Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai trên địa bàn xã Phấn Mễ, Phú Lương đã lôi cuốn đông đảo nhân dân, các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương tham gia. Từ đó, nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên đã có những chuyển biến tích cực, giúp họ có ý thức hơn trong việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cá nhân trong mối quan hệ với nhân dân, với tập thể và với cộng đồng.
Cầm trên tay cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Phấn Mễ (1946-2005) vừa hoàn thành vào tháng 9/2009, lật giở những trang sách ghi lại truyền thống quý báu, quá khứ hào hùng cùng những thành tựu nổi bật của nhân dân Phấn Mễ từ khi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên cho đến nay, đồng chí Bùi Xuân Hùng, Bí thư Đảng bộ xã xúc động: Khi thực hiện cuốn Lịch sử này chúng tôi gặp nhiều khó khăn về kinh phí. Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, toàn Đảng bộ đã học theo Bác cách thực hành tiết kiệm để cắt giảm chi tiêu ăn uống ở các cuộc họp, hội nghị… Nhờ đó, chúng tôi đã có được số tiền là ăn uống 50 triệu đồng để viết cuốn Lịch sử đảng bộ xã, góp phần giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là cho thế hệ trẻ...
Kể về hành trình thực hiện cuốn sách Lịch sử Đảng bộ xã Phấn Mễ (1946-2005), đồng chí Bùi Xuân Hùng cho biết: Từ những năm 1997-1998, lãnh đạo xã đã nắm bắt được nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương mong muốn có một cuốn sách ghi lại quá trình xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ xã trên suốt chặng đường lịch sử đã trải qua từ khi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên vào tháng 12/1946. Xuất phát từ ý tưởng đó, Đảng bộ đã có kế hoạch viết cuốn Lịch sử Đảng bộ xã, giai đoạn 1946-2005 và đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa XX nhiệm kỳ 2000-2005. Nhưng vì nhiều lí do khách quan nên nhiệm kỳ vừa qua chúng tôi chưa thể thực hiện được.
Thời gian cứ trôi, nhiều nhân chứng lịch sử quan trọng do tuổi cao, sức yếu đã mất… Không thể chần chừ, các đồng chí lãnh đạo xã quyết định phải nhanh chóng hoàn thành cuốn sách trọng đại của Đảng bộ ngay trong nhiệm kỳ này. Tuy nhiên chúng tôi lại vấp phải một khó khăn là không có nguồn kinh phí để viết và in sách. Trong lúc đang bế tắc, một số đồng chí đảng viên đã “hiến kế”: Toàn Đảng bộ học và làm theo Bác thực hành tiết kiệm để có tiền thực hiện cuốn sách lịch sử. Vấn đề được đưa ra bàn bạc trong Đảng uỷ, HĐND, UBND, các đoàn thể thống nhất tiết kiệm các khoản chi thường xuyên của địa phương để viết cuốn lịch sử này. Nếu như trước kia trong các cuộc hội họp theo quy định thì Đảng uỷ, UBND, HĐND xã hay các tổ chức đoàn thể, như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… đều tổ chức ăn uống thì nay các khoản đó đều cắt giảm, hạn chế. Lúc đầu, nhiều người chưa hiểu và tỏ ra băn khoăn nhưng sau khi hiểu được ý nghĩa của việc tiết kiệm này thì hoàn toàn ủng hộ. Không những vậy đa số các đảng viên, công chức đều ý thức thực hiện tiết kiệm từ những việc nhỏ nhặt như điện, nước, giấy in… Nhờ vậy, trong năm 2008, toàn Đảng bộ đã tiết kiệm được 50 triệu đồng để viết sách. Song song với đó, quá trình thu thập tài liệu, nghe lời kể của các chứng nhân lịch sử, cán bộ lão thành được triển khai và cuối năm 2008 cuốn sách bắt đầu được viết. Khi phần lịch sử đã viết xong, Huyện uỷ Phú Lương đã hỗ trợ xã 20 triệu đồng để in sách. Cuối cùng, cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Phấn Mễ (1946-2005) đã hoàn thành trong tháng 9/2009, đáp ứng được mong muốn cháy bỏng bao lâu của người dân địa phương.
Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Bác, cán bộ, đảng viên xã Phấn Mễ gương mẫu đi đầu chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tích cực tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Không chỉ góp phần giáo dục tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, đảng viên mà Cuộc vận động còn tạo thêm động lực để Đảng bộ và nhân dân xã Phấn Mễ thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng sống…