Học Bác để sống có ích hơn

09:39, 06/04/2010

Năm 1969 khi Bác Hồ mất, với lòng kính trọng, biết ơn và tình cảm đặc biệt đối với Bác, ông Lê Quang Huấn, xóm Xuân Đãng 1, xã Bình Sơn, T.X Sông Công, đã dành nhiều thời gian để đi tìm mua, sưu tầm những tài liệu viết về Bác và cuối năm 1969 trong một lần tìm sách ông đã mua được cuốn “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”, do  Ban Chấp hành TW Đảng Lao động Việt Nam xuất bản. Trong đó, có đăng toàn bộ bản di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch.

 

Đến nay, 41 năm đã trôi qua vậy mà cuốn sách đó vẫn được gia đình ông Huấn, gìn giữ và coi đó như một vật gia bảo. Những lời tâm huyết, dặn dò của Hồ Chủ tịch cho dân tộc, cho nhân dân Việt Nam trong cuốn Di chúc được ông Huấn đọc đi đọc lại, ông gần như thuộc làu từng dòng, từng lời. Ông tâm sự: Cuốn Di chúc này, từ khi tôi sưu tầm đến nay đã được truyền đọc cho bao nhiêu người tôi cũng không nhớ nổi. Qua thời gian, sợ cuốn sách bị hỏng, tôi đem bọc thêm một lượt giấy bìa cứng để  giữ cho khỏi sờn rách. Và, đến nay, khi Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được triển khai, tôi lại có cơ hội đem ra, để truyền tay cho mọi người cùng nhau ôn lại những lời đầy  tâm huyết của Bác kính yêu”.

 

Không chỉ lưu giữ bản Di chúc giá trị này, hiện nay ông Huấn còn có một tủ sách với rất nhiều tư liệu quý về Bác mà ông đã cất công sưu tầm mấy chục năm qua. Ông kể: “Từ khi còn là học sinh, những bài giảng của thầy cô về Bác đã gieo vào lòng tôi một tình cảm đặc biệt đối với Bác. Chính vì thế, khi Bác mất, tôi muốn lưu giữ và sưu tập thật nhiều những tài liệu về Bác. Qua đó tôi học được rất nhiều điều, học theo Bác giúp tôi sống tốt hơn, có ích hơn cho xã hội”. Với những tài liệu sưu tập được về Bác, đặc biệt là những kiến thức sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thôi thúc ông trở thành một “tuyên truyền viên” tích cực của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở địa phương. Thông qua các mẩu chuyện mà ông Huấn kể trong các buổi tọa đàm hay các buổi nói chuyện về Bác ở các chi hội người cao tuổi, mọi người dân đều muốn học và làm theo Bác về cách sống giản dị, lạc quan yêu đời, hoà đồng với mọi người xung quanh. Những suy nghĩ, việc làm đầy tinh thần cách mạng và nhân văn của Bác cũng được ông Huấn nghiên cứu để giảng lại cho mọi người nghe thật dễ hiểu.

 

Để chuẩn bị cho những bài tuyên truyền ấy, ông Huấn đã phải đọc rất nhiều tài liệu để xác định độ chuẩn xác của câu chuyện kể, tìm những thông tin hay để tạo hấp dẫn cho người nghe. Chính vì thế những buổi tọa đàm, kể chuyện, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác ở các chi hội người cao tuổi ở Bình Sơn luôn thu hút đông đảo các hội viên tham gia.

 

Năm nay ông Huấn đã ở tuổi 73, cái tuổi được gọi là “thất thập cổ lai hy”, nhưng khi các chi hội liên hệ mời giảng về tấm gương đạo đức của Bác là ông Huấn lại không quản ngại đường xa đi lại khó khăn, đạp xe hàng chục cây số vào tận xóm Bình Định, Phú Sơn, Kim Long… để kể và chia sẻ với bà con những câu chuyện về tấm gương đạo đức của Hồ Chủ tịch mà ông biết.

 

Về quan điểm sống hàng ngày, ông Huấn chia sẻ: “ phương châm sống của tôi là luôn sửa mình, sống hoà đồng, trách nhiệm với mọi người. Luôn sửa mình từ thói quen ăn uống, sinh hoạt, nói năng, làm việc, khi mình làm việc mà ngẫm nghĩ lại thấy chưa được là sửa, khi mọi người góp ý thấy đúng là sửa, không ngại xấu, không ngại sai”. Ông Huấn luôn dành được sự tin yêu, kính trọng của mọi người. Ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Bình Sơn. Hơn 20 năm tham gia các hoạt động chính trị, xã hội ở địa phương, ông Huấn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ông luôn động viên con cháu sống đoàn kết, trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Đến nay, các con của ông gồm 14 người kể cả dâu, rể đều thành đạt và sống gương mẫu, hòa thuận, 13 đứa cháu của ông đều chăm ngoan, học giỏi.