Bài học từ vị Cha già

15:10, 20/06/2010

Mới đến đầu xóm Khe Mo 2, xã Khe Mo (Đồng Hỷ) chúng tôi đã nghe tiếng nói của phát thanh viên nam trầm ấm, đĩnh đạc. Càng ngạc nhiên hơn là ở một xóm vùng sâu, vùng xa mà tự làm được chương trình tuyên truyền bản bản như vậy. Hỏi người dân ở đầu xã mới biết chương trình này có được do bác Trần Tường Giang, Phó Bí thư Chi bộ đứng ra tổ chức được gần 10 năm nay và mang lại hiệu quả rất lớn.  

 

Ý tưởng thành lập Đài

 

Năm 1972, sau khi bị sức ép của bom Mỹ, bác Trần Tường Giang về nghỉ hưởng chế độ bệnh binh. Về xã Khe Mo, bác được nhân dân tín nhiệm bầu làm nhiều chức danh như: tổ trưởng tổ Đảng, Chi hội trưởng cựu chiến binh, Trưởng ban công tác Mặt trận và đến năm 2001 làm Bí thư Chi bộ. Trong quá trình làm ở xóm, bác nhận thấy trình độ dân trí của nhân dân rất thấp, nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước chậm đến với nhân dân. Cũng do thiếu các tài liệu, mặt khác hệ thống thông tin, tuyên truyền hạn chế, không phải nhà nào cũng có điều kiện mua tivi để xem. Vì thế, năm 2001, bác Giang với vai trò là Bí thư Chi bộ đã đưa ý tưởng mua cụm loa truyền thanh về lắp để tiếp âm chương trình của Đài Truyền thanh huyện, tỉnh, Đài Tiếng nói Việt Nam cho nhân dân nghe ra cuộc họp chi bộ. Thế nhưng, để có người làm phải thành lập được bộ máy thế là bác lại đề nghị và thành lập Đài truyền thanh của xóm do cấp uỷ, chính quyền, đại diện các tổ chức đoàn thể của xóm là thành viên. í tưởng trên đã được các đảng viên trong toàn chi bộ đồng tình cao và trở thành nghị quyết để triển khai thực hiện. Khi đưa chủ trương trên xuống nhân dân, các hộ đều ủng hộ, đóng góp nhiệt tình. Vì thế, ngay sau đó cụm loa với trị giá 1,7 triệu đồng đã được lắp ở điểm cao nhất của xóm để toàn dân nghe. Lúc đầu Đài chỉ tiếp âm Đài truyền thanh của huyện, tỉnh và Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau khi làm 1 một thời gian, bác Giang nhận thấy phải đưa những thông tin của xóm đã làm được lên cho nhân dân nghe. Thế là, Tổ biên tập được thành lập. Với vai trò là bí thư chi bộ, bác đảm nhiệm luôn cương vị tổ trưởng tổ biên tập. Bác kể: Mình là bí thư chi bộ, hằng tuần, các đoàn thể đều đến báo cáo công việc với mình. Vì thế, mình tập hợp lại thành bản tin của từng đoàn thể để thông tin cho nhân dân biết. Dân từ đó có thể kiểm tra cán bộ mà họ tín nhiệm bầu ra đã làm việc như thế nào?. Thế là một việc được hai, vừa nắm được tình hình các đoàn thể triển khai, vừa có thể cập nhật những thông tin nhanh nhất tới người dân.

 

Nội dung, chương trình khoa học, hấp dẫn

 

Chúng tôi rất cảm phục khi lật giở từng cuốn vở mà bác Giang với vai trò là Tổ trưởng biên tập xây dựng. Từ chương trình đầu tiên của Đài xóm phát vào 18h ngày 20-10-2001 đến nay được viết cẩn thận. Mở đầu chương trình bao giờ cũng là điểm lại công tác sản xuất, rồi đến tình hình an ninh trật tự, các hoạt động của đoàn thể trong xóm; mục phổ biến kiến thức gồm cách phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho trẻ nhỏ, người cao tuổi; mục phổ biến giáo dục pháp luật là đọc các Luật, cũng như những văn bản pháp luật mới liên quan trực tiếp đến người dân. Điểm lại, mỗi tuần một tối đến nay Đài đã thực hiện trên 480 chương trình, mỗi chương trình là hàng chục bản tin. Chưa kể những thông báo mang tính đột xuất như: Triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa; thông báo về tình hình và cách phòng chống bệnh trên hoa màu; cách phòng, chống dịch bệnh khi vào mùa nóng, mùa đông…. do Tổ tự biên tập từ sách, báo hoặc tài liệu do xã, huyện triển khai về xóm…Như đã nói ở trên, các trưởng ngành, đoàn thể của xóm báo cáo hoạt động trong tuần, tháng bằng văn bản, bác Giang biên tập lại thành tin hoạt động. Để có 1 chương trình phát trong thời lượng 15 phút, bác Giang mất cả buổi sáng, thậm chí cả một ngày để viết, biên tập lại. Đọc những tin, bài mà bác viết, biên tập chúng tôi càng ngạc nhiên hơn, bởi cách hành văn, bố cục rất tốt. Bác bảo: Thực ra mình đâu có chuyên môn, cách viết tin, bài đều học từ các báo cả. Còn phát thanh viên, có 3 người đó là chị Phan Thị Phượng, Đoàn Ngọc Yên và Dương Thị Thuỷ đều là người của xóm. Hôm nào cả 3 người bận, thì Tổ trưởng biên tập Trần Tường Giang kiêm luôn vai trò phát thanh viên. Hệ thống loa truyền thanh được mắc ngay sau nhà bác Giang. Còn micro để phát thanh viên đọc thì để ở 1 phòng khách của nhà bác.

 

Hiệu ứng xã hội

 

Việc phát sóng của Đài vào lúc nào cũng là cả một bài toán. Lúc đầu chương trình được phát vào 18h tối chủ nhật hàng tuần. Sau, nhận thấy đây là thời điểm nhiều nhà đang bận nấu cơm ăn tối nên bác chuyển sang phát vào lúc 18h45 phút tối chủ nhật hằng tuần. Theo bác Giang thì lúc này chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam vừa hết, mà chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam chưa tới. Sau mỗi lần thay đổi, bác đều đi khảo sát thực tế các hộ trong xóm xem có nghe chương trình không? Khi đi thực tế một số hộ cho biết họ không biết tin đọc lúc nào. Nghĩ cũng thấy bực mình, nhưng nghiên cứu kỹ thì thấy kinh tế phát triển, nhiều hộ xây dựng nhà cấp 3, tối đến là đóng cửa ở trong nhà xem tivi. Vì thế, Tổ biên tập quyết định chuyển chương trình sang đọc vào 14h chiều. Giờ này, các hộ dân đều đi làm đồng, vì thế họ nghe rõ hơn. Nhưng sau nhiều lần Trên 480 chương trình phát thanh trong gần 10 năm qua gắn với bao kỷ niệm vui buồn, nhưng vui có lẽ nhiều hơn.