Xây dựng, vun đắp các giá trị đạo đức của chủ nghĩa xã hội

08:13, 18/05/2010

Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là thể hiện sự biết ơn và ngưỡng vọng vô hạn của toàn Đảng, toàn dân ta đối với tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác; làm cho mọi người nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản, giá trị to lớn của tư tưởng và tấm gương đạo đức mà Người để lại cho hôm nay và muôn đời sau.

 

Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc  phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Bí thư Tỉnh uy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động về kết quả sau 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

 

PV: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động: Yêu cầu đặt ra cho Cuộc vận động là tổ chức nghiên cứu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác phải bằng ý thức tự giác, cầu thị của người học, có sự đôn đốc, kiểm tra của tổ chức và sự theo dõi, giám sát của nhân dân, tạo được tính sâu rộng, thiết thực, hiệu quả. Vậy sau 3 năm thực hiện Cuộc vận động, theo đồng chí những yêu cầu trên đã đạt được ở mức độ nào?

 

Đ/c Nguyễn Văn Vượng: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là học tập và làm theo tấm gương của một vĩ nhân, một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một người cộng sản chân chính, đồng thời cũng là tấm gương đạo đức của một con người bình dị, gần gũi, ai cũng có thể học tập, noi theo để trở thành một người cách mạng, người công dân tốt trong xã hội. Đó là tấm gương trọn đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phong giai cấp, giải phóng con người, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Xác định rõ yêu cầu của Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị về thực hiện Cuộc vận động, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; kiện toàn, phân công nhiệm vụ cho các thành viên của Ban chỉ đạo. Đồng thời hướng dẫn các đảng bộ trực thuộc triển khai, tổ chức lễ phát động thực hiện trong toàn Đảng bộ tỉnh. Ban chỉ đạo cấp tỉnh tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát, cũng như chỉ đạo các đảng bộ thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở các cấp.

 

Hằng năm, đều tiến hành tổ chức sơ kết thực hiện Cuộc vận động vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng (3/2), kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5). Có thể khẳng định sau 3 năm thực hiện Cuộc vận động, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã được nâng lên. Cùng với việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đã đạt được kết quả bước đầu đáng mừng. Cụ thể là tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên được nâng lên. Công tác cải cách hành chính ở các đơn vị được quan tâm. Thông qua thực hiện Cuộc vận động, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc cùng chính quyền thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cụ thể, năm 2009 với chủ trương của tỉnh là lấy phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó giao thông là khâu đột phá trong phát triển kinh tế đã được cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh đồng thuận cao. Do vậy, công tác giải phóng mặt bằng và phong trào hiến đất làm đường giao thông đã được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình. Có những tấm gương cựu chiến binh hiến hơn 1 nghìn m2 đất để làm đường; những hũ gạo của các tổ hội phụ nữ tiết kiệm để ủng hộ người nghèo….Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được các cơ quan, đơn vị quan tâm. Nhiều đơn vị đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, giảm chi phí trong sản xuất, triệt để thực hành tiết kiệm, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất. Tiêu biểu như Công đoàn Công ty than Khanh Hòa có 44 sáng kiến với giá trị làm lợi trên 3.743 triệu đồng; Công đoàn Điện lực Thái Nguyên đã có 31 sáng kiến làm lợi trên 560 triệu đồng… Cuộc vận động đã có sự lan tỏa sâu rộng, trở thành động lực để mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân phấn đấu làm theo. Tuy đã xuất hiện những tấm gương làm theo đạo đức Hồ Chí Minh ở hầu hết các địa phương, nhưng vẫn chưa nhiều.

 

PV: Như nhận xét của đồng chí, thì những tấm gương làm theo đạo đức của Bác Hồ còn chưa nhiều. Vậy những hạn chế nào theo đồng chí cần phải nhanh chóng khắc phục trong thời gian tới?

 

Đ/c Nguyễn Văn Vượng: Qua việc kiểm tra, giám sát của Ban chỉ đạo cấp tỉnh và các đảng bộ cho thấy một số chi, đảng bộ cơ sở triển khai nội dung Cuộc vận động chưa đúng theo yêu cầu, kế hoạch đề ra; cá biệt còn đảng bộ cơ sở mới chỉ dừng lại ở việc tổ chức cho cán bộ, đảng viên học tập mà chưa có hình thức tuyên truyền sâu rộng đến hội viên, đoàn viên và nhân dân. Vì thế việc triển khai còn mang tính hình thức. Một số thành viên ban chỉ đạo chưa nắm chắc tình hình thực hiện Cuộc vận động tại đơn vị mình phụ trách. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền các tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện Cuộc vận động chưa được ban chỉ đạo các cấp quan tâm; một số cơ sở chưa gắn chặt chẽ nội dung Cuộc vận động với các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Để khắc phục những tồn tại nêu trên, tôi đề nghị cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu cần thường xuyên quan tâm và gương mẫu trong thực hiện Cuộc vận động. Các địa phương, đơn vị phải chủ động gắn việc thực hiện Cuộc vận động với các mục tiêu, nhiệm vụ của mình. Việc tổ chức thực hiện phải được cụ thể hóa trong xây dựng nội quy, quy chế làm việc, tiêu chuẩn đaọ đức lối sống, kế hoạch, việc làm cụ thể của mỗi cá nhân, tổ chức, cơ quan. Mặt khác, các ban chỉ đạo cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Cuộc vận động, nhất là đối với cơ sở để kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt, cũng như có biện phap uốn nắn, phê bình những tập thể, cá nhân làm chưa tốt hoặc triển khai một cách hình thức. Bên cạnh việc nêu gương tốt, các cơ quan thông tấn báo chí cũng cần tiếp tục chỉ ra những tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt Cuộc vận động.

 

PV: Chuyên đề của Cuộc vận động trong năm 2010 là “Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh”, vậy theo đồng chí những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm nay là gì?

 

Đ/c Nguyễn Văn Vượng: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Người đã nêu 23 điểm thuộc về “tư cách của người cách mạng”, trong đó chủ yếu là tiêu chuẩn về đạo đức, thể hiện chủ yếu trong 3 mối quan hệ: với mình, với người và với việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, Đảng phải “là đạo đức, là văn minh”. Tư tưởng đó đặc biệt được mở rộng trong lĩnh vực đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là khi Đảng đã trở thành đảng cầm quyền. Trong bản Di chúc bất hủ, Người căn dặn “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đại đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

 

Để tiếp tục đưa Cuộc vận động đi vào chiều sâu, các đơn vị tiếp tục tổ chức tuyên truyền về Cuộc vận động; chỉ đạo và tổ chức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên học tập, nghiên cứu chuyên đề Cuộc vận động. Đồng thời xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tấm gương của Bác; ban hành kế hoạch làm theo của cơ quan, đơn vị mình gắn với nội dung Cuộc vận động của từng năm. Đưa nội dung học tập, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên vào nội dung sinh hoạt định kỳ; lấy kết quả rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm thước đo để bình xét thi đua cuối năm. Mỗi tập thể, cá nhân qua học tập, rèn luyện cần thẳng thắn nhìn nhận rõ và kiên quyết khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm; phát huy thành tích, ưu điểm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó đặc biệt chú trọng cơ chế quản lý, giám sát của tổ chức đảng, đoàn thể và nhân dân với việc tu dưỡng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ chủ chốt các cấp. Kiểm tra thực hiện Cuộc vận động cũng tập trung vào công việc cụ thể cua từng tập thể, cá nhân. Gắn thực hiện Cuộc vận động với tổ chức đại hội Đảng các cấp.

 

Cùng với đó là đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng đơn vị. Làm sao để qua việc học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức của Bác mà tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh; nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; xây dựng vun đắp các giá trị đạo đức của chủ nghĩa xã hội; xây dựng con người Việt Nam có nhân cách cao đẹp, bản lĩnh vững vàng, trí tuệ vươn cao, góp phần xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, là đạo đức, là văn minh, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội; đưa đất nước ta vững bước trên con đường CNH-HĐH.

 

Xin cảm ơn đồng chí!