Từng tham gia quân đội và được tặng nhiều Huân, Huy chương, trở về địa phương ông vẫn tiếp tục phát huy bản chất anh bộ đội cụ Hồ, sống đoàn kết, nhân ái; giúp đỡ bà con trong xóm có hoàn cảnh khó khăn bằng chính đồng lương hưu của mình. Đó là ông Trần Công Huấn, sinh năm 1926, ở xóm Quang Trung 2, xã Sơn Cẩm (Phú Lương).
Chúng tôi đến thăm gia đình ông vào một ngày đầu xuân đầy nắng và gió. Trong căn nhà xây khang trang, ông cùng mấy người bạn ngồi chơi cờ vui vẻ. Nhìn dáng vẻ hồng hào, khỏe mạnh tôi thấy ông trẻ hơn nhiều so với tuổi 84 của mình. Câu chuyện giữa chúng tôi cứ thế diễn ra theo mạch cảm xúc của ông về những sự kiện đã xảy ra trong đời. Giọng ông run run xúc động khi nhớ về thuở ấu thơ đầy gian khó của mình: Bố, mẹ mất sớm, gia đình chỉ còn lại ông cùng người em gái. Không giống như những bạn cùng trang lứa được cắp sách đến trường, lên 7 tuổi ông phải đi ở cho một nhà giàu có trong xóm. Em gái ông cũng không biết lưu lạc nơi đâu. Cứ thế ông lớn lên nhờ sự đùm bọc, cưu mang của anh em, hàng xóm láng giềng. 18 tuổi ông tham gia lực lượng vũ trang ở địa phương. Do hoạt động tích cực, 23 tuổi chàng thanh niên Huấn đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Từ đó, ông tham gia các cuộc đấu tranh chống Pháp, Mỹ, góp công sức bảo vệ độc lập tự do cho tổ quốc và nhận nhiệm vụ công tác ở Binh đoàn 12, thuộc Quân khu I. Trong lĩnh vực nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao phó và được nhận nhiều danh hiệu cao quý do Đảng, Nhà nước trao tặng như: Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huy chương Chiến sỹ vẻ vang, Huy hiệu Chiến sỹ thi đua...
Năm 1982, ông về nghỉ hưu tại địa phương và tiếp tục tham gia các phong trào đoàn thể như: Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi... Từ đó, ông có điều kiện tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện; ủng hộ và giúp đỡ những hộ nghèo trong xóm từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Nói về những đóng góp của ông Huấn cho các phong trào của xóm, đồng chí Nguyễn Xuân Ngọc, Bí thư Chi bộ Quang Trung 2 cho chúng tôi biết: Ông Huấn là đảng viên luôn đi đầu trong các phong trào của xóm, của xã. Mặc dù tuổi đã cao, không có điều kiện tham gia phát triển kinh tế nhưng ông vẫn chăm chỉ làm từ thiện và tham gia ủng hộ các hoạt động phong trào của địa phương bằng chính đồng lương hưu của mình. Được biết, năm 2007, Quang Trung có 10 hộ nghèo thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ để làm nhà. Xóm đã nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu xóa 10 nhà dột nát và được UBND huyện Phú Lương khen thưởng.
Chị Diệp Thị Vòng, người trong xóm chia sẻ: Ông cụ Huấn tốt lắm, năm 2007, nhà tôi làm nhà mà chẳng có đồng nào cả, cụ Huấn cùng các đồng chí đảng viên trong xóm đã đứng ra thuyết phục các chủ lò gạch, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng trong xã bán chịu cho gia đình tôi. Sau khi nhà xây sắp hoàn thiện, tôi mới nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước để trả. Ông Huấn cũng giúp đỡ gia đình tôi hơn 1 triệu đồng tiền mặt để lắp cửa. Ông là người có tấm lòng nhân ái, được bà con xóm tôi rất tin tưởng và quý mến. Ngoài gia đình chị Vòng, các hộ nghèo khác trong xóm làm nhà cũng được ông hỗ trợ tiền mặt hoặc vật liệu trong nhà như: cửa kính, gạch lát, ngói lợp... trung bình mỗi hộ 1 triệu đồng. Nhờ những việc làm tích cực của ông, xóm Quang Trung 2 đã không còn hộ nào phải ở trong những căn nhà tạm. Ngoài ra, ông còn ủng hộ hơn 15 triệu đồng cho các phong trào: đền ơn đáp nghĩa; thể dục thể thao; Quỹ Khuyến học... và ủng hộ kinh phí cho hoạt động của các tổ chức đoàn thể trong xóm như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên... Ông cũng trích tiền lương hưu của mình cho các hộ khó khăn vay không lãi để phát triển kinh tế, góp phần giảm số hộ nghèo trong xóm, từ năm 2007 đến nay xóm đã có hơn chục hộ thoát nghèo. Hiện, số hộ nghèo của Quang Trung chỉ còn 8 hộ. Các tổ chức đoàn thể đều hoạt động đều tay... Bên cạnh đó, ông Huấn còn là người đi tiên phong trong việc vận động bà con chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... Năm 2009, ông vừa được nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Khi được hỏi tại sao ông luôn hết lòng giúp đỡ người khác trong khi bản thân cũng không phải là người giàu có, ông cười bảo: Tôi đã từng "vào sinh ra tử", từng sống và lớn lên dưới sự đùm bọc, cưu mang của mọi người nên rất thấm thía câu nói "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", giúp được bà con phần nào, tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng, thanh thản.