Tiết kiệm sản xuất ở một đơn vị luyện kim

09:36, 27/09/2009

Trong gần 5 năm qua (2005-2009) Nhà máy luyện gang (Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên) đã tiết kiệm được một khoản tiền gần 32 tỷ đồng. Đây được xem là những nỗ lực vượt bậc bắt nguồn từ ý thức tự giác tiết kiệm, chống lãng phí của trên 700 cán bộ, công nhân viên chức (CNVC) Nhà máy.

 

Ngày 01/01/1964, khi về thăm Khu Gang thép Thái Nguyên, thăm Nhà máy luyện gang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "…Để làm ra gang thép tốt thì người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cho cứng rắn như thép, như gang…" Thực hiện lời dạy thiêng liêng của Người, thế hệ các cán bộ, đảng viên, CNVC Nhà máy đã phấn đấu không ngừng để những mẻ gang chất lượng vẫn liên tục ra lò.

 

Một trong những ý thức tôi luyện để được "cứng rắn như thép, như gang" và làm ra "gang thép tốt" của lực lượng lao động trong Nhà máy chính là tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất. Tinh thần ấy được thể hiện ngay từ trong công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất. Do đặc thù là đơn vị luyện kim lại có sự liên kết trực tiếp với các nhà máy khác trong dây chuyền sản xuất gang của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên nên Nhà máy luyện gang luôn chú trọng đến công tác điều phối nhịp nhàng sản xuất nhằm duy trì hoạt động ổn định. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Nhà máy thường xuyên bám sát tình hình sản xuất, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguyên, nhiên liệu đầu vào để có chế độ vận hành hợp lý nhằm giữ lò luyện hoạt động ổn định, kéo dài tuổi thọ của lò. Là đơn vị luyện kim đen nên nguyên liệu chính của Nhà máy là quặng sắt. Bởi thế, để nâng cao chất lượng sản phẩm gang ra lò, cán bộ, công nhân Nhà máy thường xuyên đúc rút kinh nghiệm từ thực tế, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng quặng thiêu kết nhằm tăng tỷ lệ nguyên liệu đầu vào cho 2 lò luyện gang chính.

 

Tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí còn được thể hiện trong công tác kế hoạch vật tư của Nhà máy. Việc mua bán vật tư đã được thực hiện nghiêm túc theo quy định. Nguyên, nhiên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra luôn được kiểm soát chặt chẽ cả về số lượng và chất lượng. Những mặt hàng mua về cơ bản được thực hiện nghiêm túc theo chế độ chào giá cạnh tranh. Các sản phẩm bán ra được thực hiện đúng theo giá niêm yết của đơn vị chủ quản là Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên. Việc cấp phát vật tư đã được thực hiện theo hình thức thu cũ, đổi mới để tránh trường hợp lãng phí không cần thiết. Cùng với đó, hàng năm, Nhà máy đã tích cực phát động phong trào nghiên cứu, tìm kiếm sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ sản xuất tới toàn thể cán bộ, CNVC, người lao động. Do đó, mỗi năm cũng có hàng chục đề tài nghiên cứu, sáng kiến được áp dụng vào thực tế. Trong đó, đáng lưu ý nhất là hai đề tài có tác dụng tiết kiệm nguyên liệu lớn cho Nhà máy là: Đề tài cải tạo, tăng đường kính mắt gió lò cao nhằm nâng cao sản lượng gang trong lò luyện và Đề tài nâng cao chất lượng quặng thiêu kết trước khi luyện gang. Sau khi được ứng dụng vào thực tế, hai đề tài này đã làm lợi cho Nhà máy hàng tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, nhờ những sáng kiến cải tiến kỹ thuật khác mà đến nay trong dây chuyền sản xuất của Nhà máy đã cơ bản thu hồi triệt để được các sản phẩm phụ sau gang (xỉ hạt, các loại gang phế…).

 

Ông Phan Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Nhà máy cho biết: Luyện thép là ngành công nghiệp tiêu tốn khá nhiều điện năng. Bởi vậy, chúng tôi đã giảm tối đa việc tiêu hao điện năng bằng cách hạn chế giờ máy ngừng (vì mỗi lần khởi động lại lò cao sẽ tốn điện năng gấp nhiều lần so với đang hoạt động) và thời gian chạy không tải. Chúng tôi đã thay thế toàn bộ hệ thống điện chiếu sáng trong sản xuất từ bóng đèn sợi đốt sang bóng đèn compact nhằm tiết kiệm điện. Để làm tốt điều đó, Nhà máy đã tiến hành giao khoán định mức về tiêu hao nguyên, nhiên liệu cho các đơn vị sản xuất trực thuộc. Định kỳ hàng tháng, hàng quý, chúng tôi tổ chức đánh giá, nhận xét và dựa trên cơ sở đó để bình bầu thi đua…

 

Năm 2008, do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, sự sụt giảm của ngành thép trong nước cộng với tình trạng sự cố, hỏng hóc các thiết bị lò cao nhiều lần, nên Nhà máy cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sản lượng gang ra lò của Nhà máy vẫn đạt trên 201 nghìn tấn, bằng 98,1% kế hoạch đề ra, thu nhập bình quân người lao động vẫn đạt rất cao. Kết quả trên một phần lớn có sự đóng góp từ việc tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất của cán bộ, CNVC Nhà máy. Cụ thể, Nhà máy đã tận thu được trên 20 nghìn tấn xỉ hạt, gần 2 nghìn tấn gang máng, gang vụn và trên 2 nghìn tấn gang lẫn đất, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu được 6,49 tỷ đồng.

 

Nhờ đẩy mạnh việc tiết kiệm, chống lãng phí và tận thu từ các sản phẩm phụ trong sản xuất thời gian qua mà thu nhập của cán bộ, CNVC Nhà máy đã tăng lên đáng kể. Nếu năm 2005, thu nhập bình quân của cán bộ, CNVC Nhà máy là 1,8 triệu đồng/người/tháng thì năm 2006 là trên 2,1 triệu đồng/người/tháng, năm 2008 và 9 tháng năm 2009 là 2,9 triệu đồng/người/tháng. Nhà máy đang phấn đấu đến năm 2010 thu nhập sẽ ở mức trên 3 triệu đồng/người/tháng.