Người phụ nữ “vác tù và hàng tổng”

08:15, 03/09/2009

Chị là Phạm Thị Năm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quang Sơn (Đồng Hỷ). Năm 2006, chị được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã. Lúc đó, chị đang làm Chi hội trưởng Chi Hội phụ nữ xóm Xuân Quang 1. Với chị, mọi việc đều nằm ngoài mong muốn, nhưng nhiệm vụ đặt lên vai, chị quyết tâm...

 

Chị mau mải đưa chúng tôi đi thăm một số mô hình kinh tế của hội viên trong xã. Chị bảo: Với hội viên nghèo, khi được giúp đỡ, trợ giúp đúng thì chị em sẽ khắc phục được khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Bằng cách “cầm tay chỉ việc”, trong 2 năm vừa qua, Hội có thêm 50 gia đình thoát nghèo, trong đó có 15 gia đình do hội viên làm chủ hộ.

 

Những tài liệu cần thiết liên quan tới công tác Hội không có, chị phải về Hội LHPN huyện để xin lại, đồng thời nhờ tư vấn, hướng dẫn kinh nghiệm xây dựng, tổ chức hoạt động của Hội. Điều chị rút ra từ thực tế phong trào cơ sở là phải có một đội ngũ cán bộ đoàn kết, nhiệt tình, năng động và dám chịu trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao. Năm đó, chị mới hơn 30 tuổi, một số cán bộ chi hội thấy chị còn trẻ, nên dè chừng, đứng ngoài cuộc để xem chị làm việc như thế nào. Thậm chí có những lần về cơ sở, chị phải xắn quần cùng chị em khi thì cấy rau muống, lúc gặt lúa để trò chuyện, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của cán bộ, hội viên. Chị bảo: Làm công tác Hội đâu chỉ chuyện giấy tờ, văn bản... phong trào là ở mình, mình phải có mặt ở nơi khó khăn nhất; giúp được những chị em nghèo thoát được cảnh nghèo, như thế chị em mới tin tưởng, tích cực tham gia sinh hoạt Hội.

 

Chúng tôi cùng chị Năm đến thăm gia đình chị Trần Thị Thúy, hội viên xóm Xuân Quang 1. Ngồi trong ngôi nhà còn nồng mùi gạch, vữa, chị Thúy vui lắm, bảo: Nhờ có chị Năm, mẹ con tôi mới có nhà mới để ở. Có mặt ở đó, bà Nguyễn Thị Quế, Chi Hội trưởng phụ nữ xóm cho biết thêm: Ngôi nhà xây rộng hơn 30 m2 này do chị Năm thiết kế, lo vật liệu... Chi hội góp được hơn 30 ngày công đào móng. Qua trò chuyện chúng tôi biết thêm: Chị Thúy một nách nuôi con, nhà chỉ có 1 sào ruộng, nên mẹ con chị phải sinh sống trong ngôi nhà dột nát. Thông cảm với hoàn cảnh của chị, chính quyền địa phương vận động gia đình chị làm lại nhà ở, nhưng chị Thúy không có tiền để làm nhà. Đầu năm 2008, chị Năm lần nữa đến nhà, động viên chị Thúy phải quyết tâm xóa cái nhà dột. Khi biết chị Thúy đã có 500 nghìn đồng, chị Năm lại đến nhà các anh chị em ruột của chị Thúy vận động người đứng ra lo việc giúp chị Thúy, nhưng cả 9 anh, chị em ruột trong nhà đều lảng tránh, vì họ sợ phải... trả nợ oan. Thấy vậy, chị Năm đứng ra lo việc, giao việc đào móng cho chi hội cơ sở, việc xây dựng giao cho anh em trong gia đình chị Thúy. Chị Năm đứng tên vay vật tư xây dựng; đến các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn vận động hỗ trợ được 10 m3 đá, 50 tấm lợp, 2 tấn xi măng và 1 triệu đồng tiền mặt. Ngày 11/5/2009, ngôi nhà được xây dựng hoàn thiện với tổng trị giá trên 18 triệu đồng, trong đó Hội LHPN giúp 2 triệu đồng. Chị Thúy xúc động cho biết: Sau khi làm xong nhà, mẹ con tôi còn dư được 3,7 triệu đồng, tất cả đều từ tiền do chị Năm vận động bà con lối xóm, các doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ mà có.    

 

Chuyện chị Năm đứng trách nhiệm làm nhà cho 1 hội viên có tới 9 anh, chị em ruột đã khiến nhiều người cảm động. Song khi được hỏi, chị bảo: Tôi chỉ mong Hội không còn hội viên nghèo, vì như thế chị em có điều kiện tốt hơn khi tham gia sinh hoạt Hội... Năm 2006, khi đến xóm Lân Tây, vào thăm gia đình chị Vi Thị Bích, thấy gia cảnh nghèo quá, chị Năm tìm hiểu thấy chị Bích có cuộc sống khó khăn vì thiếu đất sản xuất, nên động viên vay vốn tín chấp để mua bò sinh sản. Chị Bích lo lắng, bảo không dám vay vì sợ không trả được nợ. Chị Năm bảo: Nếu làm tốt, bò hỏng, tôi trả nợ cho chị... Rồi, chị Năm lại trực tiếp đứng ra vay giúp chị Bích 5 triệu đồng, sau đó đưa chị Bích đến gia đình chị Nguyễn Thị Lân, xóm Lân Tây mua đôi bò mẹ con. Khi có bò, gia đình chị Bích ngoài chủ động việc cày, bừa còn đi làm thuê, tăng thu nhập. Đến nay, gia đình chị Bích đã có đàn bò 4 con. Cuối năm 2008, gia đình chị đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo.

 

Với chị Năm, thêm 1 gia đình hội viên thoát nghèo, đồng nghĩa với gánh nặng trên vai chị được giảm hơn. Với đặc thù như xã Quang Sơn, vừa có hội viên sinh sống ở vùng đất bằng và vùng đất trên núi đá, do vậy hằng năm, chị đại diện cho Hội LHPN xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp - PTNT, Trạm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên, nhưng chị đi vào cụ thể như với đồng bào người dân tộc Mông ở bản Lân Đăm, chị mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc ngô giống mới, cách chăn nuôi bò sinh sản. Với đồng bào Mông xóm Trung Sơn, địa hình đất đồi dốc, chị vận động chị em tham gia lớp tập huấn trồng, chăm sóc và chế biến chè; cách chăn nuôi vỗ béo bò hàng hóa... Đặc biệt, khi biết chị em chi hội người Mông xóm Trung Sơn bị mù chữ, chị mạnh dạn liên hệ với đại diện Dự án Tây Ban Nha xin mở lớp xóa mù chữ cho 30 phụ nữ, trẻ em của xóm Trung Sơn. Chị Năm cho biết: Khó khăn nhất trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư chị em không biết chữ. Vì thế, việc vận động chị em tham gia lớp học xóa mù chữ, chính là giải pháp hữu hiệu nhất, nhanh nhất khi triển khai các cuộc vận động tại địa phương.

 

Chị cũng không nề hà khi đứng ra giúp đỡ các gia đình trong xã gặp hoàn cảnh không vui. 4 năm trước đây, khi biết vợ chồng ông Lâm Văn Hải - Phạm Thị Hạnh, xóm Na Giang 1 xảy ra mâu thuẫn. Giận chồng, chị Hạnh bỏ về quê trên Võ Nhai, thương 2 con chị Hạnh bơ vơ, chị Năm đã tìm về quê ngoại chị Hạnh, động viên, phân tích điều hơn lẽ thiệt. Sau mấy lần cất công làm “thiên sứ”, chị Hạnh đã hiểu ra, trở về nhà với chồng, con. Ông Hải đã xúc động nói với mọi người: Gia đình tôi được yên ấm cũng nhờ có sự giúp đỡ, động viên của chị Năm. Vẫn chuyện “vác tù và”, 3 năm trước đây, cháu Trần Văn Ngọc bị phát hiện nghiện ma túy. Chị Năm đã đến nhà gặp phụ huynh cháu Ngọc, phân tích giúp cháu Ngọc hiểu đầy đủ về tác hại của ma túy. Ngay sau đó, Ngọc đã từ bỏ tật xấu để trở thành người sống có ích cho chính mình và xã hội. Hiện Ngọc đã xây dựng được một tổ ấm riêng và luôn biết ơn chị Năm đã khuyên bảo kịp thời...

 

Thiết nghĩ: Giá như trong xã hội, nhất là các tổ chức hội, đoàn thể có được nhiều chị Năm “vác tù và hàng tổng”, nhất là hiện nay các cơ quan, đơn vị, địa phương đang tích cực hưởng ứng phong trào: “Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thì xã hội sẽ nhanh chóng bớt đi những cảnh nghèo, những tệ nạn xã hội và làng, bản sẽ trở lên yên bình hơn, mọi gia đình được hạnh phúc hơn... Cũng từ hoạt động tích cực, Hội LHPN xã Quang Sơn ngày càng thu hút được nhiều người tham gia. Đến nay, Hội đã có 470 hội viên tham gia sinh hoạt tại 15 chi hội cơ sở, tăng 150 hội viên so với năm 2006. Cũng từ năm 2006 đến nay, Hội LHPN xã Quang Sơn liên tục đạt danh hiệu Hội LHPN xã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bản thân chị Năm được Hội LHPN huyện cũng như UBND huyện Đồng Hỷ tặng nhiều giấy khen.