Từ hơn 3 năm nay, mưa cũng như nắng, ngày nào cũng thế, buổi sáng bắt đầu từ lúc 7 giờ đến 11 giờ trưa; buổi chiều từ 16 giờ đến 19 giờ tối, người dân ở tổ 24, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) lại thấy 3 người phụ nữ với băng đỏ bên cánh tay, đạp xe dọc phố để nhắc nhở người bán hàng rong, người đỗ xe ô tô, xe máy không đúng nơi quy định.
Việc làm của các bà góp phần trả lại sự văn minh cho đường phố, nên các bà được các cấp, ngành của tỉnh đánh giá cao, năm 2008, các bà được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tặng Bằng khen vì đã tích cực tham gia bảo vệ an ninh trật tự và trật tự mĩ quan đô thị.
3 người phụ nữ ấy là thành viên của Tổ Tự quản về an ninh trật tự và trật tự mĩ quan đô thị. Tổ Tự quản được thành lập từ tháng 6/2006, gồm bà Nguyễn Thị Vinh, 62 tuổi, tổ trưởng cùng 2 thành viên: Bà Nguyễn Thị Sử, 61 tuổi và bà Phạm Thị Mùi, gần 60 tuổi. Tuy tuổi tác đã cao, nhưng các bà đều hăng hái làm cái việc... ít ai muốn làm. Người ta bảo: Cái việc động chạm, mất lòng như thế, ngay cả cơ quan chức năng của Nhà nước như Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố; chính quyền địa phương có lúc còn bất lực, thì như sức 3 bà khác nào “ném đá ao bèo”. Đã thế, đây là công việc tự nguyện, việc phong trào, nên không có phụ cấp, nhưng không vì thế mà mất đi sự hăng hái, tâm huyết của 3 người đàn bà. Vì lẽ ấy, nhiều người dân ở tổ 24 (Gia Sàng), nơi các bà sinh sống nói vui: Họ là những người “ôm rơm" không lo "rặm bụng”.
Ngay sau khi được thành lập, các thành viên trong tổ bắt ngay vào việc tham mưu cùng tổ dân phố ra văn bản thông báo giải tỏa khu chợ “chồm hổm” tại khu vực cửa hàng xăng dầu số 6, bên đường Thống Nhất, địa bàn của tổ dân cư 24. Bà Đoàn Thị Minh Hồng, tổ trưởng dân phố 24 cho biết: Từ năm 2000, một số người do không có công việc làm ổn định từ các huyện Phú Bình, Phổ Yên và T.P Thái nguyên tụ về hội họp, buôn bán chủ yếu là mẹt rau, mớ cá và các loại hoa quả. Cùng thời gian, số người về tụ họp chợ ngày một đông, trung bình mỗi ngày có tới hàng trăm người qua lại mua - bán, gây mất trật tự mĩ quan đô thị cũng như an toàn giao thông. Cùng với đó, những đối tượng xấu cũng tìm về hành nghề rạch túi, móc ví và buôn bán chất gây nghiện. Tại khu vực này đã xẩy ra vụ việc mất cắp xe máy, xe đạp và tai nạn giao thông. Vì thế, việc dẹp chợ “chồm hổm” là việc làm cần thiết, nhưng dẹp chợ như thế nào thì ngay cả cán bộ, đảng viên sinh sống tại khu vực này đều cho là việc khó khả thi. Vậy mà sau hơn 3 năm, chợ “chồm hổm” được 3 bà giải quyết xong. Những “tiểu thương” bán mẹt chấp nhận vào làm ăn, buôn bán trong khu chợ Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) hoặc đăng ký lên Chợ Trung tâm của thành phố để buôn bán.
- Sức mạnh nào để 3 bà dẹp được cái chợ “chồm hổm” họp không đúng nơi quy định, từng tồn tại gần chục năm nay? Tôi hỏi.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền...”, bà Vinh trả lời. Đoạn bà dừng lời, đăm chiêu nghĩ, rồi tiếp: Để làm được việc đó, chúng tôi đến từng hộ có nhà mặt đường, phổ biến về chủ trương của chính quyền địa phương cũng như nguyện vọng của người dân là dẹp chợ. Phân tích cho mọi người cùng hiểu về việc họp chợ không đúng nơi quy định sẽ có nhiều ảnh hưởng tới trật tự mĩ quan đô thị, an ninh trật tự. Phần lớn các hộ dân đều ủng hộ, ký cam kết không cho người nơi khác đến bày bán hàng trước nhà mình. Tuy nhiên, cũng có những hộ không chấp hành, chị em chúng tôi phải kiên trì giải thích, thuyết phục. Rồi, “mưa dần thấm lâu”, bà con cũng nghe ra, ủng hộ.
Bà Vinh kể lại câu chuyện dẹp chợ “chồm hổm” cứ nhẹ tênh. Nhưng tôi biết, trong suốt 3 năm, hơn 1.000 ngày, 3 thành viên của Tổ Tự quản tổ dân phố 24 đã có nhiều đấu tranh tư tưởng, dằn vặt vì hằng ngày phải nghe những lời lăng mạ, thậm chí là nhục mạ vì động chạm tới bát cơm, manh áo của “họ”. Đã không ít lần, cả 3 thành viên muốn buông tay, xin thôi cái công việc “ôm rơm” không có phụ cấp này. Bản thân bà Vinh, tổ trưởng Tổ tự quản cũng muốn xin nghỉ vì... lý do sức khỏe. Bà Sử kể: Hằng ngày ra chợ, dẹp chỗ này, “họ” chạy sang chỗ kia. Nhiều người biết hoàn cảnh của tôi còn cố tình réo chửi. Nhiều hôm về tới nhà, cơm nước, dọn dẹp xong đã tối khuya, lên giường nằm nghĩ tủi thân mà bật khóc.
Bà Sử là người không may mắn như những người phụ nữ khác trong cuộc đời. Cưới chồng được 3 ngày thì ông vào mặt trận, hy sinh. Bà ở vậy thờ chồng, không có con nên cứ phải lủi thủi một thân già. Bà Sử tự hào: Chồng tôi đã vì sự thống nhất của Tổ quốc mà nằm lại chiến trường, lẽ nào tôi lại rút lui trước một khó khăn trước nhiệm vụ bà con trong tổ giao phó... Từ suy nghĩ như thế, bà trở lên mạnh mẽ, kiên quyết hơn khi tuyên truyền, vận động bà con bán bưng không về họp chợ. Còn bà Mùi, khi tham gia công việc này luôn được sự động viên của chồng, con. Bà Mùi bảo: Động lực để tôi cùng các bà trong tổ quyết tâm là mong muốn được đóng góp một chút công sức của mình trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, đơn giản là cùng mọi người dẹp được khu chợ “chồm hổm” họp không đúng nơi quy định, trả lại sự bình yên cho bà con trong tổ dân phố. Cũng khi ấy, bà Vinh xòe ra cho chúng tôi xem đôi bàn tay, chai nhám vì cầm cuốc. Chợt tôi phát hiện ở bàn tay phải của bà có một vết sẹo dài. Khi được hỏi, bà Vinh rơm rớm nước mắt, bảo: Lần đó, tôi bị một chị bán hàng cá dùng chiếc cân quăng vào, may mà còn đỡ được nên chỉ chảy máu sơ sơ, về nhà tôi không dám nói cho ai biết. Rồi bà lảng chuyện: Từ đầu năm 2008, 3 bà già Tổ tự quản chúng tôi đã được Nhà nước cho hưởng chế độ phụ cấp 120 nghìn đồng/người/tháng. Sang tháng 9/2009, Tổ chúng tôi được UBND phường giao quản lý thêm việc trật tự an toàn tại chợ Gia Sàng.
...16 giờ chiều, khi các bà nội trợ bắt đầu nổi lửa nấu cơm, 3 bà Tổ tự quản về An ninh trật tự và Trật tự mĩ quan đô thị lại giục nhau đi làm nhiệm vụ. Nhìn các bà đạp xe trên phố, cho tới khi khuất bóng giữa chộn rộn dòng đời, tôi càng thêm cảm phục về đức tính kiên trì của 3 người phụ nữ cao tuổi, nhưng tinh thần, trách nhiệm với cộng đồng xã hội thì chưa bao giờ nguôi ấm. Tôi biết, trong suốt những năm qua, các bà đã phải đổ nhiều lắm những giọt mồ hôi, sức lực để đổi lấy sự bình yên, văn minh cho một khu phố. Mong sao, trên địa bàn T.P Thái Nguyên cũng như các huyện, thị trong tỉnh có thêm nhiều những người “ôm rơm nhưng không lo rặm bụng” như bà Vinh, bà Sử.