Đảng bộ T.P Thái Nguyên có 78 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 28 đảng bộ xã, phường; 50 chi, đảng bộ khối hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp. Thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Ban Thường vụ Thành uỷ nhận thức đây là Cuộc vận động được tiến hành trong thời gian dài với nhiều nội dung; là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt có ý nghĩa trước mắt và tính chiến lược lâu dài...
Vì vậy, thành phố đã triển khai kịp thời, nghiêm túc các chuyên đề của Cuộc vận động trong toàn Đảng bộ. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo Cuộc vận động thành phố, xây dựng văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai các nội dung cụ thể của Cuộc vận động trong 3 năm (2007-2009). Trong đó, tập trung vào xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện; thành lập Ban chỉ đạo các cấp và phân công phân nhiệm rõ ràng; kế hoạch triển khai.
Đi đôi là chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Cuộc vận động hàng năm. Qua tổ chức học tập quán triệt các chuyên đề, số lượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức (CB,ĐV,CCVC) tham gia học tập đạt tỷ lệ rất cao: Năm 2007, thành phố tổ chức 86 lớp với 17.881 CB,ĐV,CCVC học tập, đạt tỷ lệ 96,4% (chưa tính hai xã Cao Ngạn và Đồng Bẩm). Năm 2008, tổ chức học tập 2 chuyên đề về "Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu" và tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" thành phố tổ tổ chức được 103 lớp với 18.780 CB, ĐV,CCVC học tập, đạt tỷ lệ 98,6%. Năm 2009, với chuyên đề "Nâng cao ý thức trách nhiệm hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân" thành phố đã tổ chức được 135 lớp cho 19.520 lượt CB,ĐV,CCVC học tập (đó là chưa kể các lớp do các tổ chức đoàn thể triển khai tuyên truyền qua các năm). Sau các đợt nghiên cứu học tập các chuyên đề, thành phố đều tổ chức cho CB, ĐV,CCVC viết thu hoạch, lấy ý kiến từ cơ sở, ký cam kết, xây dựng kế hoạch thực hiện "học tập và làm theo". Nội dung "làm theo" được chỉ đạo quyết liệt từ năm 2008 và được cán bộ, đảng viên nhiệt tình hưởng ứng. "Làm theo" không phải là những việc lớn mà trước hết là làm tốt hơn những công việc hàng ngày theo chức trách nhiệm vụ được giao để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của bản thân và cơ quan mình. Qua đó đã có sự chuyển biến mạnh trong tư tưởng, nhận thức và bước đầu tạo được chuyển biến trong hành động và việc làm.
Đặc biệt, sự chuyển biến ấy được thể hiện rõ nét nhất là CB,ĐV,CCVC đã thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kể cả tiết kiệm chi tiêu trong gia đình, cơ quan; ý thức rèn luyện tu dưỡng đạo đức và trong quan hệ giữa CCVC với nhân dân, xã hội; giữ gìn khối đoàn kết trong tập thể, cộng đồng được quan tâm hơn. Các cơ quan trong thành phố đã thực hiện tốt hơn nền nếp quy chế làm việc, quy tắc ứng xử khi làm việc; quy chế dân chủ ở cơ sở; quy định tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân; giải quyết việc liên quan đến tổ chức, công dân và doanh nghiệp; quy định chi tiêu nội bộ; thực hiện minh bạch, công khai trong mua sắm tài sản công.
Cũng từ việc thực hiện công khai, dân chủ nên thông qua việc lấy ý kiến của quần chúng nhân dân nơi cư trú, trong 2 năm 2007 và 2008, Đảng bộ đã nhận được 10.104 ý kiến đóng góp của nhân dân về đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên. Đã có 4.654 cán bộ được nhân dân góp ý và phát hiện 27 cán bộ có vấn đề về đạo đức lối sống như mất đoàn kết, say rượu, thiếu tinh thần trách nhiệm. Qua đó, Đảng bộ kịp thời chấn chỉnh những sai phạm, xử lý nghiêm minh nên đã củng cố niềm tin trong nhân dân.
Có thể nói, Cuộc vận động đã có tác động tích cực đến thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương. Nhận thức sâu sắc về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã giúp cho lãnh đạo thành phố lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành các hoạt động theo hướng gần dân, sát dân hơn; nắm bắt và giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Một số chủ trương, chính sách đề ra phù hợp với thực tiễn như: huy động mọi nguồn lực để thu hút đầu tư phát triển kinh tế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ; coi trọng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để phục vụ các công trình, dự án trọng điểm; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh… được nhân dân đồng tình ủng hộ, giúp thành phố vượt qua khó khăn, hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tê - xã hội đề ra năm sau cao hơn năm trước.
Kinh tế tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng khá với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15,5%, vượt 0,5% so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV đề ra; GDP trên địa bàn thành phố tăng 1,32 lần so với năm 2005 và chiếm 51,03% GDP của cả tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7% (năm 2006) còn 2,9% (năm 2009); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ; thu ngân sách năm 2009 tăng 30,3% so với năm 2008... Chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được nâng cao. Năm 2006, số tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh đạt 89,5%; năm 2007 đạt 90,7%; năm 2008 đạt 90,1%; năm 2009 đạt 86%; số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2006 đạt 74,5%; năm 2008 đạt 75,4%, năm 2009 đạt 76,89%. Trong 3 năm (2007-2009) kết nạp được 847 đảng viên mới.
Năm 2010, Đảng bộ T.P Thái Nguyên vẫn coi trọng công tác tuyên truyền về Cuộc vận động đến CB,ĐV,CCVC bằng nhiều hình thức gắn với tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm và tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XI của Đảng để nâng cao nhân thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, nhân dân. Đồng thời sẽ tổ chức các hội nghị trao đổi kinh nghiệm và biểu dương các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong "làm theo tấm gương của Bác" nhằm tạo thành phong trào thi đua rộng khắp trong toàn Đảng bộ để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.