Nữ quản giáo làm theo lời Bác dạy

14:26, 19/08/2009

10 năm gắn bó với công việc của người quản giáo trực trại, chưa bao giờ đồng nghiệp thấy chị Nguyễn Thị Thúy Hà (Trại tạm giam, Công an tỉnh) than vãn một lời về công việc của mình. Họ luôn thấy chị tận tụy với công việc được giao. Dù 2-3h sáng có can phạm được đưa lên Trại đã thấy chị có mặt để khám, làm các thủ tục để can phạm vào Trại. Hiện nay, cả Trại chỉ có mình chị Hà là cán bộ quản giáo trực trại nữ, nên công việc khá vất vả.

 

Công việc của chị không đơn thuần là theo dõi, giám sát, kiểm soát việc ra vào của can, phạm nhân nữ trước khi ra vào Trại, mà còn cùng các bộ phận khác giải quyết việc thăm gặp phạm nhân, dẫn giải can phạm ra tòa, khi đã thành án dẫn phạm nhân tới các trại cải tạo…. Do vậy, áp lực công việc đối với chị khá nặng, bởi số can, phạm nhân ngày càng nhiều. Mức độ ranh ma của các can, phạm nhân tinh vi hơn. Có những trường hợp phạm vào các tội như buôn bán ma túy, họ biết chắc hình phạt của mình là án chung thân hoặc tử hình nên việc giám sát đối với những đối tượng này càng chặt chẽ hơn để chống việc thông cung trước khi xử án hoặc tự sát. Vì thế, nhiều khi về nhà, đêm nằm ngủ mà chị vẫn chưa yên tâm. Theo chị Hà "Đa phần nữ can, phạm nhân trước khi vào Trại đều nghiện. Nên khi người nhà đến thăm, họ thường tìm đủ mọi cách để giấu thuốc lá, thuốc lào, bật lửa… để mang vào phòng sử dụng, vì thế khâu kiểm soát phải cực kỳ cẩn thận". Được biết, mới đây Công an huyện Định Hóa chuyển  can phạm nữ Nguyễn Thị Huệ xuống Trại. Qua kiểm tra, quản giáo Nguyễn Thị Thúy Hà đã phát hiện can phạm giấu 6 tép heroin trong đồ dùng cá nhân. Trong khi đó, khi bắt được can phạm này, Công an huyện Định Hóa chỉ thu được 1 tép heroin trên người.

 

10 năm gắn bó với nghề này, quản giáo Nguyễn Thị Thúy Hà chứng kiến nhiều nhiều câu chuyện vui buồn xung quanh công việc, từ đó như nhắc nhở chị phải sống sao cho xứng với tư cách người Công an Cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy lực lượng Công an nhân dân. Câu chuyện thứ nhất là về nữ can phạm Trương Thị Hồng vào Trại về tội buôn bán ma túy. Trước khi vào Trại, Hồng đã có thai 3 tháng. Theo quy chế của Trại giam không có chế độ cho can phạm khi sinh con. Vì thế, khi phạm nhân này sinh con tại Trại, bản thân chị Hà và các nữ cán bộ trong Chi hội phụ nữ của Trại đã đưa Hồng tới Bệnh viện A sinh nở. Sau đó làm thủ tục đặt tên cho con của Hồng là Trương Hồng Cẩm. Rồi các chị cùng nhau đi xin quần áo cũ, đóng góp tiền mua sữa, móng giò về nấu cháo cho can phạm ăn để có sữa nuôi con. Khi Hồng đã thành án, các cán bộ của Trại lại xin với cấp trên cho Hồng được cải tạo ở Trại Phú Sơn 4 để tiện việc thăm nuôi của gia đình (gia đình Hồng ở Bắc Kạn).

 

Câu chuyện thứ hai là can phạm Diệp Thị Lý ở Đồng Hỷ. Trước khi vào Trại, Lý nghiện ma túy và có HIV. Rất nhiều lần Lý ốm, chị Hà cùng các đồng nghiệp phải trông coi Lý tại cơ sở y tế. Lần lâu nhất chị Hà đã phải trông coi Lý cả tháng trời tại khu điều trị riêng can, phạm nhân của Trại giam tại Bệnh viện A. Lúc đầu vào Viện, Lý được khoảng 40 kg, đến lúc chết chỉ còn 20 kg. Với thân hình lở loét, về giai đoạn cuối Lý không thể đi lại được, nhiều lúc đi vệ sinh cá nhân chị Hà phải phụ giúp. Thời gian trông can phạm Lý cũng vào thời điểm giáp Tết nguyên đán 2008. Nhìn cảnh nhà nhà chồng con đưa nhau đi chợ mua sắm đồ Tết, chị Hà không khỏi chạnh buồn. Khi lãnh đạo Trại xuống thăm, động viên, chị chỉ  biết khóc. Nhưng vất vả của nghề nghiệp càng làm chị gắn bó và thêm yêu nghề. Chị Hà tâm sự: "các can, phạm nữ ở đây phần lớn đều có gia đình chồng con. Vì thế, khi vào Trại họ rất nhớ con, nhớ gia đình. Những ngày lễ, Tết. họ kêu khóc rất ghê. Mình có gia đình, có con nhỏ, mình rất hiểu trong sâu thẳm tâm hồn họ lúc đó trỗi dậy tình yêu thương, sự hối hận. Nếu mình dùng quyền của mình  để mà quát mắng họ chẳng giải quyết được điều gì cả. Mình lại nhẹ nhàng đến động viên họ thành khẩn khai báo, cải tạo tốt để sớm được về đoàn tụ với gia đình".

 

Công việc của người quản giáo trực trại rất âm thầm, lặng lẽ. Hằng ngày, cầm chùm chìa khóa trên tay, chị có thể biết được đó là chìa khóa của phòng giam nào. Phòng nào có bao nhiêu can, phạm nhân nữ, tên tuổi, quê quán, hoàn cảnh ra sao, tội gì…. chị đều nhớ. Nhiều phạm nhân nữ sau khi cải tạo lấy chị làm gương để sống. Khi được hỏi trong công việc chị lấy gì là mục tiêu hướng tới. Chị Hà cho rằng: "Từ khi ngồi trên ghế nhà trường (chị học ở Khoa Trại giam, Học viện Cảnh sát), mình đã luôn nhắc nhở bản thân luôn lấy 6 Điều Bác Hồ dạy lực lượng Công an Nhân dân để mà soi vào bản thân, sống, học tập, phấn đấu sao cho xứng đáng với niềm tin của mọi người. Thực hiện tốt 6 Điều đó rất dễ mà cũng rất khó. Song mình suy nghĩ rất giản đơn, dù ở bất cứ công việc nào, muốn làm tốt phải yêu nó và nỗ lực hết sức mình vì nó".