Tuổi cao ý chí càng cao

09:59, 16/07/2009

Thật bất ngờ, chủ nhân của ngôi biệt thự nằm giữa vườn cây trái xanh tươi, với mức thu nhập mỗi năm từ mô hình kinh tế V.A.C lên đến hơn 300 trăm triệu đồng, là ông chủ của hơn 10 lao động, đã ở tuổi gần 70.

 

Bất ngờ hơn, khi quỹ thời gian phía trước không còn dài, vậy mà vợ chồng ông bà Trúc-Tuyên vẫn chưa bằng lòng với những gì mình đã có, chưa chịu ngồi chơi an hưởng tuổi già mà vẫn ấp ủ những dự định, kế hoạch trong tương lai. Nhưng điều đáng trân trọng mà chúng tôi muốn nói ở đây là ông bà Trúc - Tuyên không chỉ làm giàu cho riêng mình mà còn tích cực đóng góp vật liệu, tiền của xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương; hỗ trợ vốn cho nông dân nghèo quanh vùng vay không tính lãi, nhiệt tình phổ biến kinh nghiệm làm ăn giúp họ vươn lên thoát nghèo; luôn rộng mở tấm lòng sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn với tổng số tiền tài trợ, đóng góp cho các loại quỹ nhân đạo từ 15-20 triệu đồng/năm…

 

Ông Tuyên bảo: Quan điểm của tôi là sống và học tập theo tấm gương đạo đức của Bác ngay từ nhưng việc làm giản dị nhất: Rèn luyện thân thể để sống khoẻ, sống có ích. Sống khoẻ để lao động, sản xuất. Sống có ích là làm ra của cải cho gia đình và xã hội; khi có đồng tiền thì phải biết san sẻ, thương yêu, quý trọng những người nghèo khó hơn mình… 

 

Trong ngôi biệt thự khang trang, rộng rãi, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền ở xóm Nhị Hòa, xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) ông Tạ Văn Tuyên tiếp đón chúng tôi thân tình và cởi mở. 6 người con của ông bà được thừa hưởng sự nhanh nhẹn, hoạt bát, thông minh của cha mẹ cũng đều trở thành những ông chủ, bà chủ. Mỗi cặp vợ chồng đã xây dựng được một cơ ngơi bề thế; trung bình mỗi hộ thường xuyên tạo công ăn việc làm cho trên dưới 100 lao động. Ông Tuyên kể về các con với niềm tự hào hiển hiện trong ánh mắt, nụ cười. Giấy khen, bằng khen của các cấp, bộ, ngành ghi nhận những thành tích xuất sắc của ông trong lao động sản xuất được ông treo ở những vị trí dễ nhìn và trang trọng trong phòng khách. Đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng nhìn ông Tuyên vẫn rất phong độ. Ông thoăn thoát dẫn chúng tôi ra thăm vườn cây, ao cá, sân vườn… với tổng diện tích rộng tới hơn 4 ha, được gia đình quy hoạch gọn gàng, khoa học.

 

- Có khi ông quy hoạch khu vườn này thành một công viên sinh thái, cháu tin sẽ thu hút được nhiều khách đến chơi, nghỉ ngơi, thư giãn ông ạ.- Tôi nói.

 

Ý tưởng đó rất hay. Nhưng ý định trước mắt tôi muốn đầu tư xây dựng một hồ nuôi cá ở khu Suối Lấp rộng cũng đến vài nghìn m2. Đất ở khu vực đó bỏ hoang hoá nhiều năm không sản xuất được vì chất đất xấu. Nếu hồ nước này được xây dựng vừa tạo cảnh quan, môi trường sạch đẹp, vừa nuôi cá mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu ngân sách địa phương. Nhưng một số hộ dân có đất ở đó vẫn chưa đồng thuận, vì họ cứ nghĩ rằng việc xây dựng hồ sẽ chỉ làm giàu cho cá nhân tôi. Thực chất, gia đình tôi làm việc gì cũng dung Hòa giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể. Điều đó đã được chứng minh bằng những việc làm cụ thể suốt những năm tháng gia đình tôi sống và phát triển kinh tế ở mảnh đất này. Ngoài các khoản đóng góp theo quy định của địa phương, thì hầu hết các công trình phúc lợi đều có sự tham gia, đóng góp công sức, tiền bạc của gia đình tôi. Mỗi năm tôi trích khoảng 20 triệu đồng để làm công tác từ thiện, nhân đạo. Năm học mới nào tôi cũng tham dự khai giảng ở các trường học trên địa bàn và đều có quà cho nhà trường… Những việc gia đình tôi làm đều xuất phát từ cái tâm. Cuộc đời ai cũng có những lúc thăng trầm, tôi có được thành công hôm nay cũng phải trải qua biết bao nhọc nhằn, gian nan, thắng-thua, được- mất… Và đến ngày hôm nay, tôi càng thấm thía câu thơ của Bác Hồ: “Gian nan rèn tuyện mới thành công”

 

Đúng là nghĩ về Bác, nói về Bác lòng ta trong sáng hơn. Câu chuyện giữa chúng tôi và ông Tuyên cứ say sưa mãi, nào chuyện của quá khứ, của hiện tại và những dự định của tương lai; đặc biệt là những câu chuyện về Bác Hồ. Càng tâm sự với ông Tuyên tôi càng thấy ở con người ông toát lên vẻ nhân hậu, gần gũi và hiểu biết. Ông nói những lời như được chắt ra từ gan ruột: Tôi làm giàu không phải cho riêng tôi, mà khát vọng cháy bỏng của tôi là được góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới; thay đổi tư duy làm ăn của những người nông dân chỉ biết chân lấm tay bùn. Tôi mong muốn những gì tôi đã làm, kể cả thành công hay thất bại đều sẽ trở thành những bài học quý cho người nông dân. Để từ đó họ tự chiêm nghiệm và rút ra những kinh nghiệm làm ăn cho mình. Bản thân tôi cũng phải nỗ lực học hỏi và tự vươn lên. Nghe tin ở đâu có mô hình kinh tế hiệu quả phù hợp với sở trường và Hòan cảnh của gia đình, tôi đều tìm đến thăm quan, học tập. Nên tôi luôn đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu tiêu dùng, thị trường, mang lại hiệu qủa kinh tế cao. Ông trở thành nông dân đầu tiên ở tỉnh Thái Nguyên biết triết, ghép nhãn đặc sản trên cây nhãn thường; hộ tư nhân đầu tiên sản xuất gạch bằng máy…

 

Thời trai trẻ ông Tuyên là một chiến binh anh dũng thuộc Sư đoàn 308, Trung đoàn 102 bảo vệ thủ đô; nay tuổi đã về chiều, nhưng dũng khí của tuổi trẻ vẫn hừng hực trong con người ông trên mặt trận làm kinh tế giỏi. Trong dáng chiều phớt màu mây tím, ông sải những bước chân vững chãi, tự tin trên thảm cỏ xanh trong khu vườn ngút ngàn cây trái. Đúng là cuộc đời của mỗi con người sẽ như dài thêm khi ta tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống tươi đẹp. Chỉ vài giờ trò chuyện với ông, tôi cũng học hỏi được biết bao điều để sống có ích và có nghĩa…