Một bác sĩ người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở xã vùng cao nên thấu hiểu được nỗi khó khăn, vất vả và những thiệt thòi của người dân khi có bệnh vì thế ông đã quyết tâm theo học nghề y và dành tâm huyết, tình cảm của mình để đưa những kỹ thuật mới về huyện vùng cao Võ Nhai phục vụ khám chữa bệnh cho đồng bào nơi đây.
Mặc dù là ngày nghỉ, nhưng khi chúng tôi liên lạc với bác sĩ Lương Văn Khoai để đặt lịch làm việc tìm hiểu để viết bài đã nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của bác sĩ. Sinh và lớn lên ở xóm Trung Thành, xã Thượng Nung (Võ Nhai) một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện. Từ nhỏ, ông đã được chứng kiến sự thiếu thốn các dịch vụ y tế, sự mất mát của người dân vì họ được chữa trị kịp thời và sử dụng các thiết bị hiện đại nên đã ảnh hưởng đến tính mạng cũng như tốn kém về tiền của. Từ đó, trong ông luôn nung nấu một suy nghĩ hết sức giản dị và tự phấn đấu để quyết tâm trở thành bác sĩ chữa bệnh cho những người dân nghèo.
Năm 1978, ông làm hồ sơ thi vào Trường Đại học Y khoa Thái Nguyên nhưng không đỗ hệ chính quy nên phải học dự bị một năm sau đó mới được học chính thức. Năm 1984, ông Khoai tốt nghiệp và được phân công công tác tại Bệnh viện A Thái Nguyên. Năm 2006, ông làm Trưởng khoa Ngoại. Hơn 20 năm công tác trong nghề tại đây, ông đã tiến hành rất nhiều ca mổ từ đơn giản đến phức tạp như mổ cố định xương, mổ kéo dài xương, nẹp vít các loại, phẫu thuật tạo hình…
Trên lĩnh vực ngoại khoa, ông Khoai đã trực tiếp mổ gần 10 nghìn ca và đều thành công. Ông được các đồng nghiệp đánh giá rất cao về trình độ chuyên môn và thái độ phục vụ đối với bệnh nhân. Năm 2007, ông đã được điều chuyển về làm Giám đốc Bệnh viện đa khoa Võ Nhai. Khi điều chuyển về công tác tại vị trí mới nhưng lại là quê hương của mình, lãnh đạo ngành Y tế rất tin tưởng vào trình độ và khả năng của ông và hy vọng ông sẽ đưa công tác y tế của một huyện vùng cao còn nhiều khó khăn tiến kịp với các huyện, thành, thị khác trong tỉnh, góp phần giảm thiệt thòi cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Trao đổi với chúng tôi bác sĩ Lương Văn Khoai cho biết: Gia đình ở T.P Thái Nguyên nhưng khi được phân công lên Võ Nhai công tác tôi đã suy nghĩ có lẽ đây là điều kiện và cơ hội để tôi thực hiện mong muốn của mình cách đây gần 30, đó là mang kiến thức đã học và kinh nghiệm thực tế công tác về phục vụ đồng bào dân tộc huyện Võ Nhai nói chung, xã Thượng Nung quê tôi nói riêng. Đúng là như vậy. Đường sá giờ cũng thuận tiện hơn trước rất nhiều nhưng cũng có khi vì công việc, nhiều bệnh nhân nên nửa tháng thậm chí hơn thế bác sĩ Khoai mới có dịp về nhà. Vì thế hôm nay là ngày nghỉ, không phải ca trực nhưng ông vẫn có mặt Bệnh viện vì còn một số việc cần phải giải quyết…
Qua tiếp xúc với ông, chúng tôi cảm nhận được sự nhiệt tình, say mê đối với nghề. Là giám đốc Bệnh viện Võ Nhai được hơn 2 năm nhưng ông đã trực tiếp mổ trên 600 ca, trong đó có nhiều ca khó trước đây đều phải chuyến lên tuyến trên như cắt tử cung toàn phần, cắt 2/3 dạ dày, bướu cổ, phẫu thuật xương… đều thành công. Với bệnh nhân ông luôn chu đáo, chăm sóc bằng cả tấm lòng, ông luôn coi người bệnh như chính người thân của mình vậy. Trên cương vị là lãnh đạo Bệnh viện bận rộn với công tác quản lý, công tác chuyên môn nhưng ông luôn sắp xếp thời gian nhất định trong ngày để trực tiếp xuống các khoa kiểm tra và thăm hỏi người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân nghèo, người dân tộc thiểu số. Ông đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho bệnh nhân, khiến họ chỉ gặp một lần sẽ nhớ mãi hình ảnh người bác sĩ áo trắng đã mang lại cho họ niềm vui, sự tin tưởng trong thời gian điều trị. Chị Triệu Thị Mùi, xóm Khe Rạc, xã Vũ Chấn (Võ Nhai) đang điều trị bệnh đau đầu tại Bệnh viện đã nhận ra bác sĩ Khoai khi ông xuống thăm phòng bệnh chị đang nằm. Ông là người mổ ghép xương cho con trai chị khi cháu đá bóng bị ngã gãy tay cách đây gần 10 năm trước ở Bệnh viện A. Chị Mùi nói: Ngày ấy, con tôi bị gãy 2 xương ở tay nhưng sau khi tháo bột, xương không khớp nên phải đưa đi Thái Nguyên để mổ lại. Chính bác sĩ Khoai đã mổ và chăm sóc cháu rất nhiệt tình. Hiện nay, tay cháu đã khỏi hẳn và đang công tác tại UBND xã. Lâu lắm rồi tôi không gặp lại bác sĩ nhưng khi gặp là tôi nhận ra ngay.
Chỉ gần 2 năm về công tác tại Bệnh viện nhưng bác sĩ Lương Văn Khoai đã có nhiều đóng góp trong các tác khám, chữa bệnh. Bệnh viện đã đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc hiện như máy gây mê kèm thở, nội soi tai – mũi – họng, máy huyết học 18 thông số, máy sinh hóa 240 tét/giờ. Cùng với đó, Bệnh viện cử các y, bác sĩ về Bệnh viện C, Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên học tập để sử dụng và khai thác các thiết bị mới đầu tư như dao mổ điện, máy thở, siêu âm, nội soi… Bác sĩ Lương Văn Khoai cho biết thêm: Bệnh viên đang tiếp tục đầu tư máy siêu âm màu 4D và máy nội soi, siêu âm, đồng thời cử cán bộ đi học nâng cao trình độ để trong thời gian tới, Bệnh viện có thể đảm nhận những ca như khó để giảm chi phí cho người dân vì trước đây nhưng ca như thế thường phải chuyển lên tuyến trên.
Từ một đơn vị yếu về chuyên môn, thiếu về thiết bị y tế, cho đến nay Bệnh viện đã có đội ngũ y, bác sĩ với tay nghề vững. Hiện Bệnh viện có 78 cán bộ, trong đó có 1 thạc sĩ, 6 chuyên khoa I, 6 bác sĩ... Bệnh viện đã thực hiện được nhiều ca mổ phức tạp, sử dụng được các thiết bị hiện đại vì thế công suất sử dụng giường bệnh luôn vượt kế hoạch đề ra. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm nay, công suất sử dụng giường bệnh đạt gần 200%, tổng số các xét nghiệm đạt 197%, số lần chụp XQ đạt 181%, số lần điện tâm đồ đạt 155%, nội soi tai - mũi - họng đạt 147%... Bác sĩ Nguyễn Thị Cành nói: Là một bác sĩ trẻ về công tác tại Bệnh viện Võ Nhai, được bác sĩ Khoai tận tình chỉ bảo tôi đã từng bước nâng cao được tay nghề. Bác sĩ Khoai nghiêm túc trong công việc nhưng cũng rất quan tâm đến việc đào tạo cán bộ, y, bác sĩ. Qua những lần tiếp xúc với bệnh nhân, tinh thần, thái độ phục vụ của Bác sĩ đã khiến thế hệ đi sau như chúng tôi phải học tập rất nhiều.
Suốt thời gian công tác trong ngành, Bác sĩ Lương Văn Khoai đã được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen nhưng đối với ông có lẽ phần thưởng cao quý nhất mà ông đạt được đó là lòng tin mà những bệnh nhân dành cho ông và dành cho Bệnh viện. Bước đầu những người dân vùng cao, dân tộc thiểu số trong huyện và các địa phương lân cận đã tin tưởng và gửi gắm sinh mạng của mình cho các bác sĩ ở đây. Ông và tập thể các y, bác sĩ nơi đây thực sự là tấm gương sáng và đang tích cực thực hiện phương châm “hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.