Nhắc đến ông Nguyễn Đình Viết, nguyên là y sỹ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi ở xóm Soi, người dân xã Kha Sơn (Phú Bình) đều dành cho ông một tình cảm đặc biệt. Hàng chục năm qua, ông luôn đặt lợi ích của người bệnh lên trên lợi ích của bản thân, đi đầu trong các phong trào nhân đạo, từ thiện ở cơ sở...
Chị Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Bình đưa chúng tôi đến thăm ông Viết vào một buổi trưa cuối tháng 6. Mặc dù đã ở tuổi 77 nhưng trông ông vẫn rất nhanh nhẹn, khuôn mặt phúc hậu, hay nói, hay cười khiến tôi cảm nhận như đang được trò chuyện với người thân. Lúc chúng tôi đến cũng là lúc có người khách lạ trạc tuổi ông vào hỏi thăm nhà người quen. Ông vui vẻ chỉ đường tỷ mỷ. Nhưng rồi, để cho chắc chắn, ông bảo chúng tôi ngồi chờ một lát để ông đưa người khách đó đến địa chỉ cần tìm. Lúc này, chúng tôi có thời gian để quan sát ngôi nhà của ông. Rất nhiều bằng khen, giấy khen và kỷ niệm chương vì sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân và về công tác chữ thập đỏ được ông treo trang trọng, ngay ngắn trên tường. Khoảng 10 phút sau, ông quay về với nụ cười tươi tắn. Ông nói như để chúng tôi thông cảm: Già rồi, trời lại nắng, đi tìm đường vất vả lắm. Đưa người ta đi, mình cũng thấy yên tâm.
Ông kể cho chúng tôi nghe lý do vì sao ông theo nghề thầy thuốc. Lần đó, cậu con trai mới hơn 3 tuổi của ông bị ốm. Ông nhờ người quen làm bác sỹ đến nhà tiêm hộ. Tiêm được 1 lần thì người bạn đó bận đi công tác nên không đến tiêm nữa. Vì thế phải mất một thời gian sau con trai ông mới khỏi bệnh. Lúc này, ông chỉ ước có được những kiến thức về nghề y. Từ đó, ý nghĩ theo đuổi nghề thầy thuốc bắt đầu hình thành trong ông. Năm 1959, mong muốn đó của ông đã thành hiện thực. Ông được người quen giới thiệu vào học Trường Trung cấp Y Hà Nội. 3 năm sau - năm 1962, ông ra trường và được nhận về công tác tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên. Năm 1990, ông nghỉ hưu khi đang là quyền Trưởng phòng Y vụ.
Trở về cùng gia đình, ông chỉ nghĩ đến việc giúp đỡ vợ con cấy, cày. Thỉnh thoảng hàng xóm có người ốm thì ông khám hộ. Rồi, tiếng lành đồn xa, với khả năng chữa được các loại bệnh thông thường như: đau răng, đau chân, ngứa, sốt, phế quản, viêm khớp... nên người bệnh tìm đến với ông ngày một đông. Mỗi lần khám, ông chỉ lấy 1-2 nghìn đồng tiền công. Đối với những người khó khăn, ông khám hộ, trường hợp nghèo quá được ông miễn phí luôn cả tiền thuốc. Bệnh nhân đến giờ nào, ông khám giờ đó. Các con lo ông vất vả nên nhiều lúc khuyên bố "đóng cửa", ông nhẹ nhàng bảo: Người bệnh yêu quý, tìm đến mình đó là cái phúc. Làm phúc là để đức cho các con, cho gia đình. "Lương y phải như từ mẫu", Bác Hồ đã dạy rồi...
Biết bố yêu nghề nên các con luôn tạo điều kiện để ông có thời gian, điều kiện khám, chữa bệnh cho người nghèo. Cậu con trai và cô con gái đang sinh sống ở nước Đức còn gửi biếu ông một số thiết bị y tế để ông có điều kiện khám bệnh tốt hơn. Trung bình mỗi ngày ông khám cho trên 10 bệnh nhân. Quan sát cách ông hỏi han, thăm khám bệnh ân cần, chúng tôi phần nào hiểu được vì sao ông lại được người bệnh yêu quý đến thế.
Bà Nguyễn Thị Sơn, ở xóm Củ, xã Hà Châu cho biết: "Bác ấy chữa bệnh ngứa rất tốt”. Nhiều người bên xã tôi bị ngứa chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi, đến đây, chúng tôi chỉ mất 15-20 nghìn đồng mà khỏi hẳn. Người nghèo chúng tôi thường rất ngại đến các bệnh viện một phần vì sợ tốn tiền. Vì thế mấy năm nay, tôi và người nhà đều đến đây nhờ bác ấy khám hộ. Ông Lương Văn Hợi, ở huyện Tân Yên, Bắc Giang (huyện giáp ranh với Phú Bình) bị ngã thang, rách một mảng chân to cũng nhăn nhó góp chuyện: Lần trước tôi bị sâu răng sang đây được bác ấy chữa khỏi. Lần này tôi lại sang. Bác ấy không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Cứ có bệnh là bác ấy khám, điều trị.
Mới đây, Hội Chữ thập đỏ xã Kha Sơn thành lập chốt sơ cứu nhằm giúp đỡ những người không may bị tai nạn giao thông, ông Viết đã vui vẻ đảm nhận vai trò chốt trưởng. Một vài trường hợp bị tai nạn xảy ra trên địa bàn đều được ông sơ cứu ban đầu, rồi vẫy xe nhờ chở đến bệnh viện. Ông bảo: Nghề y là nghề cứu người, phải luôn coi người bệnh như người nhà, biết "thương người như thể thương thân", đừng để yếu tố vật chất làm ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh... Tất cả những điều đó tôi đều học được từ những lời dạy của Bác Hồ.
Có lẽ, cũng từ những suy nghĩ hết sức nhân văn ấy mà nhiều năm qua, ông Viết luôn tích cực đi đầu trong công tác nhân đạo, khuyến học và các phong trào của địa phương. Hàng năm ông đều dành từ 3-5 triệu đồng đóng góp vào các loại quỹ này. Nói về ông, chị Nguyễn Thị Thanh không giấu được niềm tự hào: Bác Viết là một trong số những hội viên đặc biệt xuất sắc của Hội Chữ thập đỏ huyện, xã. Thành công trong hoạt động của Hội Chữ thập đỏ huyện những năm qua là nhờ có sự đóng góp rất lớn của những hội viên như bác. Nhiều năm liền, bác ấy được nhận những phần thưởng cao quý của các cấp Hội. Đặc biệt, năm 2004, bác đã được Trung ương Hội Chữ thập đỏ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Chữ thập đỏ... Bác Viết thật xứng đáng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lương y như từ mẫu.