Thứ 7, 18/01/2025, 02:18

Góp phần làm dịu những nỗi đau

10:00, 18/08/2009

Nhiệt tình và trách nhiệm với công việc, chị Hoàng Thị Tỵ, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Bình được mọi người gọi bằng cái tên: Người của công việc.

 

Nụ cười luôn thường trực trên khuôn mặt, năng động trong công việc, nhưng chúng tôi vẫn nhận thấy ánh mắt của chị ẩn chứa những nét buồn. Rồi chị cũng hóa giải sự trắc ẩn đó bằng những lời tâm sự. Chồng chị là thương binh nặng, hạng 1/4, mất 85% sức khoẻ trong một lần đang làm nhiệm vụ. Anh là bộ đội đặc công. Thời gian gần đây, vết thương tái phát nên sức khoẻ giảm sút nhiều. Vì thế, những ngày này, chị rất vất vả để vừa hoàn thành việc nước, vừa làm tròn trách nhiệm với gia đình. Cảm động biết bao khi được biết, chị lấy anh khi anh đã mang trong mình những di chứng của chiến tranh. Mỗi lần trái nắng, trở trời, chị lại trắng đêm cùng anh để chống lại những cơn đau miên man do vết thương tái phát. Từ hoàn cảnh của gia đình, chị hiểu những thiệt thòi, mất mát của những người là nạn nhân của chiến tranh và những người có hoàn cảnh bất hạnh, cô đơn trong cuộc sống. Chị luôn cố gắng nghĩ thật nhiều, làm thật nhiều cho những mảnh đời kém may mắn với mong muốn làm dịu đi phần nào nỗi đau đang giằng xé trong cơ thể, tâm hồn họ, giúp họ tin yêu cuộc đời hơn. Từ sâu trong tâm khảm, với trách nhiệm của một người đã từng làm trong ngành Y hàng chục năm, chị lúc nào cũng nhớ và thực hiện tốt nhất những lời dạy của Bác Hồ "Lương y như từ mẫu" và  "Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm".

 

Chị cũng luôn tự động viên, an ủi bản thân vượt qua những khó khăn, vất vả và biết tự bằng lòng với cuộc sống của mình. Mỗi lúc mệt mỏi, buồn phiền, chị lại nghĩ đến các con và nhớ tới công việc. Người con đầu của chị hiện đang công tác tại văn phòng UBND huyện Phú Bình, người con thứ 2 công tác tại Trạm Y tế xã Tân Kim và người con út của chị hiện là giảng viên Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên. Với đặc thù là một tổ chức xã hội nhân đạo của quần chúng, cả Hội chỉ có 1 biên chế chính thức, 1 hợp đồng và 1/2 cán bộ hợp đồng kế toán (kế toán làm việc ở 2 cơ quan). Đồng chí Chủ tịch hội là Chủ tịch UBND huyện. Do đó, nhân lực dành cho công tác Hội gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, với mảnh đất thuần nông, đời sống của người dân Phú Bình lâu nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, toàn huyện có tới 7.364 hộ nghèo (chiếm 22,4%), trên 150 đối tượng xã hội là người già cô đơn, trẻ em mồ côi, 290 người tàn tật; 1.607 đối tượng nhiễm chất độc hóa học, trong đó có 153 người mất khả năng lao động, 53 người không tự phục vụ được. Đây là những đối tượng xã hội mà các hoạt động của Hội cùng với các cấp uỷ Đảng, chính quyền ở địa phương phải quan tâm, giải quyết, giúp đỡ. Thực tế này đòi hỏi những người làm công tác chữ thập đỏ của huyện phải thực sự tâm huyết và yêu nghề mới hoàn thành tốt được chức trách, nhiệm vụ được giao.

 

Một trong những phần việc được chị Tỵ cũng như Hội Chữ thập đỏ huyện đặc biệt quan tâm đó là phát triển các tổ chức hội ở các xã, thị trấn. Đến nay, ngoài 21/21 xã, thị trấn có tổ chức Hội Chữ thập đỏ còn có 29/41 cơ quan có chi hội chữ thập đỏ; 100% các thôn, xóm, các trường từ mầm non đến THPT trên địa bàn có chi hội chữ thập đỏ. Để thúc đẩy hoạt động của các chi hội, ngay từ đầu năm, Huyện hội đã tổ chức phát động thi đua và đến cuối năm có kiểm tra, chấm điểm thi đua theo khối, theo cụm và tổ chức sơ, tổng kết theo đúng thời gian, tạo động lực thi đua giữa các chi hội.

 

Với cương bị là Phó Chủ tịch Hội, chị luôn chủ động trong việc vận động các tập thể và các nhà hảo tâm, hội viên, các tầng lớp nhân dân ủng hộ cả nhân lực, vật lực để xây dựng quỹ hội ngày càng dồi dào hơn. Các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra luôn được Hội thực hiện vượt kế hoạch và năm sau luôn cao hơn năm trước. 5 năm qua, Huyện hội cùng các cấp hội chữ thập đỏ cơ sở tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho gần 11 nghìn đối tượng, trị giá trên 4 tỷ đồng; vận động ủng hộ và ủng hộ xây dựng 222 nhà nhân đạo, với mức hỗ trợ trung bình từ 5-11 triệu đồng/nhà cho đối tượng nhiễm chất độc da cam và từ 500 nghìn - 1 triệu đồng cho nhà nhân đạo. Ngoài ra, các cấp hội còn hỗ trợ vốn giúp 40 đối tượng chất độc da cam mua bò nái sinh sản trị giá 80 triệu đồng; tuyên truyền vận động trên 18 nghìn lượt hội viên tham gia vệ sinh phòng bệnh, thu gom trên 2,1 nghìn m3 rác thải… Bản thân chị cũng luôn nêu cao tinh thần tự giác, đi đầu trong việc tham gia ủng hộ các đối tượng này. Trung bình mỗi năm, số tiền chị dành cho công tác này từ 4-5 triệu đồng.  Hội Chữ thập đỏ huyện đang được cấp trên đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Mọi người đều hiểu, trong thành tích ấy có sự đóng góp không nhỏ của chị Hoàng Thị Tỵ.