Bố mẹ là người Việt Nam, nhưng ông Lê Tiến Quý lại sinh ra ở tại vùng Đông Bắc, Thái Lan. Khi còn nhỏ, cậu bé Quý thường xuyên được nghe mẹ ru ngủ bằng những câu chuyện về quê hương, về những người lính quên mình hy sinh cho Tổ quốc, những người mẹ Việt Nam lam lũ với ruộng đồng, về lũ trẻ cưỡi trâu rong ruổi trên triền đê trong buổi chiều tà…
Từ những câu chuyện mẹ kể, cậu luôn ấp ủ ước mơ được trở về quê hương mình. Năm 1960, ước mơ của cậu đã trở thành hiện thực, Quý được theo bố mẹ hồi hương về Việt Nam định cư tại tổ 7 phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên), hành trang mang về là tình cảm vô cùng thiêng liêng đối với Tổ quốc. Giây phút đầu tiên được đặt chân lên đất mẹ, cậu đã tự hứa, phải phấn đấu hết mình, đem sức lực, tài trí để cống hiến cho quê hương.
Thực hiện lời hứa đó, trong suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, cậu luôn là học sinh giỏi xuất sắc, tích cực trong các hoạt động Đội, Đoàn. Từ những thành tích trong học tập đó, năm 1964, khi còn là học sinh của Trường THCS Nha Trang, cậu đã vinh dự được chọn làm Trưởng đoàn thiếu niên tiền phong các dân tộc tỉnh Thái Nguyên gồm trên 20 em lên tặng hoa Bác Hồ kính yêu nhân chuyến Bác lên Thái Nguyên. Trong giây phút ngập tràn hạnh phúc ấy, lời căn dặn Bác nhắc lại như định hướng cho suy nghĩ, hành động của cậu bé 14 tuổi: "Mong các cháu cố gắng, thi đua học và hành, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình…". Khắc cốt, ghi tâm lời nhắc nhở đó, khi trở về, cậu bé Lê Tiến Quý luôn phấn đấu là con ngoan, trò giỏi, năm học nào cậu cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi, luôn là lớp trưởng, Bí thư chi đoàn gương mẫu.
Tháng 10-1965 máy bay Mỹ ném bom cầu Gia Bảy khiến nhiều người dân thiệt mạng. Lòng căm thù giặc sục sôi trong huyết quản của chàng thanh niên cấp III, Trường THPT Lương Ngọc Quyến đã thôi thúc anh làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Năm 1966, anh được cử đi học khóa ngắn hạn về cơ khí chế tạo. Sau khi tốt nghiệp, anh được cử về làm quản lý xe tại Phòng Vật tư Cục quản lý xe. Những ngày đầu làm việc, chưa nắm được các kỹ thuật về xe, anh thường xuống xưởng tham gia sửa chữa cùng thợ, điều gì chưa biết anh hỏi cấp trên hoặc một số đồng chí lái xe đến khi hiểu rõ mới thôi. Dần dần, anh đã hiểu về xe, nắm bắt được toàn bộ các kỹ thuật sửa chữa và trở thành một kỹ thuật viên giỏi. Trong các chuyến công tác đưa hàng chi viện từ Bắc vào Nam, từ Việt Nam sang Lào, anh đều tham gia hỗ trợ lái xe. Những khi xe hỏng dọc đường, anh nhanh chóng tìm cách khắc phục để tải hàng an toàn. Từ những thành tích mà anh đạt được trong các chiến dịch năm 1968, 1972, 1975… anh đã được thăng quân hàm Thiếu úy trước kỳ hạn sau 1 năm tham gia chiến đấu.
Sau 33 năm phục vụ trong quân đội, năm 1997 trở về địa phương, người thiếu úy ngày nào giờ đã lên chức ông nhưng vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Được sự tín nhiệm của Đảng, lòng tin của nhân dân, ông đã trải qua nhiều cương vị như: Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội CCB phường, Phó Bí thư chi bộ phố, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường và hiện nay là Chủ tịch Hội CCB phường Túc Duyên, dù ở cương vị nào, ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông tâm sự: Suốt quãng đời thơ ấu và khi còn trong quân ngũ, tôi luôn làm theo lời dặn của Bác ngày nào, điều đó đã giúp tôi không đầu hàng trước bất cứ khó khăn nào. Khi trở về địa phương, có thời gian để tìm đọc thêm những câu nói, mẩu chuyện về Bác, tôi thấy mỗi lời nói, việc làm của Người đều thật chí lý, chí tình và đáng để học tập.
Làm theo tấm gương của Bác, dù cho cuộc sống gia đình ông Lê Tiến Quý còn nhiều khó khăn, ông vẫn dành thời gian để tham gia công tác xã hội. Gần 9 năm làm Chủ tịch Hội CCB phường, ông đã dẫn dắt các phong trào của Hội phát triển mạnh. Thông qua phong trào, đọc 10 lời thề danh dự của quân nhân trước khi vào sinh hoạt Hội đã làm cho mỗi hội viên thêm tự hào về những phẩm chất sáng ngời của Bộ đội Cụ Hồ. Phong trào này chỉ có ở Hội CCB phường Túc Duyên và đã được duy trì được 8 năm nay. Cùng với đọc lời thề danh dự, các phong trào: Văn hóa - văn nghệ, khuyến học, hoạt động tình nghĩa… cũng ngày càng phát triển. Bằng hình thức giao cho các cơ sở Hội kết nghĩa với các trường học, hằng năm Hội đều có quà khuyến khích, động viên học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, Thành phố. Hội đã thành lập đội văn nghệ gồm trên 20 thành viên để biểu diễn trong những dịp lễ, Tết và thường xuyên đi giao lưu với các đơn vị bạn. Từ những phong trào có ý nghĩa đó đã thu hút ngày càng đông hội viên tham gia. Đến nay, Hội có 344 hội viên, tăng gần 100 hội viên so với năm 2001. 8 năm qua, năm nào Hội cũng đạt được vinh dự đón nhận nhiều bằng khen, giấy khen của UBND T.P Thái Nguyên, Thành hội, UBND phường…