đất cằn, sau mỗi ngày lao động cực nhọc, hai vợ chồng ông hình dung vùng đất cằn cỗi này rồi sẽ mướt xanh những búp chè và niềm tin đó đã được thắp sáng suốt mấy chục năm qua. Quả thật đất đã không phụ công người, vùng đất hoang sơ chỉ toàn cỏ dại cằn cỗi xưa giờ trở thành khu vườn đồi ngút ngàn tầm mắt. Hiện tại gia đình ông có 5 nghìn m2 chè và hơn 3 nghìn m2 đất đồi trên trồng rừng keo, dưới chân đồi cũng lại là chè bao phủ. Cây chè đã giúp cho cuộc sống gia đình ông ngày càng ổn định.

 

Từ năm 2000, ông mạnh dạn phá bỏ 2.500 m2 chè trung du lá nhỏ cho năng suất thấp chỉ khoảng 20 tạ búp tươi/ha chuyển sang trồng chè cành LDP1. Nhờ vậy năng suất chè của gia đình ông hiện đạt trên 120 tạ búp tươi/ha. Không chỉ mạnh dạn đưa giống chè cành vào trồng, ông Hợi còn là người đầu tiên ở xóm Chính Phú 1 đầu tư mua máy bơm và hệ thống ống dẫn tạo thành giàn tưới chè liên hoàn với kinh phí khoảng 5-6 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn đầu tư thêm một máy hái chè trị giá 10 triệu đồng để giảm sức lao động. Có của ăn của để, gia đình ông mua thêm 15 con lợn nái ngoại về chăn nuôi để tăng thu nhập. Mỗi năm, với 2 lứa lợn, ông chỉ bán giống và thu lãi cũng được gần 90 triệu đồng từ chăn nuôi. Mô hình kinh tế đồi rừng kết hợp chăn nuôi của ông cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

 

Ngoảnh đi ngoảnh lại đã mấy chục năm, giờ đây mái tóc đã chuyển màu thời gian, người bạn đời chung lưng đấu cật cũng đã rời bỏ ông sau lần bà bị tai biến mạch máu não năm 2004. Hơn 4 năm nay, ông sống với gia đình cậu con trai út tại xóm nhỏ Chính Phú 1 này. Ông Hợi tâm sự: Mỗi độ tuổi có sự say mê khác nhau, còn trẻ thì say mê làm ăn, về già thì say mê hoạt động xã hội, giáo dục con cháu trở thành người có ích cho xã hội. Nhưng dù ở lứa tuổi nào, làm công việc gì trong tôi cũng luôn ghi tạc lời dạy của Bác: "Thương binh tàn nhưng không phế". Vâng cuộc đời sẽ đẹp lên rất nhiều vì có những người thương binh giàu nghị lực và cháy bỏng niềm tin yêu cuộc sống như ông.

 

Hai năm trở lại đây, cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được triển khai tại địa phương, được biết thương binh Lê Hữu Hợi luôn là tấm gương đi đầu trong vận động bà con trong xóm làm theo tấm gương của Bác. Từ tuyên truyền vận động, giáo dục con em tránh xa các tệ nạn xã hội, các hộ dân đoàn kết giúp đỡ nhau xóa đói, giảm nghèo, tích cực thi đua lao động sản xuất. Học Bác, người dân xóm Chính Phú 1 luôn làm ra các sản phẩm chè an toàn, không gây độc hại cho người tiêu dùng. Vào tối thứ 7, chủ nhật hàng tuần, bà con lại tụ họp đông đủ tại nhà văn hóa xóm mở ti vi xem các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, trao đổi với nhau cách làm ăn, phát triển kinh tế; mỗi gia đình thực hiện trồng 10 m2 rau sạch để tiết kiệm chi tiêu, sử dụng sản phẩm an toàn ngay tại vườn nhà; trong các việc hiếu hỉ, ma chay bà con cũng cố gắng thực hiện tiết kiệm, giảm các thủ tục lạc hậu trước kia. Đặc biệt, xóm Chính Phú 1 còn là xóm đầu tiên của xã Phú Xuyên, thậm chí của huyện thành lập các câu lạc bộ như Câu lạc bộ thanh niên lập nghiệp, Câu lạc bộ nông dân, Câu lạc bộ văn hóa đời sống của chị em phụ nữ, Câu lạc bộ thể dục thể thao của thanh niên với 2 đội bóng đá và bóng chuyền nổi tiếng chuyên "giật giải" toàn xã…