"Dễ chịu"- đó là cảm nhận của nhiều người khi tiếp xúc với cán bộ y, bác sĩ ở Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Sự dễ chịu ấy có được từ sự niềm nở khi tiếp đón tiếp bệnh nhân, sự nhẹ nhàng trong từng câu nói của mỗi cán bộ y, bác sĩ trong giao tiếp, thái độ ân cần, chu đáo của các anh, chị khi chăm sóc những người bệnh.
Thái độ ân cần niềm nở, chăm sóc chu đáo bệnh nhân chính là khẩu hiệu mà đội ngũ y, bác sĩ ở Bệnh viên Y học cổ truyền đã và đang phấn đấu để làm "vui lòng bệnh nhân đến, vừa lòng bệnh nhân đi". Những gì Bệnh viện đã và đang làm chính là để xây dựng một đội ngũ cán bộ có y đức tinh thần trách nhiệm cao trong nghề nghiệp, là một trong những nhiệm vụ quan trọng để mọi người thành công trong công việc. Trong đó có chị Nguyễn Thị Thủy, hiện là Phó Giám đốc Bệnh viện.
Không chỉ là người hết lòng vì công việc mà ở chị Thuỷ còn thể hiện một tấm lòng nhân ái với những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Chị là một trong số ít những người được Đảng bộ khối cơ quan Dân chính Đảng (CQDCĐ) tỉnh đề nghị khen thưởng trong đợt sơ kết Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Song, khi trao đổi để viết bài, chị cũng như nhiều người khác, chẳng ai muốn nói nhiều về bản thân mình, cứ một mực chối từ với lý do: "Những việc tôi làm tất cả đều xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp, tôi không muốn nói ra những gì mình đã làm vì tôi cho đó là nhưng việc rất nhỏ". Trong câu chuyện, chị cũng rất tế nhị, cứ "mang" Bệnh viện ra làm "chủ đề" chính. Nhưng tôi vẫn thấy được bóng dáng của chị trong thành tích chung của Bệnh viện.
Chị bảo: Bệnh viện Y học cổ truyền thường tiếp nhận những bệnh nhân chủ yếu là người già; người nghỉ hưu. Đã gọi là người già thì thường là khó tính. Bệnh tật của bệnh nhân cũng đủ kiểu. Có người khỏi bệnh nhanh, có người lâu khỏi. Tính cách của bệnh nhân cũng "đa dạng, phong phú": người giầu có cũng có kiểu đòi hỏi riêng; người bị bệnh nặng gây đau đớn nhiều lại càng khó chịu, có thể gắt gỏng cả với người nhà và bác sĩ; nhiều người bệnh còn đòi hỏi bác sĩ phải phục tùng theo ý mình. Đứng trước những tình huống như vậy, chị và các đồng nghiệp luôn lấy chữ "nhẫn" làm đầu và bình tĩnh giải thích để không làm mếch lòng bệnh nhân. Chính vì vậy, Bệnh viện chưa phải xử lý một trường hợp nào cán bộ, nhân viên có thái độ không tốt với người bệnh. Bệnh nhân đến đây luôn hài lòng với sự chăm sóc chu đáo, tận tình của các y, bác sĩ. Trong quá trình điều trị, có những ca khó, không thuộc chuyên môn của Bệnh viện, chị đã tranh thủ hỏi thêm ý kiến của bạn bè, đồng nghiệp, có khi còn gọi điện trao đổi với các thầy, cô ở trường Đại học Y khoa để được tư vấn thêm. Mỗi lần như vậy, chị lại rút thêm được một bài học kinh nghiệm cho mình và truyền đạt lại cho đồng nghiệp.
Không chỉ hết lòng vì người bệnh, có trách nhiệm với công việc mà chị còn là người có tấm lòng nhân ái với hoàn cảnh của người bệnh khi lâm vào khó khăn. Chị không muốn kể về mình với những việc làm cụ thể, nhưng qua lời kể của một số bệnh nhân, tôi còn được biết, chị sẵn sàng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn khi đến Bệnh viện khám, chữa bệnh hoặc đến Phòng khám tư tại gia đình khi họ còn thiếu tiền chữa bệnh hay đi đường, mặc dù số tiền không nhiều. Song, với mong muốn làm sao bệnh nhân đã đến với chị phải được điều trị khỏi bệnh, không để bệnh nhân phải dừng chữa trị vì lý do không có tiền. Khi chị còn là Trưởng khoa Điều trị, chị thường xuyên nắm bắt tâm tư, hoàn cảnh của bệnh nhân. Nếu thấy người bệnh nào quá khó khăn, không đủ tiền chữa bệnh, chị đều đề xuất với Giám đốc Bệnh viện để giảm tiền thuốc chữa bệnh cho bệnh nhân (vì lúc đó chưa có Thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo). Chị cho biết thêm: trong khi khám chữa bệnh, cũng có nhiều người do có tâm lý sợ bác sĩ không quan tâm đến mình nên đã có ý được bồi dưỡng cho bác sĩ (tuy không nhiều), nhưng tôi nghĩ: "Những người đến chữa bệnh ở đây đều là người nghèo, già cả, các cụ nghỉ hưu. Họ đã phải chắt chiu từng đồng lương, bán từng đấu gạo để đi chữa bệnh, nếu mình mà nhận của họ, mặc dù đó là sự tự nguyện từ phía bệnh nhân thì mình thật có lỗi và cảm thấy ngượng với chính bản thân mình". Vì vậy, tôi lại phải chối từ để người nhà bệnh nhân thấy được, tất cả mọi người đến đây chữa bệnh đều được quan tâm như nhau, không phân biệt giàu nghèo. Nếu có ưu tiên khám chữa bệnh trước thì là những người già, em nhỏ. Không riêng gì với tôi, mà nhiều y, bác sĩ ở Bệnh viện này đều đã làm như vậy".
Những điều mắt thấy, tai nghe về chị, tôi đã hiểu, đều xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp mà chị đã xác định từ khi bước vào nghề. Chị cũng khẳng định với tôi: Mọi việc em làm không phải bắt đầu từ khi có Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương của Bác. mà chính là những công việc hàng ngày mình cần phải làm như thế. Cũng chính từ những việc làm tưởng như nhỏ ấy mà chị được rất nhiều bệnh nhân ghi nhận. Đây cũng là kênh thông tin được Bệnh viện và Đảng bộ các cấp biết đến để suy tôn chị xứng đáng là tấm gương đã học tập và làm theo Bác.
Hiện nay, ngoài cương vị là Phó Giám đốc phụ trách toàn bộ mảng chuyên môn của Bệnh viện (chỉ đạo các khoa lâm sàng thực hiện tốt các quy chế chuyên môn; công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân); chị còn là Chủ tịch Công đoàn, Chi ủy viên Bệnh viện. Ở cương vị nào chị cũng đem hết tinh thần trách nhiệm để hoàn tốt nhiệm vụ được giao. Qua tâm sự, tôi còn được biết, chị cũng là người rất có "duyên" với các giải do các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể tổ chức như: giải nhất cuộc thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Đảng bộ Sở Y tế; giải Ba cuộc thi trên ở Đảng bộ Khối CQDCĐ tỉnh; từ năm 2002 đến năm 2005 chị thường xuyên tham gia các cuộc thi "cán bộ nữ công giỏi" do Liên đoàn Lao động thành phố và tỉnh tổ chức đều đạt giải cao. Năm 2005 chị là một trong 7 cán bộ đoàn xuất sắc của tỉnh đi dự Đại hội Thanh niên tiên tiến toàn quốc tại Hà Nội. Với sự phấn đấu không ngừng cho sự nghiệp, tuy chị mới vào nghề được 14 năm, nhưng nay đã trở thành Phó Giám đốc Bệnh viện; nhiều năm liên tục là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; năm 2007 là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; là đảng viên xuất sắc.