Vì lợi ích thiết thực của người dân

10:10, 22/02/2010

Nga My lâu nay không chỉ được biết đến là xã nghèo nhất của huyện Phú Bình, mà Nga My còn được biết đến với nhiều hủ tục trong việc cưới, việc tang. Điều này càng khiến cái nghèo, cái khó bám chặt vào người dân nơi đây. Hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng uỷ xã đã ban hành Nghị quyết số 33 về thực hành tiết kiệm trong việc tang. Dù mới đi vào thực hiện nhưng Nghị quyết đã mang lại hiệu quả, được đông đảo người dân hưởng ứng…

Đồng chí Dương Xuân Lại, Bí thư Đảng uỷ xã Nga My không khỏi chạnh buồn khi kể cho chúng tôi nghe về sự lãng phí, tốn kém mà trước đây các gia đình trong xã phải chi phí cho đám hiếu. Có những điều nếu không phải do đồng chí Bí thư kể chắc tôi không thể tin đó là sự thật. Đồng chí Lại cho biết, mỗi đám hiếu ở xã thường có từ 4-5 sở (sở là rạp để ngồi ăn cỗ), cá biệt có đám lên tới 7-8 sở. Để phân biệt đám to, đám nhỏ, người dân thường tính bằng lượng thịt lợn. Nhà trung bình thì tốn khoảng trên dưới 6 tạ thịt; còn nhà đông con, nhiều cháu thì nhiều hơn 1-2 tạ thịt. Ngoài thịt lợn, mỗi mâm cỗ còn có thêm giò và rau, dưa. Hầu hết mọi người đến phúng viếng đều ở lại dùng cơm. Đã là con cháu, dù gần hay xa cũng đều ở lại ăn từ 2-3, thậm chí là 4 bữa. Nhiều người đến đám quên cả việc hỏi thăm, chia buồn với tang chủ mà chỉ đăng ký số tiền phúng viếng rồi ngồi vào bàn uống rượu, chúc tụng, nói cười vui vẻ, trong khi tang chủ thì buồn khóc. Điều này khiến không khí nhà đám trở nên hỗn tạp, thiếu văn minh. Chi phí cho một đám hiếu thường rất lớn, khoảng 40-50 triệu đồng (bằng cả cơ đồ của 1 gia đình có đời sống trung bình ở đây), trong đó, tiền cỗ bàn chiếm tới 2/3 tổng chi phí. Rất nhiều gia đình, sau khi làm ma cho cha, mẹ đã lâm vào cảm nợ nần, phải bán cả ruộng, vườn, trâu bò; không ít trường hợp, anh chị em mâu thuẫn, dằn vặt, thậm chí từ mặt nhau vì phải đóng góp quá nhiều. Những gia đình khó khăn, thương cha, khóc mẹ thì ít mà khóc vì không có tiền làm ma thì nhiều...

Tang chủ tốn kém đã vậy, người đến phúng viếng cũng vô cùng vất vả. Do đã thành “lệ làng” nên bất kể ai, dù giàu hay nghèo, dù thân hay sơ, khi trong làng, trong xóm, trong họ có nhà ai có người mất cũng đều phải đến phúng viếng và ăn cỗ. Mức phúng viếng thường từ 30-50-100 nghìn đồng (tuỳ theo mối quan hệ). Trong khi nguồn thu nhập chủ yếu của đại đa số các hộ dân nơi đây là từ nông nghiệp nên để có tiền ăn cỗ, (hiếu hỷ, vào nhà mới, khao thọ) nhiều người đã phải bán thóc, bán ngô hoặc vay nợ. Ước tính bình quân, vào mùa “ăn cỗ”, mỗi gia đình phải tham dự từ 12-15 đám cỗ/tháng. Tốn tiền, tốn cả thời gian (thường là 1,5 - 2 ngày) nên nhiều gia đình mãi không thoát được cảnh nghèo là thế.

 

Thực tế thì, các hộ dân đều thấy được sự tốn kém, lãng phí và mong muốn có sự thay đổi. Nhưng, do đã là “lệ làng” và đã thành “nợ miệng” nên không gia đình nào dám đi ngược với quy định “bất thành văn” đó. Năm 2007, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được phát động trong toàn Đảng, toàn dân. Nắm được tâm tư, nguyện vọng này của người dân, Đảng uỷ, chính quyền xã Nga My bắt đầu tính đến việc vận động nhân dân thực hành tiết kiệm trong việc hiếu. Khi việc hiếu thực hiện thành công sẽ triển khai đến việc hỷ và các việc khác, như: vào nhà mới, khao thọ…

 

Sau khi Đảng uỷ xã ban hành Nghị quyết, HĐND xã ra nghị quyết chuyên đề, UBND xã xây dựng đề án, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết đã triển khai đến các ngành, đoàn thể, các chi bộ, xóm để phổ biến, tuyên truyền đến toàn thể nhân dân, lấy ý kiến đóng góp. Kết quả, chỉ sau một thời gian ngắn, 21/21 chi bộ đã ra được nghị quyết chuyên đề và 26/26 xóm có biên bản cam kết của người dân về thực hành tiết kiệm trong việc hiếu. UBND xã cũng đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thực hành tiết kiệm trong đám hiếu với 15 thành viên, do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Từng thành viên trong Ban Chỉ đạo được phân công theo dõi, phụ trách 1-2 xóm. từng xóm, cũng thành lập ban chỉ đạo với sự tham gia của đồng chí bí thư chi bộ, trưởng xóm và đại diện các ngành, đoàn thể. Với sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, Đảng uỷ xã Nga My đã lấy ngày 18-11-2009 - ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc là ngày bắt đầu thực hiện Nghị quyết. Lúc này, trong đám hiếu, chỉ có con cháu, anh em ruột thịt của người mất và những người đến giúp gia chủ mới được ở lại dùng cơm, còn những người khác, kể cả thông gia, đồng ngũ, đồng tuế, anh em họ hàng xa cũng chỉ uống nước, ăn trầu rồi ra về.

 

Gia đình bà Nguyễn Thị Định, xóm Diệm Dương là hộ đầu tiên chấp hành Nghị quyết 33 của Đảng bộ xã. Ngay khi biết tin gia đình bà có việc buồn, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thực hành tiết kiệm trong đám hiếu của xã đã có mặt để động viên, chỉ đạo gia đình bà thực hiện đúng các nội dung đã quy định của Cuộc vận động. Do được phổ biến từ trước nên gia đình bà hoàn toàn nhất trí để Ban Chỉ đạo của xã treo 2 khẩu hiệu: "Đảng bộ và nhân dân Nga My quyết tâm thực hành tiết kiệm trong đám hiếu"; "Ban Tang lễ và gia đình xin cảm ơn quý khách đến thăm viếng (không ở lại dùng cơm)". Bà Định tâm sự: Nhờ có Cuộc vận động nên đám hiếu của gia đình tôi được tổ chức rất gọn gàng với đầy đủ các nghi lễ cần thiết. Thay vì 4-5 sở như trước đây, gia đình tôi chỉ làm 1 sở và chỉ phải mua gần 2 tạ thịt lợn. Nhờ đó, chi phí cho đám hiếu chỉ mất 23 triệu đồng. Số tiền mà mọi người đến phúng viếng tương đương với số tiền gia đình chi phí nên các con tôi không phải đóng góp thêm.

 

Cũng nhờ thực hiện tốt Cuộc vận động mà các con của bà Dương Thị Đều, xóm Nghể không những không phải đóng góp tiền, của để lo hậu sự cho cha mà còn làm biếu mẹ được sổ tiết kiệm 10 triệu đồng để dưỡng già. Bà Đều có 14 người con (cả dâu, rể) nhưng gia đình bà hôm đó cũng chỉ làm 1 sở và mua gần 2 tạ thịt lợn. Việc gia đình bà Đều (hộ nông dân bình thường) sau khi làm đám hiếu xong còn dư ra hàng chục triệu đồng đã trở thành sự kiện lạ ở Nga My, càng khiến người dân nơi đây thấy được sự đúng đắn của Cuộc vận động, bởi trước đó, người dân chỉ quen với việc “bù lỗ” chứ không ai có thể nghĩ số tiến phúng viếng lại có thể vượt quá số tiền mà gia chủ chi phí. Anh Dương Văn Tài, Bí thư Chi bộ xóm Nghể tâm sự: Khi triển khai Nghị quyết 33, các đảng viên trong chi bộ rất ủng hộ; bà con nhân dân thì vô cùng phấn khởi, bởi Cuộc vận động này, không chỉ giúp gia chủ đỡ tốn kém mà bản thân mỗi người dân cũng cảm thấy vợi đi một gánh nặng trong việc lo tiền ăn cỗ. Nếu trước đây, mỗi đám hiếu họ phải có từ 30-50 nghìn đồng thì giờ họ chỉ cần 10-20 nghìn, thậm chí là 1 thẻ hương. Thời gian dành cho một đám hiếu vì thế cũng đỡ đi rất nhiều. Kể từ khi Nghị quyết 33 có hiệu lực đến nay, trên địa bàn xã Nga My đã có 10 đám hiếu. 100% các đám này đều có sự tham gia hướng dẫn trực tiếp của Ban Chỉ đạo xã và việc có mặt của Ban Chỉ đạo sẽ được duy trì đến hết năm 2010, khi mà việc thực hành tiết kiệm trong đám hiếu của nhân dân đã đi vào nền nếp.

 

Hiệu quả từ Cuộc vận động này là rất rõ ràng và thiết thực. Hy vọng rằng, Đảng bộ, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và nhân dân nơi đây sẽ duy trì và thực hiện tốt các nội dung của Cuộc vận động, góp phần xây dựng nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh, đồng thời đây cũng là một trong số nhiều giải pháp hữu hiệu để thực hiện tốt công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở vùng đất vốn còn nhiều khó khăn.