Chuyện anh Ngô Thế Hiệp, xóm Ngò mua được xe ô tô con trị giá 380 triệu đồng khi mới 28 tuổi đã khiến không ít người ở xã Tân Hoà - một trong những xã khó khăn nhất của huyện Phú Bình ngỡ ngàng và thán phục.
Với quyết tâm làm giàu bằng mô hình kinh tế trang trại, chàng thanh niên “nhà quê” ấy đã từ bỏ công việc kế toán ở xã. Anh quan niệm, làm việc gì cũng được miễn là thực sự đam mê... Anh Hiệp là 1 trong 3 đoàn viên của huyện được Tỉnh đoàn và Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Người.
Tốt nghiệp hệ trung cấp, chuyên ngành thống kê - kế toán, đầu năm 2004, anh Hiệp được nhận vào làm kế toán của xã Tân Hoà. Cũng thời gian này, anh bắt đầu thực hiện ước mơ làm kinh tế trang trại. Được sự giúp đỡ của gia đình, anh có trong tay 30 triệu đồng. Số tiền này đủ để anh xây 150m tường rào, 84 m2 chuồng lợn và đào được 2 cái ao. Để có vốn, anh vay ngân hàng được 45 triệu đồng. Ban đầu, anh nuôi 70 con lợn bột và 400 con vịt siêu đẻ. Không may, khi vịt đến thời kỳ đẻ trứng thì trên địa bàn huyện xuất hiện dịch cúm A/H5N1. Trứng không bán được phải cho lợn ăn, trong khi hàng ngày vẫn phải mua thức ăn, vì thế, anh đã quyết định thanh lý vịt giống với giá vịt thịt. Lần đó anh lỗ hơn 20 triệu đồng. Buồn nhưng không nản lòng, anh quyết định chuyển đầu tư hoàn toàn sang nuôi lợn. 50 triệu đồng từ sự hỗ trợ lần 2 của gia đình, anh xây tiếp 100m2 chuồng lợn, đồng thời anh vay tiếp Ngân hàng 120 triệu đồng để tăng số đầu lợn bột lên 100 con và 30 con lợn nái.
Nhận thấy chăn nuôi có thể làm giàu nhưng phải đầu tư thời gian, công sức nên anh đã quyết định xin nghỉ công tác tại xã để dành toàn bộ thời gian cho việc phát triển kinh tế trang trại. Khi toàn bộ đàn lợn vừa xuất bán xong thì trên địa bàn xuất hiện dịch bệnh tai xanh. Dù không bị ảnh hưởng từ đợt dịch bệnh ấy nhưng anh đã chuyển hướng sang nuôi gà vì nhận thấy đây là loại vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp với địa hình mà gia đình anh đang có, lại ít gây ô nhiễm môi trường. 2 chuồng lợn anh cải tạo lại thành chuồng gà, đồng thời xây thêm 3 chuồng mới với diện tích 1.000m2. Liều lĩnh và táo bạo, ngay từ lứa gà đầu tiên, anh đã nuôi 4.000 con gà. Nhiều người trong xóm không tin anh sẽ thành công vì khi đó, cả xã chưa ai dám nuôi tới 1 nghìn con gà/lứa. Tuy nhiên, anh lại rất quan tâm, cẩn thận trong việc phòng dịch cũng như đảm bảo các yếu tố về kỹ thuật. Mỗi tháng, anh bỏ ra 1,5 triệu đồng trả lương cho 1 kỹ sư thú y để giúp anh theo dõi tình trạng phát triển của đàn gà. Đến giờ, việc thuê kỹ sư vẫn dược anh duy trì.
Cùng với đó, anh đặc biệt chú trọng đến công tác vệ sinh và phòng bệnh. Mỗi tuần, anh phun thuốc tiêu độc, khử trùng một lần; tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh theo khuyến cáo của cơ quan chức năng. Năm 2009, riêng số tiền mua thuốc phòng bệnh cho đàn gà của anh lên tới 30 triệu đồng. Theo anh, đã chăn nuôi với số lượng lớn thì nhất thiết không được tiếc tiền mua thuốc phòng bệnh, vì nếu dịch bệnh xảy ra, số tiền mất đi sẽ lớn hơn rất nhiều số tiền mua thuốc để phòng. Trung bình mỗi năm, tổng doanh thu trang trại của anh là 1,4 tỷ đồng, trong đó, tiền lãi đạt 200-300 triệu đồng.
Để đạt hiệu quả kinh tế cao, anh Hiệp tính toán rất cẩn thận thời gian đầu vào, đầu ra. Anh chia sẻ: Nếu nuôi gà thương phẩm thì thời gian bắt đầu nuôi hợp lý nhất là từ tháng 3-7 âm lịch. Sau 6 tháng, (tức tháng 9-12 âm lịch) bán là vừa vì thời điểm này vào mùa cưới và Tết Nguyên đán nên sức tiêu thụ của thị trường rất lớn; còn nếu nuôi gà lấy trứng giống thì nên nuôi vào khoảng tháng 1-2 âm lịch. Cũng sau 6 tháng (tầm tháng 7-8) nhu cầu mua trứng giống của các lò ấp là rất lớn để kịp thời cung cấp gà giống cho người chăn nuôi gà thương phẩm bán vào dịp cuối năm. Hiện, trang trại của anh đang nuôi 5 nghìn con gà, trong đó có 3 nghìn gà mái đẻ và 2 nghìn gà hậu bị. Không dừng lại ở quy mô này, anh Hiệp vừa xây thêm 1 chuồng gà rộng 400m2 để nâng quy mô thêm 1-2 nghìn con/lứa. Khi hỏi về kế hoạch trong thời gian tới, Hiệp cười: Mình có rất nhiều dự định cho tương lai nhưng trước mắt là hoàn chỉnh các thủ tục để 20 con kỳ đà và 200 con rắn. Anh hy vọng, 2 loại vật nuôi mới này sẽ mang lại cho anh hiệu quả kinh tế cao, để nhiều người thấy được và làm theo.
Trong khi rất nhiều thanh niên khác phải dời quê hương để đến các địa phương khác làm thuê thì những thanh niên như anh Hiệp biết khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng đất nông nghiệp để làm giàu thật đáng trân trọng và cần được tạo điều kiện để nhân rộng. Ngoài 3 lao động của gia đình, trang trại của anh còn giải quyết việc làm cho 1 lao động thường xuyên và 5 lao động thời vụ (mỗi tháng từ 5-10 buổi), với mức lương bình quân 60-80 nghìn đồng/ngày. Ngoài ra, với vai trò là bí thư chi đoàn từ năm 2004-2006, là uỷ viên Ban chấp hành chi đoàn (hiện nay), anh Hiệp thường chia sẻ cùng các đoàn viên trong chi đoàn kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh; vận động đoàn viên tích cực tham gia sinh hoạt đoàn; gương mẫu tham gia và vận động mọi người đóng góp vào các loại quỹ do cấp trên phát động.
Với những thành tích đạt được trong hoạt động đoàn cũng như trong phát triển kinh tế, liên tục từ năm 2006-2009, Hiệp được Đoàn xã tặng giấy khen và năm 2010, Hiệp được Tỉnh đoàn và Hội Doanh nghiệp nhỏ và tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Người.