Từ bỏ vị trí công tác tốt với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng để trở thành chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) ở tuổi 29; dù HTX mới đi vào hoạt động vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng ông chủ "8X"đã có những nghĩa cử cao đẹp giúp đỡ người nghèo khó… Đó là anh Nguyễn Đình Lực, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ tổng hợp và Môi trường Thành Công ở xã Hùng Sơn, Đại Từ.
Trên bãi đất rộng, gạch silicat được xếp thẳng hàng ngay lối, chúng tôi bắt gặp hình ảnh người thanh niên trẻ, có gương mặt khôi ngô, đôi mắt sáng đang chỉ dẫn công nhân lao động. Tiếp chúng tôi trong gian phòng làm việc nhỏ bé, đơn sơ, anh Lực rất khiêm tốn khi được hỏi về mình. Anh nói: Sự nghiệp của tôi mới bắt đầu, thành tích chưa có gì đáng kể so với nhiều HTX khác, chúng tôi vẫn còn phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều… Thế nhưng, chúng tôi biết những việc anh Lực đã và đang làm vì cộng đồng thật lớn và đáng trân trọng.
Ông Nguyễn Trọng Bằng ở xã Tân Thái, thuộc diện hộ nghèo, đang được hỗ trợ làm nhà theo Quyết định 167 xúc động nói: Nếu không có Chủ nhiệm Lực thì gia đình tôi khó có thể làm được ngôi nhà này, ước dự toán gần 40 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 7,2 triệu đồng, nhưng phải đến ngày nghiệm thu công trình, chúng tôi mới được nhận tiền hỗ trợ. Chủ nhiệm Lực ngoài cung ứng toàn bộ vật liệu xây dựng đến tận chân công trình không tính cước vận chuyển, chưa phải trả tiền ngay, còn hỗ trợ gia đình chúng tôi 5 tạ xi măng. Khi nào Nhà nước quyết toán tiền làm nhà, chúng tôi mới phải trả tiền vật liệu cho Chủ nhiệm Lực. Người nghèo như chúng tôi, vay mấy trăm nghìn còn khó, làm sao vay ai nổi vài chục triệu đồng để làm nhà, may mà có anh Lực đã giúp đỡ, hỗ trợ gia đình tôi.
Gia đình ông Bằng chỉ là một trong 25 hộ nghèo trên địa bàn huyện Đại Từ đã được Chủ nhiệm Lực giúp đỡ, hỗ trợ như vậy. Anh Lực tâm sự: Tuổi thơ của tôi cũng từng trải qua những năm tháng khó khăn, vất vả, nên tôi thấu hiểu và đồng cảm với những người nghèo khó. Nếu HTX muốn làm giàu thì chẳng mấy chốc, thuận lợi thì một đến hai năm chăm chỉ lao động là cùng, nhưng phương châm hoạt động của HTX chúng tôi là vừa phát triển vừa chung tay giúp đỡ người nghèo. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", nếu mình giúp đỡ được người nghèo đúng lúc, đúng chỗ sẽ là động lực rất lớn để họ vươn lên. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi muốn làm được nhiều việc tốt hơn nữa, giá trị vật chất tuy còn nhỏ, nhưng là tấm lòng chân thật của tập thể HTX Thành Công muốn được chung vai, góp sức vì người nghèo…
- Từng có một công việc ổn định, với mức lương có thể gọi là khá lý tưởng, vậy xuất phát từ suy nghĩ như thế nào mà anh quyết đình từ bỏ đất Hà thành để về quê hương thành lập HTX này?
- Vâng, chị nói rất đúng, nếu chỉ "an phận thủ thường" thì tôi vẫn đang công tác ở một công ty dưới Hà Nội. Công ty mà trước đó tôi làm việc cũng về chuyên ngành môi trường, nên tôi có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm về lĩnh vực này. Nhưng mỗi lần về thăm nhà, nhìn môi trường ở một số nơi bị ô nhiễm do rác thải vứt bừa bãi; thấy cảnh những chị lao công cứ phải cặm cụi quét dọn, thu gom rác thải suốt từ 4 giờ đến hơn 8 giờ sáng mới xong, tôi liền nảy sinh ra ý tưởng, tại sao mình không đầu tư mua máy móc hiện đại, thành lập một HTX để làm những công việc góp phần bảo vệ môi trường; mang tâm huyết, trí tuệ phục vụ chính quê hương mình… Ý tưởng của tôi đã được các đồng chí lãnh đạo xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ đồng tình, ủng hộ. Tháng 6/2009, HTX Dịch vụ tổng hợp và Môi trường Thành Công chính thức được thành lập. Công việc trước mắt, HTX sẽ đầu tư sản xuất gạch silicat, gạch không nung ép thuỷ lực (hay còn gọi là gạch vì môi trường), sau một thời gian có đủ nhân lực, vật lực chúng tôi sẽ đầu tư xe chuyên dụng thu gom rác thải và xử lý rác thải thành phân vi sinh hưu cơ. Ngày thành lập, HTX thu hút được 8 xã viên với số vốn điều lệ là 500 triệu đồng, sau có 6 tháng hoạt động số xã viên đã tăng lên 25 người, vốn điều lệ tăng lên 800 triệu đồng, cộng với vốn lưu động là hơn 1 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 25 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 2,1 triệu đồng/người/tháng (hưởng theo khoán sản phẩm).
- Tại sao anh không sản xuất gạch nung (gạch đỏ) mà lại sản xuất gạch không nung ép thủy lực, nghe có vẻ lạ, liệu có đứng vững được trên thị trường?
- Sản xuất gạch đỏ sẽ làm ảnh hưởng tới môi trường do khói, bụi; hơn nữa quỹ đất để sản xuất gạch lại có hạn. Gạch không nung ép thủy lực có thể còn mới mẻ với thị trường Thái Nguyên, nhưng các nước phát triển trên thế giới đã sử dụng loại gạch này trong xây dựng từ rất lâu rồi; trong nước cũng đã có nhiều tỉnh, thành xử dụng loại gạch này để xây dựng các công trình cao tầng, như khu nhà 74 tầng ở Mỹ Đình (Hà Nội) đã được xây dựng bằng gạch ép thủy lực. Loại gạch này đạt tiêu chuẩn Việt Nam 6553 với những ưu điểm như độ cứng, bền, nhẵn mịn, ít tốn vôi vữa khi xây dựng và đặc biệt là không làm ảnh hưởng tới môi trường, lại tận dụng được các phế thải xây dựng. Để bảo vệ môi trường, tôi mạnh dạn đi tiên phong, hơn nữa giá thành loại gạch này lại rẻ hơn gạch đỏ khoảng 200 đồng/viên…
Câu chuyện giữa chúng tôi càng ngày càng rôm rả và cuốn hút, cuốn hút bởi những dự kiến tốt đẹp trong tương lai của Chủ nhiệm lực và điều đáng trân trọng hơn nữa là tấm lòng nhân ái của chàng thanh niên trẻ dành cho quê hương Hùng Sơn - mảnh đất nơi anh đã sinh ra và lớn khôn. Trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình chưa có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn quy định của ngành Y tế trên địa bàn xã Hùng Sơn là 1 tạ xi măng/hộ và cung ứng gạch trả chậm để các hộ có thể xây dựng công trình vệ sinh mới. Chúng tôi xin kết thúc bài viết này bằng lời nhận xét của ông Trương Mạnh Kiểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ: Chủ nhiệm HTX Dịch vụ tổng hợp và Môi trường Thành Công tuy còn trẻ tuổi, nhưng rất mạnh dạn, năng động trong cách nghĩ cách làm, bước đầu đã khẳng định được niềm tin tưởng đối với chúng tôi, chúng tôi hy vọng HTX sẽ ngày càng phát triển vì một môi trường sạch, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động hơn nữa… Những nghĩa cử giúp đỡ người nghèo của tập thể HTX rất đáng được ghi nhận, tuyên dương và trân trọng.