Công ty Gang thép Thái Nguyên (nay là Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên) đã vinh dự được 3 lần Bác Hồ về thăm. Đó là ngày 8/6/1959, Bác về thăm Công ty đang trong thời kỳ xây dựng, lúc đó Công ty còn đang ngổn ngang như một công trường. Ngày 13/3/1960, Bác về thăm Khu gang thép lần 2. Ngày 1/1/1964, Bác về thăm Gang thép lần 3 để chứng kiến gang ra lò.
Mỗi lần về thăm, Bác đều có lời căn dặn đội ngũ cán bộ, công nhân (CBCN) Công ty như: phải đoàn kết, chăm lo xây dựng đội ngũ, xây dựng chủ nghĩa xã hội; cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải đầu tàu gương mẫu để làm ra nhiều gang thép cho Tổ quốc...Cũng sau mỗi chuyến lên thăm, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (CTCPGTTN) như được tiếp thêm sức mạnh, mọi người phấn chấn làm việc quên mình, thực hiện tốt những lời Bác dặn và mong Bác lại đến để được báo công dâng Bác thật nhiều.
Trong tập Hồi ký về Bác Hồ với Khu Gang thép, trong chuyến thăm Công ty lần thứ 3, tôi đặc biệt lưu tâm đến chi tiết: trước khi đến Công ty chứng kiến gang ra lò, Bác đã đề nghị Công ty báo cáo tình hình hình mọi mặt của đơn vị. Bên cạnh việc yêu cầu Công ty báo cáo về tình hình SXKD, Bác vẫn không quên quan tâm đến cả đời sống của công nhân; mối quan hệ giữa những cán bộ chuyên gia với công nhân của ta; giữa cán bộ ta với công nhân. Những bút tích ấy vẫn còn được lưu giữ với nội dung như thế này:
“Gang thép Th. Nguyên; Số đ.c chuyên za; Số c.b kỹ thuật – Số c.b khác. Số công nhân trai, gái. Anh hùng lao động- Chiến sĩ thi đua. Quân nhân chuyển ngành. Đội lao động xhcn; lương cao nhất, thấp nhất, trung bình; Tăng za tự túc. Đảng viên- Đoàn viên. Phong trào thi đua- ưu điểm-khuyết điểm. Ngày tháng bắt đầu xây dựng. Quan hệ giữa chuyên za và cbộ và công nhân. Q.hệ zữa cbộ với nhau và với cg nhân”. Qua những trang Hồi ký, tôi còn được biết thêm, vào đúng ngày 1-1-1964, Bác đến thăm CTCPGTTN, trước khi vào lò cao chứng kiến mẻ gang ra lò, Bác còn đi vào khu chuyên gia trước bằng lối cửa sau và đi xem bếp nấu cho chuyên gia xem bữa ăn của họ ra sao, rồi mới ra trò chuyện hỏi thăm họ.
Thế mới biết, Bác dù bận “trăm công ngàn việc”, nhưng vẫn luôn quan tâm đến cả đời sống thường ngày của người công nhân. Như hiểu được tâm nguyện của Bác, từ đó đến nay, bên cạnh việc quan tâm đến SXKD, Công đoàn CTCPGTTN đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống cho đoàn viên công đoàn. Những phong trào thi đua như: xây dựng nhà máy theo tiêu chí “Nhà máy- công viên”, phong trào “luyện tay nghề, rèn tác phong, sống đẹp, sống tình nghĩa trong công chức lao động” , “Phong trào xanh-sạch-đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”..... cũng đều hướng vào mục tiêu trên. Anh Phan Văn Thái, Chủ tịch Công đoàn Công ty tâm sự: Do đặc thù công việc của Công ty là, người lao động thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại, nóng, bụi, ồn. Vì vậy, Công đoàn đã thường xuyên phối hợp với chuyên môn quan tâm chăm lo đời sống cho người lao động để đảm bảo sức khoẻ cho họ làm việc. Vì “con người chính là động lực, tài sản để phát triển”. Do vậy, hàng năm, Công ty đều tổ chức Đại hội công nhân viên chức và xây dựng thoả ước lao động; tổ chức tốt hoạt động giám sát về thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước và theo thoả ước lao động. Mặc dù có những lúc còn khó khăn, đội ngũ đoàn viên công đoàn đông ( đến thời điểm này là có 9.200 cán bộ, đoàn viên công đoàn), nhưng các đơn vị trong Công ty đã có nhiều cố gắng cải thiện điều kiện làm việc, tạo công ăn, việc làm ổn định cho đoàn viên công đoàn.
Từ năm 2008 đến nay, duy trì ở mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Nhằm cải thiện đời sống tinh thần cho người lao động, ở nhiều đơn vị đã xây dựng được nhà thi đấu thể thao, nhà ăn ca có hệ thống điều hoà, bàn ghế sạch sẽ, suất ăn được cải thiện; nhà tắm công cộng có tắm nóng, lạnh; hệ thống loa truyền thanh; tạo cảnh quan môi trường khu vực quanh nhà máy xanh-sạch-đẹp. Trong đó, Nhà máy Cán thép Lưu Xá là đơn vị đầu tiên của CTCPGTTN và là một trong 3 đơn vị trong Ngành Thép cả nước được Công đoàn Tổng Công ty Thép Việt Nam suy tôn đơn vị đạt danh hiệu “Nhà máy- Công viên”. Đối với công nhân viên chức (CNVC) có hoàn cảnh khó khăn luôn được quan tâm chăm lo, hỗ trợ bằng mọi cách.
Hàng năm, Công đoàn tổ chức xây dựng “Nhà mái ấm công đoàn” cho những gia đình quá khó khăn. Riêng trong 2 năm (2008-2009) đã xây dựng được 6 nhà, mỗi nhà trị giá 30 triệu đồng. Những CNVC khi ốm đau được hỗ trợ 500 nghìn đồng (Tết Nguyên đán 2010, Công ty đã chi 150 suất quà hỗ trợ). Những CNVC bị bệnh nghề nghiệp được đi nghỉ dưỡng ở các khu nghỉ mát trong nước (chưa kể các nhà máy còn tự tổ chức cho CBCN-LĐ đi nghỉ mát hàng năm). Ngoài ra, các cháu học sinh giỏi từ cấp huyện, thành trở lên Công đoàn đều tổ chức gặp mặt hàng năm để động viên khen thưởng (bình quân mỗi năm có 400 cháu, với số tiền thưởng trên 10 triệu đồng). Tính ra, Công ty chi trên 10 tỷ đồng/năm cho các hoạt động thăm hỏi, nghỉ mát, gặp mặt, hỗ trợ CNVC khó khăn). Ngoài ra, Công ty còn tổ chức gặp mặt, tôn vinh khen thưởng những CNVC-LĐ tiêu biểu. Từ đó, đã làm cho CNVC tích cực lao động sản xuất, ngày càng gắn bó với Công ty và coi Công ty là “mái ấm gia đình thứ hai” của mình.
Những kết quả hôm nay là những cố gắng nỗ lực của Công đoàn Công ty đã phát huy vai trò, nhiệm vụ của mình chăm lo cho đội ngũ CNVC có một cuộc sống tốt đẹp. Đây cũng là mục tiêu Công ty luôn duy trì và phấn đấu để thực hiện theo tâm nguyện của Bác.