Gặp người hiến đất làm trường

10:50, 05/08/2009

Mặc dù vẫn thuộc diện hộ nghèo nhưng gia đình anh Bàn Phúc Thuận, xóm Na Bả, xã Phương Giao (Võ Nhai) đã sẵn sàng hiến 3.400m2 đất để Nhà nước xây dựng phân trường tiểu học của xã. Khi hiến đất anh chỉ suy nghĩ giản dị: Giúp trẻ em vùng cao có chỗ để học cái chữ…  

 

Mặt trời đã đứng bóng nhưng khi chúng tôi đến gia đình anh Thuận chỉ có cậu con trai út đang nấu cơm trong bếp, mọi người vẫn đang tra ngô ở quả đồi trước nhà. Thấy có khách đến, cậu con trai ra gọi bố về. Anh Thuận cho hay: Hôm qua trời mưa, đất ẩm nên cả nhà tranh thủ tra ít ngô, chứ vài hôm nữa nắng lên, đất khô trồng ngô lâu mọc lắm, ở đây lại không có nước, điện yếu không thể bơm nước lên tưới ngô được nên tất cả đều trông chờ nước trời…

Chúng tôi quan sát thấy quanh nhà anh Thuận chỗ nào cũng có ngô bắp vàng ươm vừa thu hoạch về, anh còn làm một chiếc lán rộng chừng 30m2 để chứa ngô. Dưới gầm lán là 2 chiếc xe máy, 1 chiếc máy cày gắn thùng moóc, 1 chiếc máy nghiền, 1 máy xát, tất cả đều còn rất mới. Trong nhà anh có đầy đủ ti vi, đầu đĩa, quạt điện. Được biết, chỉ mấy năm trước đây thôi, gia đình anh Thuận vẫn thuộc diện hộ nghèo của xóm vùng cao Na Bả này, nhưng anh đã sẵn sàng hiến 3.400m2 đất để làm trường tiểu học. Tấm lòng thơm thảo của anh đối với bà con xóm giềng được nhiều người ghi nhận, nhưng cũng có kẻ gièm pha cho rằng anh ngốc.

Khu đất ấy nằm ở ngã ba của xóm, đường xá đi lại tương đối thuận tiện, có người đã trả anh 16 triệu đồng nhưng anh không bán mà hiến cho xóm để xây dựng trường. Số tiền đó đối với một hộ nghèo nuôi 4 đứa con ăn học như nhà anh Thuận không phải là nhỏ. Được biết khi Nhà nước có chủ trương kiên cố hóa trường lớp học, địa phương không có kinh phí để bồi thường giải phóng mặt bằng nên yêu cầu các hộ đối ứng. Sau 5-7 lần họp các hộ dân bàn việc đóng góp tiền giải phóng mặt bằng xây dựng trường không có kết quả, Thấy vậy, gia đình anh Thuận đã tình nguyện hiến đất để xóm làm trường. Trước đây nhà lớp học của phân hiệu Na Bả là nhà tạm, làm từ lâu nên đã dột nát. Lớp học nằm trên đất của gia đình ông Ban Nho Hiện - người cùng xóm nhà anh Thuận. Gia đình ông Hiện đòi phải bồi thường khu đất này khoảng 40 triệu đồng, chia bình quân mỗi hộ trong xóm phải đóng góp khoảng 1 triệu đồng, trong khi thời điểm ấy (năm 2006) xóm có tới gần 70% số hộ nghèo, cuộc sống của người dân còn thiếu ăn vài tháng trong năm, lấy đâu ra tiền để đóng góp xây dựng trường.

Anh Thuận tâm sự: 4 đứa con nhà tôi đã học hết cấp 1 tại phân hiệu lẻ cũ nhưng tôi vẫn muốn ủng hộ đất để xóm xây dựng trường vì trong xóm còn có nhiều trẻ em nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nếu phải đi học xa có thể các cháu sẽ bỏ học. Thế hệ chúng tôi không được học hành, không biết chữ nên không biết tính toán để phát triển kinh tế gia đình, vì thế cái nghèo cứ đeo đẳng mãi, khổ lắm. Nhiều lần được mời ra xóm, xã tập huấn kiến thức KHKT về trồng trọt, chăn nuôi nhưng về đến nhà là quên hết vì không ghi chép được gì. Vài năm trở lại đây, các con tôi biết chữ nên khi tham gia các lớp tập huấn thì chúng ghi chép, chỗ nào không hiểu về nhà đọc lại. Thế mới thấy cái chữ là quan trọng…

Hiện nay, mỗi vụ gia đình anh Thuận trồng khoảng 40kg ngô giống (tương đương diện tích 2ha), cho thu hoạch 12-15 tấn ngô hạt, với giá bán từ 3.500-4.000 đồng/kg. Chỉ cần đặt một phép tính đơn giản cũng có thể thấy, mỗi năm gia đình anh thu nhập vài chục triệu đồng từ cây ngô. Không chỉ có gia đình anh Thuận mà 56 hộ dân tộc Dao ở xóm Na Bả đều trồng ngô, nhà nào cũng trồng vài chục kilôgam ngô giống mỗi vụ. Khi chúng tôi đến xóm đúng vào dịp bà con đang thu hoạch và bán ngô, đâu đó có tiếng ô tô ì ì của các tư thương chở ngô nặng vượt dốc, tiếng nói cười của bà con bên ruộng bẻ ngô. Chúng tôi cảm nhận được một cuộc sống yên ấm, sung túc đang về với xóm nghèo này. Mặc dù hiện nay Na Bả vẫn còn 30 hộ nghèo nhưng trong xóm đã xuất hiện những gia đình khá giả từ cây ngô. Cái đói, cái nghèo sẽ dần bị đẩy lùi bởi nhận thức của người dân nơi đây đã thay đổi, họ biết áp dụng tiến bộ KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi. Nhưng người dân Na Bả vẫn mong muốn được Nhà nước đầu tư đường điện sinh hoạt, nước sạch vệ sinh để bà con có thêm điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao mức sống của gia đình.

Trở lại mảnh đất do gia đình anh Thuận hiến, giờ đã mọc lên một ngôi trường khang trang với 3 phòng học, 3 phòng ở cho giáo viên và sẽ được đưa vào sử dụng trong năm học mới 2009 - 2010 này. Xin kết thúc bài viết này bằng lời của Phó xóm Na Bả - ông Bàn Phúc Liên: Tấm lòng của anh Thuận đối với xóm làng đã được các hộ dân trong xóm ghi nhận. Anh đã được xã Phương Giao, huyện Võ Nhai tặng Giấy khen. Anh đã hy sinh lợi ích của bản thân, gia đình mình vì cộng đồng, vì sự học của con trẻ. Cuộc sống hôm nay rất cần những người như anh Thuận... Chúng tôi thầm nghĩ: Có thể với anh Thuận chưa biết nhiều, hiểu sâu về Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", nhưng việc anh làm đã là một hành động thiết thực "mình vì mọi người" theo tấm gương của Bác…