Người của công việc

08:36, 14/10/2009

Đó là lời nhận xét của nhiều người dành cho ông Lê Quang Chỉ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dân Tiến (Võ Nhai). Công việc gia đình bận rộn, vợ lại đau ốm nhưng vì công việc chung, ông đành tạm gác lại chuyện riêng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Là người có năng lực, nhiệt tình trong công việc nên ông được bà con tín nhiệm bầu ông giữ chức Trưởng xóm Tân Tiến liên tục 11 năm. Với mong muốn cho người dân có điều kiện thuận lợi trong giao lưu, trao đổi hàng hoá, ông đã sẵn sàng hiến 1.440 m2 đất và vận động 2 hộ dân trong xóm hiến 720 m2 xây dựng chợ. Khu chợ Tân Tiến ở trung tâm 3 xóm Tân Tiến, Đồng Rã, Bắc Phong bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1994. Ông đã đề nghị 3 năm không thu vé vào chợ để thu hút nhân dân đến trao đổi hàng hóa. Sau 4 năm, khu chợ đã hoạt động hiệu quả, nộp ngân sách cho địa phương từ 2,5 đến 3 triệu đồng/năm.

 

Năm 1997, ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân xã Dân Tiến. Khi đó Hội chỉ có gần 300 hội viên, hoạt động rời rạc và riêng lẻ với 4 chi hội/12 xóm, bản. Ngay sau khi nhận trách nhiệm, ông đã trăn trở làm thế nào để phát triển tổ chức Hội, thu hút hội viên tham gia sinh hoạt, để cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Ông đã đi từng xóm vận động, tuyên truyền cho các hộ dân để họ thấy được lợi ích của tổ chức Hội, nhiệt tình tham gia vào hoạt động Hội. Ông kể, có những hôm, mải đi vận động bà con nên 11 giờ đêm ông mới trên đường từ các bản Đồng Vòi, Ba Phiêng trở về nhà. Đường đi lại thì khó khăn, cách nhà gần 10 cây số, có những đoạn ông phải dắt xe, lội suối rất vất vả. Trong quá trình hoạt động Hội, ông thấy hiệu quả công việc chưa cao, do các cán bộ chưa có kỹ năng nghiệp vụ. Ông đã đề xuất ý kiến với Hội Nông dân huyện mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Hội ở cơ sở. Trong 2 năm 1998,1999 Hội Nông dân tỉnh đã cử cán bộ lên tập huấn cho 30 cán bộ ở xã. Từ đó, trình độ các cán bộ được nâng lên, việc triển khai hoạt động tới hội viên dần dần đi vào nề nếp.

 

Trước đặc điểm tình hình địa phương, ông Chỉ đã suy nghĩ nếu hoạt động Hội theo hình thức phân hội như trước đây không còn phù hợp nữa, mỗi xóm cần tổ chức được một chi hội để có thể triển khai thuận lợi các dự án, chương trình phát triển kinh tế, giúp hội viên tăng gia sản xuất. Đã nói là làm, ngay sau đó, ông cùng các cán bộ Hội triển khai thành lập các chi hội. Đến năm 1999, toàn xã chỉ có 12 chi hội hoạt động ở các xóm thì nay toàn xã có 16 chi hội/12 xóm, bản. Do một số xóm có đặc điểm tập trung 100% hộ dân tộc Mông hoặc Dao, dân cư ở thưa thớt, để cho việc tổ chức sinh hoạt được thuận tiện, ông Chỉ cùng Ban chấp hành Hội Nông dân xã quyết định cho thành lập 2 chi hội đối với xóm Đồng Rã, xóm Đồng Chuối, riêng Làng Mười có 3 chi hội.

 

Không  những đẩy mạnh phát triển, củng cố tổ chức Hội, ông còn đặc biệt quan tâm đến đời sống của các hội viên. Tìm hiểu nguyên nhân, ông biết được người dân chưa phát triển kinh tế được là do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, chưa có kiến thức khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất... Ông đã bàn bạc cùng các cán bộ Hội và đi tới thống nhất, Hội sẽ đứng ra tín chấp vay vốn giúp hội viên phát triển kinh tế ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Võ Nhai; vay phân bón trả chậm cho nông dân sản xuất… Mỗi năm đã có trên 200 hội viên được sử dụng nguồn vốn, mua phân bón theo phương thức trả chậm để sản xuất, kinh tế dần phát triển.

 

Ông đã chỉ đạo Hội phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên của xã liên tục mở các lớp tập huấn cho bà con. Trước hình thức tập huấn tập trung các hộ dân tại xã mang hiệu quả không cao, từ năm 2001, ông cùng Ban Chấp hành Hội chuyển sang hình thức tập huấn cho người dân trực tiếp tại các xóm bản. Riêng năm 2008, Hội đã tổ chức được trên 30 lớp tập huấn cho người dân về các vấn đề như kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc rau màu, cách phòng dịch bệnh. Tính đến tháng 9-2009, có 3.000 hội viên đã được tham gia trên 50 lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế. Do vậy số hội viên là hộ nghèo qua các năm đều giảm đi đáng kể. Nếu năm 2005 có trên 200 hội viên là hộ nghèo thì đến 2008 số hộ nghèo giảm xuống còn 120 hộ. Tính đến thời điểm tháng 9-2009, số hộ hội viên nghèo chỉ còn 70 hộ. Đến nay thu nhập bình quân của các hội viên là 5 triệu đồng/người/năm.

 

Không chỉ hoạt động Hội nhiệt tình, tâm huyết, ông còn là một cá nhân điển hình trong phát triển mạnh về kinh tế. Thu nhập của gia đình ông từ sản xuất nông nghiệp, dịch vụ đạt 180 triệu đồng/năm. Gia đình ông là một trong số những gia đình văn hóa tiêu biểu của xã, huyện. Bà Hoàng Thị Loạt (vợ ông) đã được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân trao tặng. Các con của ông đều ngoan ngoãn và học giỏi.