Người con ưu tú của Thẩm Quản

08:13, 02/12/2009

Trong điều kiện khắc nghiệt của vùng quê Thẩm Quản, xã Trung Lương (Định Hoá) - vừa mưa đã úng ngập, vừa nắng đã khô hạn nhưng chàng thanh niên sinh năm 1972 người dân tộc Tày Hà Văn Thái vẫn mày mò để tìm hướng phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương...

 

Khi làm nông nghiệp, anh là người không lúc nào ngơi tay, việc đồng vừa hết lại lên đồi phát cây đốt rẫy, lấy cật cọ, lá cọ đi bán. Ngày tháng vất vả mà không làm thay đổi được cuộc sống khó khăn của gia đình nên sau nhiều đêm trăn trở, đầu năm 1993, anh Hà Văn Thái quyết định chuyển sang học nghề "phó nháy", để đi chụp ảnh thuê cho các đám hiếu, hỷ ở quanh vùng với hy vọng thu nhập khá hơn. Đến năm 1997, anh kết duyên cùng một cô gái năng động có nghề trang điểm cô dâu và cho thuê áo cưới ở xã Bình Yên. Cứ tưởng thêm nghề của vợ sự khấm khá sẽ đến nhanh hơn nhưng ngược lại khiến gia đình anh mang thêm nợ vì có đám cưới cô dâu, chú rể phấn khích chụp ảnh hết mấy cuốn phim, thuê áo cưới đẹp nhất, đến khi thanh toán tiền lại khất hết lần này đến lần khác, có đám con lớn đi học vẫn chưa trả hết tiền.

 

Trong lúc chưa biết xoay nghề nào để tiếp tục con đường lập nghiệp thì giữa năm 2003, anh Thái về quê nội ở Hưng Yên và được một người chú họ đưa đi tham quan mô hình sản xuất gạch nung. Thấy hay, anh đã cất công tìm hiểu về chất đất, kỹ thuật nung, chi phí đầu tư và biết ghề làm gạch nung lợi nhuận cao, có thể phát triển ở quê mình. Suy đi tính lại, Hà Văn Thái đã gác máy ảnh, ở lại Hưng Yên làm việc, học nghề và sau hơn một tháng chăm chỉ lao động, những viên gạch đầu tiên do anh làm ra được người chú họ đánh giá rất cao.

 

Trở về Thẩm Quản, anh Thái đã huy động được trên 5 triệu đồng tiền vốn và bắt đầu nghiệp mới. Để có mặt bằng, anh san toàn bộ 5 sào ruộng cấy lúa để lấy mặt bằng làm gạch. Hoàn tất mọi việc anh Thái gọi điện nhờ người chú họ ở Hưng Yên lên tiếp tục truyền dậy kinh nghiệm. Mẻ gạch đầu tiên gần 1 vạn viên được xếp thành những kiêu thẳng tắp khiến mọi người trong xóm Thẩm Quản đến xem ai cũng mê, bản thân anh Thái cũng thấy mừng thầm. Nhưng dường như ông trời thường thử sự kiên nhẫn của con người, trong một đêm mưa to, gió lớn đã làm vỡ vụn gần một vạn viên gạch đã phơi khô trắng đất chuẩn bị đưa vào lò nung. Nhìn cả sân gạch ngấm nước bỗng chốc vỡ vụn thành những bệt đất mà lòng anh Thái như bị cắt ra thành từng khúc. Việc chưa thành không nhận được sự chia sẻ, ngược lại một số người trong xóm còn nói anh Thái là "ngựa non háu đá".

 

Không chịu lùi bước, Hà Văn Thái lại lầm lũi nhặt từng viên gạch vỡ đem nhào nước đóng lại và sau 10 ngày vất vả không kể khuya sớm gần vạn viên gạch lại lên kiêu. Nhưng rút kinh nghiệm, anh Thái đã vừa đóng, vừa phơi và xếp gạch khô vào lán và với sức lực ngày ngày bỏ ra nên đến cuối năm 2003, anh đã bán gạch mua được gần 2 tấn thóc về giao cho gia đình, số tiền còn lại tiếp tục đầu từ vào lò gạch. Miệt mài và chăm chỉ nên trong hơn 6 năm gắn bó với nghề làm gạch, Hà Văn Thái đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm và mở rộng cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho một số lao động ở xóm Thẩm Quản. Đặc biệt sau khi xem báo, Hà Văn Thái biết bên tỉnh Vĩnh Phúc có mô hình sản xuất gạch nung liên hoàn tiết kiệm được nguyên liệu, thời gian nung, giảm ô nhiễm môi trường và chất lượng gạch tốt hơn. Có được thông tin này, anh Thái đã khăn gói tìm đường tới vùng gạch ở Vĩnh Phúc, lúc đầu một số chủ lò gạch còn giữ nghề, cảnh giác với người lạ nên không cho biết kinh nghiệm nhưng sau thấy anh quá cầu thị, lại chân thành nên một chủ lò gạch trạc tuổi anh đã cho biết kỹ thuật và đồng ý chuyển giao công nghệ.

 

Xây dựng lò gạch nung liên hoàn chi phí đầu tư lên tới trên 500 triệu đồng nhưng có khả năng cho hiệu quả thực sự nên anh Thái đã quyết định dồn toàn bộ số vốn đã tích luỹ được, vay thêm bạn bè để biến ước muốn thành hiện thực. Khi lò gạch liên hoàn được đổ khung bê tông, cốt thép cao, rộng như một ngôi nhà 2 tầng đã khiến người dân Thẩm Quản phải xôn xao, nhiều người còn cho rằng anh Thái xây công trình gì chứ không phải lò gạch. Chúng tôi có mặt tại cơ sở sản xuất gạch của anh Hà Văn Thái trong một ngày nắng vàng và trước mắt chúng tôi chỗ nào cũng thấy gạch. Anh Thái cho biết: "Trong tháng này tôi sẽ đưa lò gạch liên hoàn vào sử dụng và chắc chắn công suất, chất lượng gạch sẽ tốt hơn trước. Theo thiết kế, mỗi ngày lò liên hoàn này nung được một vạn viên và đốt liên tục kể cả khi trời mưa. Với những ưu điểm của lò gạch liên hoàn tôi sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 45 lao động nông nhàn tại địa phương…". Trong lúc trò chuyện với anh Thái, có bác Trần Văn Tốn và Lường Phúc Tồn ở cùng xóm sang chơi cho chúng tôi biết thêm thông tin: Không chỉ tạo việc làm cho lao động ở địa phương mà anh Thái còn thuê lại một số diện tích đất kém hiệu quả để làm mặt bằng sản xuất gạch và trả cho các hộ mỗi sào là 1tạ thóc/vụ. Số thóc này các hộ phải lao động cả năm vất vả mới có được. Ngoài ra, lao động của những gia đình cho thuê đất lại được anh Thái nhận làm việc ở lò gạch với mức thu nhập 60 nghìn đồng/người/ngày nên ai cũng có lợi.

 

Sự nỗ lực của Hà Văn Thái đã làm thay đổi nhận thức của nhiều người dân ở Thẩm Quản là luôn chấp nhận cuộc sống đói nghèo, tự ti và không dám vượt qua hạn chế của bản thân, điều kiện của địa phương để vươn lên. Làm được điều này, Hà Văn Thái đã trở thành người con ưu tú và niềm tự hào của bà con đồng bào dân tộc Tày ở đây.