Người phụ nữ đi đầu trong các phong trào

09:43, 20/05/2010

Đó là chị Trần Thị Mứt, sinh năm 1957, ở xóm Đồng Hút, xã Tức Tranh (Phú Lương), nhiều năm liền chị tham gia dạy xóa mù chữ cho bà con trong xã; đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được chị giúp đỡ về sách, vở và dạy kèm tại nhà. Năm 2008, chị còn là người đầu tiên trong xã hiến đất và vận động nhân dân cùng tham gia hiến đất để giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến đường Quốc lộ 3 – Phấn Mễ - Tức Tranh.

 

Đến UBND xã Tức Tranh, hỏi thăm gia đình chị Trần Thị Mứt, tôi gặp ngay anh Lại Hồng Đăng, cán bộ văn hóa xã, một trong những học sinh đã từng được cô Mứt dìu dắt. Anh tâm sự: Năm 1991 tôi học hết lớp 2 mà chưa biết mặt chữ. Đúng năm đó cô Mứt được phân công làm giáo viên chủ nhiệm lớp tôi. Sau nhiều lần kiểm tra thấy tôi không biết đọc, biết viết cô đã trao đổi với bố mẹ tôi và đón tôi về nhà để dạy kèm các buổi tối. Được sự động viên, dạy dỗ tận tình của cô, sau 2 tháng tôi đã biết chữ và tiếp tục theo học cùng các bạn ở trường. Anh bảo: Nếu không có sự dìu dắt kiên trì của cô, chắc tôi không được như ngày hôm nay. Tôi rất kính trọng và biết ơn cô. Nói rồi anh cùng tôi đến thăm gia đình chị Mứt.

 

Ấn tượng ban đầu của tôi về chị đó là một người dễ gần. Qua câu chuyện tôi được biết, năm 1993, kinh tế gia đình vô cùng khó khăn vì chồng mất sớm, một mình chị phải lam lũ nuôi 4 con ăn học. Ngoài tham gia giảng dạy ở trường Tiểu học Tức Tranh, chị còn tất bật với mảnh vườn, cấy lúa và chăn nuôi. Mặc dù vậy, chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của người giáo viên. Ngoài ra, chị còn tham gia các lớp xoá mù chữ và sau xoá mù chữ cho bà con trong xã. Chị phối hợp với các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, hội Cựu chiến binh...đến tìm hiểu hoàn cảnh của từng gia đình và thuyết phục cho con em tham gia lớp học. Bước vận động học sinh đến học đã khó khăn, song quá trình dạy lại càng khó hơn. Bởi học sinh đa phần ở các độ tuổi khác nhau và đều là người lớn nên còn phải tham gia làm kinh tế gia đình. Chị nói: "Lúc đó, tôi chỉ có một tâm niệm, đó là làm sao dạy cho họ biết chữ. Vì thế, tôi đã không quản ngại những buổi trưa hè nóng nực hay những buổi tối mùa đông gió lạnh, đội cả trời mưa đến nhà học sinh để dạy chữ. Đêm đêm, trong căn nhà sàn ven sườn đồi, bên ánh đèn dầu leo lắt, tiếng đánh vần chưa sõi của học viên càng thôi thúc tôi phải cố gắng nhiều hơn để đem cái chữ đến với đồng bào nghèo". Không phụ công của giáo viên, lớp học xoá mù chữ của chị ngày càng có đông học sinh đến theo học. Từ năm 1991 đến n ăm 1995 chị vận động và dạy xong 169 học viên xoá mù chữ, từ năm 1996 đến năm  2000 chị vận động được 68 học viên học xoá mù chữ và 123 học viên sau xoá mù chữ. Nhờ những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, chị  đã được nhận nhiều Bằng khen của các cấp, các ngành; năm 2001, chị được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục; Bằng khen của Uỷ ban Quốc gia chống nạn mù chữ vì đã có thành tích 10 năm thực hiện công tác Phổ cập giáo dục Tiểu học và chống mù chữ giai đoạn 1990 - 2000; 02 Bằng khen của Bộ Giáo dục - Đào tạo vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện công tác xóa mù chữ và hạn chế trẻ em bỏ học giai đoạn 1991 - 2004, danh hiệu “Giáo viên xuất sắc toàn ngành”. Nhiều năm liền chị đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.

 

Năm 2008, bố mẹ lâm bệnh nặng, chị đã xin về nghỉ hưu trước thời hạn để có thời gian chăm sóc các cụ và tham gia sinh hoạt ở Hội Cựu giáo chức  huyện, xã. Vừa tham gia sinh hoạt ở địa phương, chị vừa tiếp tục công việc yêu thích của mình, đó là nhận dạy tại nhà những trẻ em nghèo, trẻ em tàn tật...chưa biết chữ không lấy tiền công.

 

Cũng vào thời điểm này, huyện Phú Lương có chủ trương mở rộng tuyến Quốc lộ 3 - Phấn Mễ - Tức Tranh, là một đảng viên chị xác định mình phải luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động để bà con noi theo; phải đặt lợi ích chung lên trước lợi ích riêng. Chị là người đầu tiên trong xã  tự nguyện đăng ký hiến 633m2 đất để làm đường. Chị tự tay chặt hơn 400 cây keo đã được 5 tuổi và 2 chục cây bạch đàn để giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, chị còn đến từng nhà vận động bà con trong xóm hiểu được lợi ích khi có con đường. Nhờ đó, bà con trong xóm đều đồng tình ủng hộ và tham gia phong trào hiến đất làm đường. Hiện nay, tuyến đường trên đã được trải nhựa phẳng phiu, thuận tiện cho việc đi lại phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Chia tay chúng tôi chị bảo: Những việc làm của tôi là rất nhỏ bé so với những điều Bác Hồ kính yêu đã dạy. Tôi thấy mình còn phải tiếp tục học và làm theo tấm gương đạo đức của Người để vận động bà con cùng xây dựng một cuộc sống ngày càng nhân ái hơn, tốt đẹp hơn!