Sự lựa chọn của người dân Đồng Hỷ

08:43, 17/06/2010

Đầu năm 2008, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ bắt đầu triển khai thí điểm chương trình sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP.  Sản phẩm chè an toàn được bảo hộ về giá trị cũng như chất lượng đã thôi thúc người làm chè Đồng Hỷ tự giác thực hiện. Hiện nay, nhiều hộ làm chè ở Đồng Hỷ đang rất muốn được tham gia và chứng nhận quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP). 

 

Khó nhưng làm là được

 

Vùng chè Trại Cài nổi tiếng (thuộc địa phận xã Minh Lập và Hòa Bình) được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ chọn là địa bàn triển khai thí điểm chương trình sản xuất chè theo hướng GAP từ đầu năm 2008. Ông Phạm Hùng Vinh, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Hương Trà, xã Minh Lập cho hay: HTX có 10 hộ tham gia mô hình sản xuất chè VietGAP với quy mô 8ha. Sau khi các hộ làm đơn xin tham gia chương trình, cán bộ của Sở Nông nghiệp và PTNT đã trực tiếp về địa bàn kiểm tra, xác định các tiêu chuẩn đảm bảo mới xây dựng mô hình. Ngoài các tiêu chí về mẫu nước, mẫu đất, vị trí các bãi chè, người nông dân phải qua lớp tập huấn về quy trình sản xuất mới.

 

Theo ông Vinh, qua hơn 1 năm thực hiện mô hình, ưu điểm của làm chè VietGAP là bảo vệ được sức khoẻ của người nông dân, bảo vệ được đất đai, đồi bãi. Với tập quán canh tác cũ, người làm chè chưa bao giờ biết sử dụng phân hữu cơ để chăm sóc chè. Trong khi đó, việc phun thuốc BVTV cũng như bón phân vô cơ được thực hiện theo định  kỳ với liều lượng vô tội vạ. Các loại phân hóa học được lựa chọn phải giúp cho chè càng lớn nhanh càng tốtt. Thuốc BVTV thì phun đến bao giờ hết sâu mới thôi, loại này không diệt trừ được sâu bệnh thì dùng loại khác, thậm chí phun cùng lúc 2, 3 loại thuốc bảo vệ thực vật. Cách làm mới yêu cầu người dân phải thực hiện theo đúng quy trình, diễn biến thực tế sinh trưởng cũng như tình hình sâu bệnh hại trên cây chè. Thuốc BVTV phải sử dụng đúng danh mục loại thuốc dùng cho chè. Ngoài ra, người nông dân còn phải ghi chép nhật ký công việc hàng ngày, qua đó đối chứng, so sánh để tiến hành các công đoạn làm chè theo đúng quy trình.

 

Với nhiều cố gắng, HTX Hương Trà đã được Sở Nông nghiệp và PTNT cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất chè an toàn. Theo chúng tôi, có được điều đó, không chỉ người nông dân phải thay đổi toàn bộ cách nghĩ, cách làm mà còn phải chấp nhận đầu tư mua sắm, thay đổi các lò quay xao vò chè cũ. Bởi lò cũ bằng tôn hoặc sắt tây nên han rỉ gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng chè cũng như sức khoẻ người làm chè và người uống chè. Lò mới bằng inox sẽ khắc phúc được hạn chế đó. Lò mới có ống khói nên chè khô không bị ám khói. Chị Dương Thị Năm, một xã viên nói: Mỗi hộ dân tham gia chương trình còn phải bỏ ra vài triệu đồng để mua nong nia đựng chè. Trước đây chưa học cách sản xuất chè theo hướng VietGAP, người dân chúng tôi cứ hái chè về là đổ xuống đất, xao vò xong cũng cho xuống đất, rất mất vệ sinh. Từ khi làm chè an toàn, ai cũng ý thức phải giữ cho chè thật sạch. So với là chè theo phương thức truyền thống, sản xuất chè an toàn đòi hỏi rất cao, chưa làm thì thấy khó nhưng làm là được.

 

Cần thống nhất quản lý

 

Cuối năm 2008, khi các xã viên của HTX Hương Trà (Minh Lập) được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, Đồng Hỷ tiếp tục nhân rộng mô hình sang HTX Tân Thành (Hoà Bình). Ông Lê Duy Phúc, một xã viên cho biết: HTX  có 20 hộ tham gia làm chè GAP trên diện tích gần 12 ha. Giữa năm 2009, HTX đã được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Chứng nhận đã bảo hộ cho chất lượng và "thương hiệu" chè Trại Cài. Quy trình sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP được thực hiện nghiêm ngặt và triệt để các yêu cầu kỹ thuật. Toàn bộ quy trình trên được giám sát cộng đồng, được quản lý theo dõi bằng sổ sách. Nếu không có sự giám sát và quản lý thì người dân cũng tự giác thực hiện các bước theo quy trình đã được tập huấn. Bởi lẽ, những thương lái mua chè chính là những nhà thẩm định chất lượng khách quan và  vô cùng chính xác. Dư lượng thuốc BVTV cao sẽ bị coi là chè “chạm thuốc”, chè xao quá tay bị kết luận là khê... Mọi khiếm khuyết của sản phẩm có nguyên nhân từ quy trình sản xuất đều không thể qua mắt được thương lái. Nhờ tuân thủ đầy đủ các bước làm chè GAP nên giá chè khô của gia đình ông Phúc cũng như các hộ dân tham gia chương trình lúc nào cũng đạt khá cao. Dịp Tết Nguyên đán Canh Dần, chè được bán ra với giá 180 nghìn đồng/kg. Giá trị thu nhập từ máy sào chè vụ Tết của gia đình ông Phúc cao gấp đôi năm ngoái.

 

Ông Nguyễn Đình Mịch, Chủ nhiệm HTX Tân Thành khẳng định: Khi đã được chứng nhận quy trình sản xuất nông nghiệp tốt tức là sản phẩm chè đã cập chuẩn chung. Điều đó đồng nghĩa với việc giá trị và chất lượng chè thành phẩm được nâng cao. Tuy nhiên, chứng nhận cũng cho phép người tiêu dùng làm rõ nguồn gốc của sản phẩm khi có xung đột. Do vậy, người làm chè an toàn cần phải có trách nhiệm rất cao, tính tự giác tốt thì mới giữ được thương hiệu mà mình đã dày công tạo nên. Khó khăn lắm mới được cấp chứng nhận nhưng chỉ bất cẩn chút ít thôi là mất uy tín ngay.

 

Theo ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Hiện nay, rất nhiều hộ dân trên địa bàn huyện làm đơn xin được sản xuất chè theo quy trình VietGAP. Đó là tín hiệu rất tốt song các cơ quan chức năng cần xem xét để thống nhất quản lý, đảm bảo tính hiệu quả của phương thức sản xuất trên.