Từ vùng đất trù phú và đầy sức sống, theo tiếng gọi của Đảng, họ đã tình nguyện ngược núi lên khai hoang phát rừng để xây dựng vùng kinh tế mới. Qua gian truân vất vả, đói nghèo, động lực duy nhất là niềm tin với Đảng, họ đã xây nên một vùng quê mới. Họ là những người dân hiện đang sống ở xóm Tân Thành, xã Thành Công (Phổ Yên).
Lên non vì phục tùng sự lãnh đạo của Đảng
Không hẹn trước, chúng tôi đến xóm Tân Thành vào một chiều tháng 6 chang chang nắng. Đứng dưới chân núi nhìn con đường đất hun hút dựng đứng, một phóng viên Đài truyền thanh – truyền hình huyện quay sang tôi hỏi: - Liệu có đi được không chị? – Cứ đi thử sẽ biết! Tôi đáp dứt khoát và thế là chúng tôi nổ máy, vào số, nắm chặt tay lái, tôi bắt đầu cho xe chạy. Chiếc xe gầm gừ ì ạch leo lên từng ngọn núi, bởi toàn đi số 1, nên được một đoạn thì hơi nóng bắt đầu bốc ra từ động cơ xe làm chân tôi ran rát. Cho xe nghỉ một lúc, chúng tôi lại tiếp tục hành trình, sau gần 1 giờ đồng hồ, cuối cùng chúng tôi cũng lên được nơi cần đến.
Xóm Tân Thành nằm chon von trên đỉnh các ngọn núi Ao Lai, Cỏ Tranh, Kẹn, xóm chia thành 3 nhánh: Động 1, Động 2 và Kẹn. Ông Ngô Thượng Chiến, Trưởng xóm cho biết: Tân Thành là tên ghép của 2 địa danh Tân Phú và Thành Công. Ngày 4/3/1983 được coi là ngày thành lập xóm bởi vào đúng ngày này, 49 hộ dân xã Tân Phú đã cùng vượt núi lên định cư ở đây theo tiếng gọi của Đảng đi khai phá vùng kinh tế mới. Đều là những người quen sống ở vùng đất bằng, lúc mới lên, leo dốc nhiều gối muốn chùn xuống, nhiều lúc tưởng chừng không đi nổi, nhưng đi miết rồi thành quen.
Ông Ngô Quách Giảng, 69 tuổi là một trong những người đầu tiên lên đây xây dựng xóm, ông tâm sự: Ngày 4/3/1983, tôi cùng bà con lên đây có mang theo lương thực dự trữ để dùng trong thời gian chờ mùa màng thu hoạch. Nhưng do địa hình hiểm trở, đất đai cằn cỗi, đến mùa thu hoạch cũng chẳng được là bao. Đất đai vỡ được đa số chúng tôi trồng sắn, tra lúa cạn, nhưng do thiếu nước, nên cây trồng nào cũng khó sống, gia đình lâm vào cảnh đói ăn. Các hộ khác cũng không hơn gì, mùa màng thất bát, đời sống của bà con ở đây rơi vào thiếu đói triền miên, nhiều người không chịu nổi đã rời núi đi nơi khác. Trong số 49 hộ lên ban đầu, sau chỉ còn 30 hộ bám trụ lại, trong đó có gia đình tôi. Thật mừng là vẫn còn nhiều người sẵn sàng phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, hộ này đi, các hộ khác lại đến, cộng thêm phát triển thêm dân cư, đến năm 2000 xóm có khoảng 100 hộ và con số này ổn định đến hôm nay. Hiện xóm có 108 hộ với 345 nhân khẩu đa phần là dân tộc Kinh, một số ít hộ là dân tộc Tày.
Vươn lên từ những số không
Mới lên, Tân Thành không điện, không đường, không có trường học, chỉ toàn hun hút rừng sâu. Ông Ngô Thượng Trương cho biết: Năm 1990, tôi lên đây theo tiếng gọi của Đảng, lúc này kinh tế ở đây vẫn quẩn quanh với cây sắn, cây lúa cạn. Đời sống của bà con vô cùng khó khăn, gia đình tôi ngoài trồng sắn, tra lúa, hằng ngày tôi thường vào rừng đốn củi gánh xuống huyện bán lấy tiền đong gạo, vất vả quanh năm vẫn đói ăn. Liên tiếp những vụ mùa mất trắng, chúng tôi nhận ra không thể cấy lúa, trồng khoai ở đây, phải tìm ra cây trồng phù hợp với núi non này. Với phát hiện chè là loại cây mũi nhọn của các vùng đồi núi Thái Nguyên, những diện tích khai phá được chúng tôi chuyển hết sang trồng chè. Nhà tôi vỡ được trên 5 sào, tôi trồng chè cả 5 sào. Đều đặn mỗi năm hái 7 lứa chè, mỗi lứa thu được 15kg chè búp khô cho thu nhập khoảng 35 triệu đồng/năm. Dần dần kinh tế ổn định, chúng tôi hoàn toàn yên tâm với mô hình phát triển cây chè. Cùng với chè, năm 2004 tôi còn tham gia trồng 2ha rừng keo và bạch đàn. Đến nay, rừng của gia đình đã chuẩn bị cho thu hoạch, có thể kinh tế gia đình tôi sẽ có bước ngoặt khi khai thác diện tích rừng này.
Hiện nay, toàn xóm có 53ha chè, 270ha rừng, với mô hình phát triển kinh tế đồi rừng này, đời sống của bà con nhân dân ở đây đã có sự phát triển nhanh chóng. Từ chỗ 100% hộ thiếu ăn, năm 2008 xóm còn 50% hộ nghèo và đến nay xóm chỉ còn 36/108 hộ nghèo, chiếm khoảng 38%. Kinh tế ổn định, bà con gắn bó hơn với núi non, quan tâm xây dựng xóm về mọi mặt. Con đường mòn lên xóm hàng chục cây số xưa kia chỉ có thể đi bộ, mỗi khi có hộ dựng nhà, bà con phải vác nguyên vật liệu đi bộ leo cả buổi mới lên được xóm. Năm 1991, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cùng với bà con nhân dân bỏ công sức đào núi mở đường đi, từ đó đường lên xóm đã có thể đi bằng xe máy. Do đất dốc, sau mỗi trận mưa lại bị xói mòn nên để có thể giữ được đường, năm nào bà con cũng phải bỏ tiền của, công sức để tu sửa lại. Đặc biệt, năm 2009, các hộ dân trong xóm đã đóng góp 67,5 triệu đồng để thuê máy móc mở rộng thêm con đường chính lên xóm. Ngoài việc mở đường bà con còn đóng góp tiền của kéo đường điện. Năm 2002, với cơ chế đối ứng của Nhà nước, bà con đã đóng góp mỗi hộ 280 nghìn đồng để kéo đường điện. Có điện, có đường, đời sống của bà con cũng bớt phần cơ cực, kinh tế cũng vì thế mà càng phát triển hơn.
Đi khắp 3 nhánh của xóm, đâu đâu cũng một màu xanh của chè, rừng. Trong chiều tà, ánh nắng từ phía chân núi hắt ngược lên điểm tô thêm vào bức tranh núi non một sức sống mãnh liệt như ý chí của những người dân nơi đây không sợ khó, không sợ khổ, họ chỉ có một suy nghĩ là phục tùng sự lãnh đạo của Đảng. Bằng niềm tin tuyệt đối với Đảng, họ đã vươn lên xây dựng nên một miền quê mới trù phú, đầy sức sống từ những con số không.