"Cõng chữ" lên ngàn

08:49, 14/08/2009

Trường Tiểu học Bình Sơn 1, Thị xã Sông Công có một Khu trung tâm và 3 phân hiệu lẻ đó là phân hiệu Xuân Đãng, Bình Định và Tân Sơn. Năm học 2008 - 2009, Trường có 34 giáo viên và 456 học sinh. Đường đến ba phân hiệu lẻ rất khó đi… Lên dốc, xuống dốc, qua đèo rồi vượt hồ là lịch trình thường ngày của những thầy cô “cõng chữ” đến với học sinh thân yêu của mình.

 

Khó khăn, vất vả nhất là khu phân hiệu lẻ ở xóm Tân Sơn. Con đường đất từ trung tâm xã Bình Sơn đến xóm Tân Sơn xa, khó đi đã đành nhưng các cô còn phải qua một cái hồ lớn, nước sâu. Những ngày đầu khi qua đò, các thầy cô được người dân quanh đó đưa sang đồng thời cũng hướng dẫn luôn cách chèo đò để các cô tự đi. Thầy giáo Nguyễn Văn Trường, Phó Hiệu trưởng cho biết: Để chèo đò sang đến bờ bên kia phải mất 20 phút, có nhiều hôm nước lớn, gió to đò bị gió thổi tạt vào bờ hoặc quay tròn giữa hồ là chuyện bình thường… Nhà trường đã trang bị phao cứu hộ để các cô mang theo đề phòng khi có sự cố. Mỗi năm Nhà trường hỗ trợ cho một giáo viên đi phân hiệu lẻ ở Tân Sơn 1triệu đồng tiền thuê đò để giúp các cô bớt đi những khó khăn khi nhận nhiệm vụ ở đó.

 

Những ngày đầu nhận nhiệm vụ, cô giáo nào cũng ái ngại vì nhiều lẽ, phần vì nhà xa, phần vì con nhỏ, phần vì bố mẹ già thường xuyên đau ốm… thậm chí có cô giáo còn làm đơn xin Nhà trường để được miễn đi dạy ở các phân hiệu lẻ. Nhưng nguyên nhân sâu xa cũng chỉ vì đường đi quá khó khăn, cơ sở vật chất của các phân hiệu lẻ còn nhiều thiếu thốn… Đã nhiều lần Ban giám hiệu Nhà trường muốn dồn phân hiệu lẻ lại để các cô đỡ vất vả nhưng như thế thì phần vất vả lại thuộc về các bậc phụ huynh học sinh và chính các em nhỏ nên lại thôi. Đã thế, ở khu phân hiệu lẻ Tân Sơn còn có tới 50 - 60% học sinh từ khu vực của xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) đang theo học, đó quả là một bài toán khó đối với Ban Giám hiệu Nhà trường. Làm thế nào để động viên và giải thích cho các cô giáo hiểu mà hăng say và nhiệt tình nhận nhiệm vụ. Đến đầu năm 2007, khi Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương phát động trong cả nước thì sức lan tỏa của Cuộc vận động đã thực sự trở thành một làn sóng; lãnh đạo Nhà trường đã kịp thời vận dụng sáng tạo và cụ thể hóa những bài học.

 

Cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng nhà trường kể: Ngay sau khi nhận được công văn phát động Cuộc vận động của Thị uỷ Sông Công, Ban Giám hiệu nhận thấy đây chính là dịp để khơi dậy niềm đam mê và ý chí cho các cô giáo nhận nhiệm vụ ở các phân hiệu lẻ, vậy là nội dung của Cuộc vận động đã được phổ biến cho toàn bộ giáo viên của nhà trường… Năm đầu thực hiện Cuộc vận động, Nhà trường đã cho các thầy cô giáo tự tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của Bác, con đường hoạt động cách mạng để tìm ra ánh sáng hòa bình, rồi những quan điểm của Bác về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đặc biệt là những quan điểm của Bác về những vấn đề về giáo dục và đào tạo. Nhà trường đã yêu cầu mỗi thầy cô giáo tự xây dựng một kế hoạch công tác cho cá nhân để làm thế nào thực hiện tốt việc “làm theo” tấm gương của Bác phù hợp với đặc thù công việc được giao, đi đầu thực hiện là Ban Giám hiệu rồi đến các thầy cô đã công tác lâu năm. Dần dần phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được các giáo viên hưởng ứng rất nhiệt tình,  lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” đã thực sự thấm nhuần trong tư tưởng và ý thức của mỗi cán bộ, giáo viên nhà trường…

Trong số những thầy cô đã từng theo dạy ở phân hiệu lẻ Tân Sơn, có cô giáo Nguyễn Thị Thắm làm tôi nể phục và xúc động hơn cả bởi 10 năm công tác ở Trường Tiểu học Bình Sơn 1 thì cô có thâm niên đi Tân Sơn gần 6 năm, trong lúc đi "nghĩa vụ" thì cũng là lúc chồng cô lâm trọng bệnh. Khó khăn chồng chất khó khăn là vậy nhưng vì yêu nghề, mến trẻ nên cô vẫn nguyện một lòng vượt qua gian khó để dìu dắt các em học chữ. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng tâm sự: Khi chồng cô Thắm bị bệnh nặng đang điều trị ở bệnh viện, Nhà trường đã bố trí cho cô nghỉ phép để có điều kiện chăm sóc chồng, đến khi cô quay lại lớp học thấy học sinh của mình học sút vì chưa quen thầy dạy mới cô đã bật khóc… Chồng cô Thắm đã mất cách đây hai năm, một mình nuôi con nhỏ. Những tưởng nỗi đau ấy có thể quật ngã cô giáo Thắm, nhưng với nghị lực và bản lĩnh của một đảng viên trẻ cô lại tiếp tục bám trụ với phân hiệu Tân Sơn và những học trò đang đợi cô dạy chữ…

 

Điều đáng mừng là trong hai năm trở lại đây tỷ lệ học sinh lên lớp ở các phân hiệu lẻ luôn đạt 100% tỷ lệ học sinh khá giỏi chiếm 60% trên tổng số 456 học sinh, có được kết quả đó là do cả thầy và trò đều cùng nỗ lực, phấn đấu. Bên cạnh đó, các thầy cô cũng luôn nhận được những tình cảm đáng quý của các bậc phụ huynh. Cô giáo Củng Thị Vân Hà kể lại: Có hôm các cô đem mỳ tôm và rau theo để nấu ăn tại đó lại được các phụ huynh nấu giúp, bố mẹ các em cũng thường đem nước cho các cô uống giữa giờ. Lòng nhiệt tình và niềm đam mê nghề nghiệp của các thầy cô giáo cùng với nỗi khát khao mong học cái chữ cho con em mình nơi ấy đã giúp cho thầy và trò các phân hiệu lẻ của Trường Tiểu học Bình Sơn 1  vững tin về ngày mai.

 

12 năm thành lập và trưởng thành, chặng đường cho một ngôi trường đang đảm nhận sự nghiệp trồng người còn dài phía trước, nhưng từng ấy thời gian cũng đủ để thầy và trò Trường Tiểu học Bình Sơn 1 gặt hái được nhiều thành tích đánh khích lệ, nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Trường tiên tiến và tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh, Liên đội mạnh xuất sắc cấp tỉnh, Công đoàn cơ sở vững mạnh và Chi bộ Đảng trong sạch vững mạnh. Đặc biệt là trong đợt sơ kết 2 năm Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Nhà trường đã được Thị uỷ Sông Công tặng Giấy khen.

 

Trong khi trao đổi cùng lãnh đạo Nhà trường và tập thể giáo viên tại phòng họp hội đồng, tôi thật ấn tượng với những giấy khen của các cấp, các ngành. Chia tay các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Bình Sơn 1 khi nắng hè đã dịu, gió từ phía Tây thổi về làm rung rung những búp chè non đang vào vụ hái, lòng tôi chộn rộn đến khó tả. Vừa cảm phục những nỗ lực, cố gắng của thày và trò Nhà trường, vừa băn khoăn không biết đến khi nào những nguyện vọng của các cô thày sẽ thành hiện thực. Hy vọng điều đó sẽ không xa để những chuyến đò chở chữ đến với các em vùng khó khăn của xã Bình Sơn bớt nặng.