Khiêm tốn và giản dị là những gì chúng tôi cảm nhận được từ chị Trần Thị Thanh Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Đội Cấn (T.P Thái Nguyên) - người đang ngày ngày "vì lợi ích trăm năm trồng người".
Mặc dù đã có nhiều thành tích trong quá trình giảng dạy, đạt giải cao trong cuộc thi "Tìm hiểu Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do Công đoàn T.P Thái Nguyên phát động… song chị Thủy luôn cho rằng mình còn phải cố gắng rất nhiều.
Khi chúng tôi bày tỏ ý định viết bài về chị - một tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chị một mực từ chối vì cho rằng mình chưa xứng đáng. Chị bảo: Trong ngành Giáo dục - Đào tạo của tỉnh, có rất nhiều đồng nghiệp làm tốt hơn tôi, so với những con người ấy, tôi thấy mình thật nhỏ bé.
Cô giáo Hiệu trưởng Giang Thị Thếp nhận xét: Cô Thủy là một giáo viên luôn tận tình và trách nhiệm với sự nghiệp "trồng người". Mọi nhiệm vụ được giao, cô luôn hoàn thành xuất sắc. Được biết, chị Thủy đến với nghề giáo viên như một lẽ tự nhiên. Bởi ước mơ trở thành cô giáo giống như mẹ đã luôn ấp ủ trong tim cô bé Thủy từ thuở còn cắp sách đến trường. Vì vậy, năm 1991, tốt nghiệp THPT, chị đã thi vào Trường Trung cấp Sư phạm 10+2 (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên). Ra trường, chị về công tác tại Trường tiểu học Phúc Trìu, một xã vùng xa của T.P Thái Nguyên. Sau một thời gian dạy học tại đây, năm 1997, chị được luân chuyển về dạy tại Trường tiểu học Đội Cấn và gắn bó với mái trường này từ đó đến nay.
Hơn 15 năm gắn bó với nghề, chị Thủy luôn nỗ lực hết mình cho công việc. Những ngày đầu mới vào nghề, chị tự nghiên cứu, tìm tài liệu và học hỏi kinh nghiệm từ những đồng nghiệp đi trước để mỗi tiết học trên lớp sao cho thật hiệu quả, mang lại những kiến thức bổ ích cho học sinh. Với mong muốn nâng cao trình độ chuyên môn, năm 2000, chị đã sắp xếp thời gian rất khoa học để vừa đi dạy học ở trường, vừa tham gia học Đại học Tiểu học hệ tại chức và đã hoàn thành với kết quả tốt. Chị cho rằng việc học tập để nâng cao trình độ không bao giờ là đủ, vì thế, khi có điều kiện là chị lại xin Nhà trường cho tham gia các lớp bồi dưỡng do ngành Giáo dục - Đào tạo tổ chức. Nhiều năm nay, chị Thủy được phân công dạy học sinh lớp 1. Vì mới làm quen với môi trường học tập quy củ, khác hẳn với môi trường ở bậc học mầm non vừa học, vừa chơi nên việc uốn nắn các em vào nền nếp rất vất vả. Khi các em chưa nghe lời, cô giáo không thể quát mắng mà chỉ bảo nhẹ nhàng. Vì mới làm quen với các chữ cái nên để các em viết đúng quy cách, cô giáo phải uốn nắn từng li, từng tí cho học sinh. Năm vừa qua, học sinh lớp 1 học bán trú, buổi trưa ăn ngủ tại trường nên hầu như buổi trưa nào chị cũng trông nom học sinh, chăm lo cho các em từng miếng ăn, giấc ngủ… Nỗ lực, trách nhiệm và hết lòng với công việc, nhiều năm nay, chị Thủy luôn đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp thành phố… Với chị, những ghi nhận mà Nhà trường và ngành Giáo dục - Đào tạo dành cho chị rất cao quý, nhưng đáng quý hơn nữa là lớp lớp học sinh do chị dạy dỗ đã trở thành những người con ngoan, trò giỏi.
Trong những năm gắn bó với nghề, chị Thủy không chỉ cố gắng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà còn hết lòng giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Điển hình như năm học 2008-2009, lớp học của chị có một học sinh khuyết tật, hoàn cảnh gia đình khó khăn là em Nguyễn Thị Minh Nguyệt. Chị đã vận động Chi hội Phụ huynh học sinh đóng góp tiền mua sách, vở tặng em Nguyệt, bản thân chị cũng luôn kèm cặp giúp đỡ em trong quá trình học tập. Nhất là khi em Nguyệt phải tiến hành phẫu thuật mắt, chị đã lo cho em như lo cho chính những đứa con của mình. Chị tâm sự: Sinh ra không được bình thường như các bạn đã là một thiệt thòi đối với em Nguyệt. Gia đình lại khó khăn, không có điều kiện chăm lo cho em bằng chúng, bằng bạn càng khiến em phải chịu nhiều thiệt thòi hơn. Bởi thế, trong khả năng có thể, tôi muốn giúp đỡ để phần nào bù đắp cho em. Không chỉ có vậy, chị Thủy còn luôn quan tâm đến các em học sinh trong lớp, hễ có em nào ốm đau, gia đình có việc đột xuất là chị lại tìm đến thăm nom và động viên các em kịp thời… Qua những lời sẻ chia của chị, chúng tôi biết, chị luôn hoàn thành tốt công việc được giao là nhờ có sự cảm thông, tạo điều kiện của "ông xã" - phó hiệu trưởng một trường THCS. Mỗi khi ở trường có nhiều việc là anh lại giúp chị chăm lo cho 2 con để chị có thời gian dành cho công việc nhiều hơn.
Chị Thủy tâm sự: Những ai đang ngày ngày đứng trên bục giảng đều nhớ rất rõ câu nói của Bác Hồ: Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Nghiệp của mình là "trồng người", mà "trồng người" thì không chỉ đơn thuần là dạy các em biết đọc, biết viết, dạy các em kiến thức mà còn phải dạy các em cách làm người, giúp các em hình thành nhân cách. Chúng tôi hiểu, có được suy nghĩ ấy là do chị đã thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy là: Chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà".