"Thất bại là mẹ thành công"

09:22, 04/04/2010

Chưa đầy 30 tuổi nhưng anh Nguyễn Đức Nghiệp, xóm Cổ Rồng, thị trấn Đình Cả (Võ Nhai) đã có trong tay một tài sản khá lớn: 1ha chè, 1ha keo lai, hàng trăm con gà, hàng trăm con lợn, một cửa hàng thuốc thú y... mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Công việc gia đình "ngập đầu" như vậy nhưng anh vẫn hoàn thành công việc của cán bộ thú y thị trấn, mỗi khi hàng xóm có gia súc, gia cầm bị bệnh, anh lại sẵn sàng có mặt...

 

Không chỉ ở xóm Cổ Rồng mà ở hầu hết các xóm của thị trấn Đình Cả người dân đều biết đến anh Nghiệp "thú y" bởi bất kể ngày đêm, anh sẵn sàng khoác túi đồ nghề lên đường khi có người gọi để kiểm tra xem con trâu, con lợn vì sao bỏ ăn, con trâu trở dạ khó đẻ… Tốt nghiệp lớp trung cấp thú y (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) năm 2004, anh Nghiệp trở về quê nhà ở xóm Cổ Rồng và hăm hở bắt tay vào làm kinh tế. Khi chuẩn bị ra trường, anh Nghiệp đã có ý định phát triển chăn nuôi và hy vọng với những kiến thức mình học được sẽ phục vụ tốt cho dự định đã chọn. Hơn nữa, khi còn trên ghế nhà trường, anh đã nhiều lần tâm sự với thầy giáo chủ nhiệm và được thầy tư vấn nên đầu tư chăn nuôi gia súc vì ở Võ Nhai đất đai rộng, rừng núi nhiều nên nguồn thức ăn rất dồi dào, chỉ phải bỏ công và vốn đầu tư. Vậy là dự định chăn nuôi bò trong anh hình thành.

 

Thời gian này địa phương triển khai Dự án vay vốn phát triển chăn nuôi xoá đói giảm nghèo, anh đã đăng ký vay vốn của Dự án và mượn thêm người thân, bạn bè được 167 triệu đồng để mua 25 con bò giống sinh sản bình quân 8 triệu đồng/con. Vừa mua bò con được vài tháng thì giá bò thịt rớt giá. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định chấp nhận thua lỗ và bán với giá 2-3 triệu đồng/con (theo giá bò thịt). Anh Nghiệp bảo: Mới làm lần đầu mà đã thất bại tôi rất nản nhưng vẫn động viên vợ chuyển sang chăn nuôi gà và tích cóp để trả nợ dần. Đó là lần đầu tiên và "đau" nhất vì lúc mới ra ở riêng bố mẹ cho gần 1ha rừng, tôi chặt bán được 25 triệu đồng và vay mượn dồn hết vào mua bò giống. Nhưng sau lần chăn nuôi bò không thành tôi đã có thêm kinh nghiệm bởi "mèo bé nên bắt chuột bé". Vì thế tôi đã chuyển sang nuôi gà thả vườn và chăm sóc 5 sào chè cũ của bố mẹ cho làm vốn.

 

Cùng với cây chè, anh đã thả gần 100 con gà ta để tận dụng thức ăn tự nhiên ở đồi chè. Cứ 3-4 tháng lại bán được một lứa, một phần vốn dành để mua gà con, phần còn lại đầu tư cám chăn nuôi lợn, phân bón bón cho chè. Anh Nghiệp dẫn chúng tôi đi tham quan đồi chè mới đốn đang đâm chồi sắp cho thu hái. Trên vẫn là chè giống cũ, dưới chân đồi anh Nghiệp trồng gần 2 sào và bắt đầu cho thu hoạch. Xen lẫn những rạch chè là gần 200 cây nhãn đã cao gần hơn 2m. Nhưng lại mua phải giống nhãn không đảm bảo nên tới đây anh sẽ chặt bỏ hết và đầu tư chăm sóc chè. Hiện mỗi lứa gia đình anh cũng thu được 2 tạ chè khô giống cũ và 50kg chè cành, trừ chi phí cũng được 40-50 triệu đồng/năm. Thấy tôi thắc mắc vì sao nhà chỉ có 2 lao động mà làm nhiều chè như vậy, lại còn gần 1ha rừng, hàng trăm con lợn, anh Nghiệp giải thích: Từ phun thuốc đến thu hái tôi phải thuê khoảng 30 công/lứa, còn việc sao sấy thì hai vợ chồng tranh thủ làm buổi tối. Trồng rừng cũng vậy, từ làm đất đến phát thực bì tôi đều phải thuê người làm vì ban ngày phải bận công việc ở thị trấn (cán bộ thú y, phụ trách nông nghiệp), ngoài giờ lại bán đại lý thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi ở chợ thị trấn Đình Cả… chẳng thế mà hơn 11 giờ trưa chúng tôi đến nhà anh vẫn đóng cửa. Tiếp xúc với anh, chúng tôi cảm nhận được sự say mê trong phát triển kinh tế gia đình của chàng thanh niên chưa đầy 30 tuổi này. Sự mạnh dạn, cứng rắn đứng dậy sau thất bại đã mang lại cho anh thành công bước đầu. 

 

Dù đã có trong tay cơ ngơi vài trăm triệu đồng nhưng anh chưa tự bằng lòng với những gì mình có mà còn rất nhiều dự định: đầu tư chuyển đổi chè giống cũ sang trồng chè cành; mua thêm máy sao vò chè… Hiện nay, anh đang là thú y viên, Phó Bí thư Chi đoàn xóm Cổ Rồng - những chức danh không có phụ cấp nhưng với lòng nhiệt tình, say mê anh đã hướng dẫn các đoàn viên trong chi đoàn cùng phát triển kinh tế và đảm nhận việc tiêm phòng gia súc gia cầm của bà con trong xóm. Ngoài ra, với kiến thức về lĩnh vực thú y, anh Nghiệp còn tuyên truyền, thông báo cho bà con khi xuất hiện bệnh dịch trên vật nuôi để mọi người phòng chống, tránh thiệt hại không đáng có.

 

Chia tay anh Nghiệp, chúng tôi thầm chúc cho dự định của anh sớm được thực hiện và tổ ấm hạnh phúc nhỏ bé ấy luôn tràn đầy tiếng cười cùng với những thành công trong phát triển kinh tế gia đình mà anh phải mất nhiều công sức mới có được. Mong rằng sẽ có nhiều thanh niên nông thôn mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm để làm giàu cho mình và cho quê hương.