Sau khi nhận nhiệm vụ thay Trưởng phòng Thi hành án (THA) tỉnh Thái Nguyên nghỉ hưu năm 2003, anh Nguyễn Văn Trung nhận thấy kết quả công tác thi hành án trên địa bàn tỉnh hằng năm còn chưa đạt kết quả như mong đợi, một số vụ việc thi hành không dứt điểm gây sự hoài nghi, bức xúc trong dư luận. Điều này đã thôi thúc anh tìm tòi, suy nghĩ để có sự đột phá trong cách giải quyết án.
Bám sát vào sự chỉ đạo của Cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp về việc mở đợt cao điểm giải quyết án, anh Trung đã tham mưu cho Đảng uỷ Sở Tư pháp, lãnh đạo phòng THA chọn một số vụ việc có điều kiện, phức tạp, số tiền phải thi hành lớn nhưng đã để dây dưa, kéo dài để làm điểm, thí nghiệm làm theo phương pháp thi hành vụ việc nào dứt điểm vụ việc đó. Chọn lựa một số Chấp hành viên có năng lực, kinh nghiệm để tham gia tổ công tác đặc biệt và thi hành một số vụ việc đã chọn. Bản thân anh cũng trực tiếp về cơ sở để tổ chức thi hành án như một Chấp hành viên bình thường. Kết quả cho thấy, các vụ việc phức tạp đã được thi hành xong hoàn toàn, người phải thi hành tâm phục, khẩu phục, không có việc khiếu nại cũng như tố cáo về thi hành án. Cách làm này nhận được sự ủng hộ của đồng nghiệp cũng như sự ghi nhận của cấp trên.
Do quy định việc giao nhận vật chứng chưa thống nhất giữa Thông tư liên tịch số 05 ngày 07-9-2005 với Thông tư số 06 ngày 05-7-2007 của Bộ Tư pháp nên việc giao nhận vật chứng trong các vụ án hình sự từ cơ quan điều tra sang Cơ quan THA không kịp thời, làm chậm tiến độ giải quyết các vụ án; việc giao nhận một số bản án, quyết định của Tòa án cấp tỉnh với cơ quan Thi hành án từ năm 2007 trở về trước còn chưa thống nhất, dẫn đến thực trạng Tòa án không kiểm soát được những bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đã giao hoặc chưa giao cho Cơ quan THA. Trong khi đó, Cơ quan THA phải tiếp nhận nhiều bản án, quyết định dẫn đến vụ việc thụ lý nhiều nhưng rất khó khăn trong việc xử lý vì không có vật chứng kèm theo. Anh Trung với cương vị là người đứng đầu Cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh đã đề nghị một số biện pháp khắc phục các tồn tại trên bằng cách: ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giao nhận vật chứng, giao nhận bản án, quyết định của Tòa án và Cơ quan THA. Khi giao nhận bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đối với những vụ việc còn tồn tại về vật chứng có đại diện của 3 cơ quan tố tụng và Cơ quan THA. Nhờ đó, Tổ công tác do một Chấp hành viên của Cơ quan THA chủ trì đã giải quyết về cơ bản những tồn tại trong việc giao nhận vật chứng, bản án từ Toà án chuyển sang.
Trước thực tế: một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức trong ngành THADS ngại nghiên cứu, ngại viết vì cho rằng công tác thi hành án là công việc thuần tuý, là giai đoạn cuối cùng của quá trình tố tụng, cứ theo bản án, quyết định của Tòa án mà làm. Vì vậy, khi gặp vướng mắc trong quá trình tác nghiệp thì lúng túng, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ việc. Để tháo gỡ những vướng mắc trên, với cương vị là Chủ tịch Hội đồng sáng kiến của ngành THA tỉnh, anh Trung đã phát động phong trào thi đua, có ý kiến gợi mở để cán bộ phát huy tính tích cực, chủ động, đặc biệt là khuyến khích những cán bộ trẻ nghiên cứu, viết tin, bài về lĩnh vực THADS. Hưởng ứng phong trào này, đã có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm của các cán bộ THA tỉnh được Hội đồng thi đua ngành Tư pháp, Hội đồng thi đua của THADS tỉnh Thái Nguyên ghi nhận như: Khoán việc cho Chấp hành viên của một cá nhân tại THADS thành phố Thái Nguyên; những bài nghiên cứu trao đổi về nghiệp vụ của một số cán bộ THA tỉnh đăng trên các Tạp chí chuyên ngành… Với những đóng góp cho ngành THADS tỉnh, năm 2008, anh Trung đã được suy tôn và công nhận là Chiến sỹ Thi đua ngành Tư pháp.
Với tâm niệm, cán bộ là công bộc của nhân dân như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dậy, anh Trung đã luôn nỗ lực hết mình trong công việc, được đồng nghiệp quý mến, nhân dân tin yêu.