Đó là quan điểm của ông Diệp Văn Hữu, người dân tộc Sán Dìu, xóm Đồng Quan, xã Bàn Đạt (Phú Bình).
Cuộc sống lam lũ, nhận thức còn hạn chế đã khiến người dân xóm Đồng Quan những năm 2002 trở về trước không mấy quan tâm đến các buổi sinh hoạt tập thể. Thêm vào đó, do chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên các phong trào chung của xóm thường không tập hợp được nhân dân. Nhận thức được vấn đề này nên sau khi đảm đương vai trò trưởng xóm, ông Hữu với suy nghĩ, không làm thì thôi, chứ đã làm thì phải làm hết trách nhiệm nên đã chủ động sắp xếp thời gian để vừa lo việc của gia đình, vừa đảm bảo được công việc chung của xóm. Đồng thời, ông cũng rất coi trọng đến việc giữ mối liên hệ và thực hiện tốt các nội dung mà cấp trên triển khai; tích cực gần gũi động viên và giải quyết những nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của người dân; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc triển khai, thực hiện các vấn đề có liên quan đến người dân. Vì thế, chỉ sau một thời gian ngắn làm trưởng xóm, các phong trào chung của tập thể đã nhận được sự tham gia, đồng tình của đại bộ phận các hộ dân trong xóm.
Năm 2002, khi Nhà nước triển khai trồng rừng theo Chương trình 661, ông đã vận động được 110 hộ dân trong xóm đóng góp ngày công để phủ kín 2,5ha đất của tập thể. Đến năm 2007, diện tích rừng này bán được 40 triệu đồng. Sau khi thống nhất trong nhân dân, số tiền đó đã được chia cho những gia đình đã tham gia trồng, mỗi hộ là 300 nghìn đồng; số tiền còn lại 7 triệu đồng, xóm trích một phần để mua cây giống để trồng lại diện tích rừng đó, phần còn lại dùng để tu sửa đình chùa của xóm.
Là xóm có đến 95,5% đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống nên những năm qua, Đồng Quan đã được tiếp nhận một số công trình do Dự án Plan tài trợ, gồm 1 lớp học mầm non và 1 nhà văn hoá. Sau khi được trưởng xóm thông báo, phân tích, các hộ dân đều tự giác đóng góp đối ứng 50 nghìn đồng/hộ để làm lớp học và trên 70 nghìn đồng để làm nền nhà văn hoá. Hàng chục hộ dân đang canh tác trên phần diện tích hơn 1 ha đất công đó cũng vui vẻ trả lại đất để làm 2 công trình công cộng này. Ngoài ra, với sự tuyên truyền, vận động của trưởng xóm, hơn 1km kênh mương của Đồng Quan cũng đã được người dân tích cực đối ứng cùng nhà nước để cứng hoá, phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất của bà con.
Cùng với đó, trong những năm gần đây, các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan ở xóm đã được xóa bỏ; đám cưới, đám tang được tổ chức tiết kiệm, lành mạnh song vẫn lưu được nét đặc trưng của dân tộc mình. Theo hương ước của xóm được xây dựng vào cuối năm 2002, gia đình nào có người mất trên 13 tuổi thì tất cả các hộ dân trong xóm đều có trách nhiệm đóng góp 15 nghìn đồng, 2 kg gạo và 1 bó củi để giúp gia chủ bớt đi phần nào khó khăn. Trong các cuộc vận động đóng góp các loại quỹ cũng vậy, theo hương ước của xóm, sau khi được thông báo 1 thời gian, các hộ dân đều nghiêm túc thực hiện trong 1 ngày. Vì thế, các loại quỹ của xóm luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Đặc biệt, trong năm 2009, với sự tuyên truyền, vận động của trưởng xóm và các đoàn thể, 27 hộ dân trong xóm đã tham gia hiến đất để làm đường giao thông nông thôn.