Dân vận khéo để thành công

08:48, 17/11/2009

Trước đây, nói tới xã Phú Lạc, người dân huyện Đại Từ ngán ngẩm cảnh báo “đường lên đó khó đi lắm!”. Nhưng giờ  tuyến đường liên xã từ Hà Thượng qua Phục Linh, Tân Linh đến Phú Lạc rồi lên Đức Lương đã được trải nhựa; điện, trường, trạm… cũng được quan tâm. Để có được các công trình này,cán bộ, đảng viên xã Phú Lạc đã tích cực học Bác cách làm “Dân vận khéo”. 

 

Dự án xây dựng tuyến đường liên xã Hà Thượng - Phục Linh - Tân Linh - Phú Lạc - Đức Lương được UBND tỉnh phê duyệt vào cuối năm 2006 có chiều dài 13,5 km, đoạn qua địa bàn xã Phú Lạc dài 7 km. Đây là Dự án do Nhà nước đầu tư kinh phí làm đường, nhân dân tự giải phóng mặt bằng (GPMB). Ngay sau khi có quyết định của UBND tỉnh, Đảng uỷ - UBND xã Phú Lạc đã nhanh chóng họp Ban Thường vụ, thành lập Ban Vận động nhân dân hiến đất làm đường, trong đó đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã làm Trưởng ban, ngoài ra còn có sự tham gia của lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của xã, bí thư chi bộ các xóm có tuyến đường đi qua làm uỷ viên. Đồng thời, xã cũng thành lập 2 tổ công tác đi kiểm đếm, kê khai diện tích đất, tài sản, hoa màu trên đất của các hộ dân trong vùng Dự án.

 

Không chỉ mở các hội nghị tuyên truyền tới từng người dân, xã Phú Lạc còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, tài sản, hoa màu… trên đất qua hệ thống loa truyền thanh của xã, xóm có tuyến đường đi qua. Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, 90% hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án đã nhất trí hiến đất làm đường. Với 10% hộ dân còn lại đang dao động, xã Phú Lạc mời những đồng chí là cán bộ xã, xóm có uy tín, những người cao tuổi, già làng, trưởng bản tích cực vận động, phân tích cái thiệt,  hơn để người dân hiểu. “Mưa dầm thấm lâu”, các hộ dân còn lại đã nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của Dự án, tự giác hiến đất làm đường. Trên 200 cây to có đường kính từ 35mm trở lên trên tuyến đường đã được cưa, chặt; giải toả trên 600m hàng rào theo đúng chỉ giới của tuyến đường bàn giao mặt bằng, đảm bảo thi công đúng tiến độ. Qua đợt vận động GPMB này, 238 hộ dân của xã Phú Lạc đã hiến 57 nghìn m2 đất trị giá trên 1 tỷ đồng làm tuyến đường liên xã. Một số hộ điển hình như gia đình anh Đặng Văn Chan, xóm Phú Hòa hiến 4 nghìn m2 đất chè, 1 ngôi nhà 3 gian và các công trình phụ trợ; gia đình anh Đào Đức Nẩy, xóm Lũng 1 hiến 2 nghìn m2 đất lúa… Sau khi được bàn giao mặt bằng, tuyến đường đã được khởi công và hoàn thành vào đầu năm 2009, tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu đi lại, trao đổi, giao thương hàng hóa của nhân dân vùng hưởng lợi.

 

Không chỉ GPMB cho Dự án làm đường, xã Phú Lạc còn làm tốt công tác GPMB một số công trình, dự án khác như: Dự án xây dựng Trường Tiểu học Phú Lạc từ nguồn vốn ODA tài trợ 2,7 tỷ đồng xây 10 phòng học cao tầng; công trình Trạm Y tế xã từ vốn Atlantic 1,8 tỷ đồng xây nhà 2 tầng với 13 phòng bệnh; xây mới 6 phòng học trường mầm non xã trị giá trên 2 tỷ đồng; GPMB xây trụ sở làm việc của xã với diện tích 4.500 m2…

 

Điều làm nên thành công này, theo đồng chí Lưu Tuấn Vinh, Chủ tịch UBND xã Phú Lạc: “Nhờ đội ngũ cán bộ, đảng viên nơi đây học Bác cách làm “dân vận khéo”. Giải thích về thêm với chúng tôi, đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong bất cứ việc gì thì trước tiên chúng tôi cũng phải làm tốt ngay từ bước tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ việc đó không chỉ mang lại lợi ích cho họ, mà còn là trách nhiệm. Chúng tôi làm việc gì cũng đều bàn bạc với dân, thống nhất ý kiến trong dân và học tập kinh nghiệm của dân; động viên và tổ chức nhân dân thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện, chúng tôi không đứng ngoài cuộc mà thường xuyên theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích người dân; khi công việc kết thúc lại cùng dân họp rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng kịp thời…

 

Bác Hồ từng căn dặn: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, những người cán bộ, đảng viên xã Phú Lạc đã vâng lời Bác làm tốt công tác dân vận. Nhờ vậy người dân địa phương càng tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, hăng hái thi đua thực hiện thắng lợi các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.