Sau gần 6 năm, chúng tôi mới có dịp trở lại xóm Múc, xã Úc Kỳ (Phú Bình). Hình ảnh về những con đường đất mấp mô, bụi bặm giờ đã lùi vào quá khứ. Thay vào đó là những đoạn đường bê tông bằng phẳng, sạch sẽ. Phía trên những con đường, cứ cách một đoạn chừng 50m lại có 1 bóng điện thắp sáng… Chúng tôi hiểu, cuộc sống của người dân nơi đây đã có nhiều thay đổi.
Trong những năm qua, nhờ biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đưa các loại cây, con có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất nên đời sống của người dân nơi đây có nhiều chuyển biến tích cực. So với cuối năm 2007, số hộ nghèo của xóm đã giảm từ 23/86 hộ xuống còn 13 hộ (cuối năm 2008); 100% các hộ có nhà xây. Xóm Múc cũng là nơi được huyện lấy làm điểm triển khai Dự án "Phục tráng cây lúa nếp thầu dầu", loại gạo đặc sản của Phú Bình mà trong các vụ mùa gần đây, 100% các hộ dân trong xóm tham gia, cho giá trị cao gấp 2,5 lần trồng lúa thường. Tuy vậy, cũng như nhiều thôn, xóm khác, thu nhập của người dân chủ yếu vẫn trông vào nông nghiệp nên đời sống của người dân vẫn gặp không ít khó khăn. Trong điều kiện ấy, những việc làm mang tính tập thể, huy động sự đóng góp của người dân để bê tông hoá các tuyến đường, mắc điện chiếu sáng thật đáng trân trọng.
Chị Dương Thị Thành, Bí thư Chi bộ xóm Múc chia sẻ với chúng tôi những kinh nghiệm trong việc huy động người dân tham gia vào các công việc mang tính cộng động. Trong câu chuyện, chị nhắc nhiều đến hai từ "dân chủ". Chị bảo, chỉ khi thực hiện tốt dân chủ thì mới tập hợp được sức mạnh, sự đoàn kết trong tập thể. Mà đoàn kết là yếu tố quyết định sự thành - bại. Vì thế, nhiều năm qua, xóm Múc luôn chú trọng, thực hiện tốt việc công khai các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là trong việc huy động sức dân để làm các công trình công cộng. Khi có chủ trương của cấp trên, xóm đều tổ chức họp dân để thông báo, lấy ý kiến đóng góp, rồi cùng thống nhất biện pháp thực hiện, phương thức đóng góp, cũng như việc tổ chức giám sát, quyết toán công trình.
Nằm ở vùng đất trũng ven sông Cầu nên mỗi khi nước sông dâng cao, các ngả đường của xóm đều trong tình trạng ngập lụt, khiến việc đi lại của người dân vô cùng vất vả. Phải mất nhiều ngày sau, mặt đường mới cứng để có thể đi lại. Trước thực tế này, đầu năm 2003, khi Nhà nước có chủ trương hỗ trợ 50% kinh phí cho các địa phương làm đường bê tông, dù nhiều thôn, xóm khác của xã còn thờ ơ thì cán bộ xóm Múc đã nêu cao quyết tâm làm cho được một nhánh đường của xóm, với chiều dài 200m. Để làm được đoạn đường này, mỗi khẩu phải đóng góp 55 ngìn đồng. Trung bình mỗi hộ từ 4-5 khẩu, hộ nhiều nhất là 8 khẩu. Đây là số tiền không nhỏ đối với đa số các hộ dân. Nhiều người cũng chưa nhận thức hết được giá trị mà con đường sẽ mang lại, vì thế, không ít hộ dân đã phản đối chủ trương này. Tuy nhiên, với việc kiên trì giải thích, phân tích về giá trị mà con đường bê tông sẽ mang đến, cũng như nói rõ được biện pháp tổ chức thực hiện nên các dộ dân đã đồng tình ủng hộ. Chỉ 15 ngày sau, các hộ dân đã nộp tiền đầy đủ và xóm đã có đoạn đường bê tông đầu tiên.
Đoạn đường được đổ bê tông đã khắc phục được tình trạng lầy lội, ô nhiễm sau mỗi trận mưa và sau mỗi lần nước sông dâng cao. Vì thế, dù không còn cơ chế đối ứng của Nhà nước, nhưng đầu năm 2004, trước sự vận động, tuyên truyền của cán bộ xóm, các hộ dân tiếp tục tham gia đóng góp mỗi nhân khẩu 90 nghìn đồng để đổ bê tông gần 1km của 4 nhánh đường và cuối năm 2008, mỗi khẩu đóng góp 100 nghìn đồng để bê tông hoá trục đường chính vào xóm. Từng hộ dân cũng tự bỏ kinh phí để láng xi măng phần diện tích từ mép đường vào đến cổng, tường rào nhà mình. Đường làng sạch đẹp, xóm lại tiếp tục vận động nhân dân đóng góp tiền mua dây và bóng điện để làm hệ thống chiếu sáng. Ban đầu, nhiều người dân cho là không cần thiết nên không mấy mặn mà. Nhưng với sự vào cuộc nhiệt tình của chi bộ, chính quyền và các ngành, đoàn thể của xóm trong việc tuyên truyền, vận động, đưa ra sự so sánh giữa nơi có điện với nơi không có điện để người dân thấy được giá trị văn minh cũng như để đảm bảo về vấn đề an ninh trên địa bàn nên các hộ dân đã đồng ý đóng góp mỗi hộ 70 nghìn đồng. Giờ các hộ dân đã quen với việc đóng góp 5 nghìn đồng mỗi tháng để có được ánh sáng đèn điện trên các con đường vào mỗi tối. Có điện, việc thăm hỏi, giao lưu giữa các hộ dân trong xóm trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn.
Đồng chí Dương Văn Nguyên, Bí thư Đảng uỷ xã Úc Kỳ cho biết: Những năm qua, xóm Múc luôn đi đầu trong việc thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; xóm không có người mắc các tệ nạn xã hội; việc cưới, việc tang được người dân thực hiện tiết kiệm, theo tinh thần của Cuộc vận động "Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư". Kết quả ấy có được là nhờ chi bộ và các ngành đoàn thể của xóm đã thực hiện và phát huy khá tốt tính dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân; lấy người dân là trung tâm để triển khai, thực hiện các việc chung của tập thể.