Tháng 9/2008, khi Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” Khu vực I tổ chức tại Thái Nguyên, tôi đã được biết đến bác sĩ Đào Minh Nguyệt, Khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên khi chị là 1 trong 3 đại diện của tỉnh tham gia Hội thi này.
Với câu chuyện “Cái áo trấn thủ” Bác tặng cho chiến sĩ Triệu Hồng Thắng năm xưa, qua lời kể truyền cảm và sâu lắng của chị đã làm cho cả hội trường lặng đi trong xúc động trước tình thương yêu bao la của Bác đối với mọi người. Người dân Thái Nguyên như vẫn thấy hình ảnh Bác còn ở đâu đây. Với cách liên hệ tinh tế, chị đã hoà quyện được tình cảm của câu chuyện với những công việc cụ thể và thiết thực liên quan đến công việc hàng ngày của mình – công việc của một “Lương y phải như từ mẫu”. Qua đó, chị đã rút ra cho mình bài học trong tác phong làm việc, đạo đức nghề nghiệp và ứng xử trong công việc, đối với đồng nghiệp, đối với người bệnh…
Được nghe phần dự thi của chị, tôi cứ ấn tượng mãi, chỉ mong một lúc nào đó sẽ được gặp và trò chuyện với người bác sĩ trẻ này. Thật may sau đó, qua một người đồng nghiệp, tôi đã có số điện thoại và liên lạc được với chị. Giữa bộn bề công việc, chị vẫn dành thời gian để trò chuyện với chúng tôi. Hiện nay, chị vừa đi làm, vừa tham gia học Chuyên khoa I về Răng - Hàm - Mặt tại Đại học Y Hà Nội. Điều làm tôi nể phục là bận rộn với công việc chuyên môn, việc học, việc gia đình nhưng chị vẫn thu xếp mọi công việc ổn thoả.
Lần đầu trò chuyện nhưng tôi có cảm giác như đã quen chị từ lâu lắm bởi ở người bác sĩ này luôn toát lên sự thân thiện, gần gũi khiến ai gặp cũng cảm thấy tin tưởng. Có lẽ đây cũng chính là lý do để chị luôn được bệnh nhân yêu mến, đồng nghiệp quý trọng. Chị tâm sự: Mẹ là bác sĩ nha khoa nên ngay từ nhỏ tôi đã rất thích được làm công việc giống mẹ. Chính niềm yêu thích ấy đã giúp tôi luôn cố gắng để thực hiện được ước mơ từ thuở bé. Và mong ước ấy cuối cùng đã thành hiện thực khi tháng 10/2004, chị thi đỗ công chức vào Khoa - Răng - Hàm Mặt của Bệnh viện đa khoa trung ương Thái Nguyên.
Theo chị, mỗi nghề có một cái khó riêng. Công việc này đòi hỏi chuyên môn sâu, áp lực nhiều trong khi mỗi ca phẫu thuật, phẫu thuật viên chính như chị chỉ được hưởng vài chục nghìn đồng. Dù vậy, với niềm say mê công việc, chị vẫn luôn cố gắng khắc phục khó khăn để vươn lên. Với nghề tạo thẩm mỹ cho khuôn mặt, hàm răng cho người bệnh như chị, khó khăn nhất là phải làm cho bệnh nhân yên tâm, không hoang mang, lo sợ. Chính vì thế, với mỗi bệnh nhân, chị không chỉ là một bác sĩ chữa bệnh mà còn là người tư vấn tâm lý. 30 tuổi đời, gần 6 năm tuổi nghề, chị đã điều trị cho rất nhiều bệnh nhân nhưng với chị, ca bệnh khó là những trường hợp phẫu thuật răng khôn số 8 mọc lệch. Vị trí của răng khó nên để phẫu thuật đạt kết quả tốt, chị phải làm việc liên tục trong 2, 3 tiếng đồng hồ, có khi phải mời thêm người làm giúp. Từ thực tế này, chị đã thực hiện Đề tài về răng khôn số 8 mọc lệch. Qua đề tài đã đưa ra những giải pháp xử lý trường hợp răng số 8 mọc lệch một cách hữu hiệu, giúp giảm đau đớn cho bệnh nhân...
Khi chúng tôi hỏi, trong thời gian công tác, có kỷ niệm nào chị nhớ nhất. Chị cười rất tươi và nói: Tôi đã có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ với bệnh nhân, nhưng kỷ niệm tôi nhớ nhất là trường hợp của một cháu gái khoảng 6, 7 tuổi ở xã Khe Mo (Đồng Hỷ). Hôm đó cháu vào viện trong tình trạng nguy kịch, miệng chảy nhiều máu do bị rách vùng lợi hàm trên. Cấp cứu cho cháu xong, tôi dặn người bố cho con uống sữa để cháu có sức làm thủ thuật. Tôi chuẩn bị dụng cụ xong, quay lại vẫn thấy anh ta ngồi thừ ra. Thì ra vì đi vội vàng nên anh không kịp mang theo tiền. Thương cho hoàn cảnh 2 bố con, tôi đưa cho anh 20 nghìn đồng để anh mua sữa cho cháu. Sau đó, tôi đã làm thủ thuật cho cháu miễn phí và tôi thấy vui khi mình giúp đỡ được những người nghèo khó như thế. Theo quan niệm của chị, làm ơn không phải mong được trả ơn. Điều quan trọng là chị đã làm được việc tốt cho người bệnh.
Trong câu chuyện với chúng tôi, chị không nói về thành tích của bản thân, nhưng chúng tôi biết, chị đã được các cấp, ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Chị cũng đã nhiều lần tham gia hiến máu nhân đạo ngay từ hồi còn là sinh viên Trường Đại học Y khoa Thái Nguyên. Vinh dự hơn cả là cùng với việc được đại diện cho Thái Nguyên tham gia Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” Khu vực I, tháng 12/2009, chị còn được giao lưu, gặp gỡ với các điển hình tiên tiến trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” khu vực Tây Bắc; tháng 5 vừa qua, chị lại được Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tặng Giấy chứng nhận vì đã đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2007-2009.