Quan niệm trọng nam khinh nữ thời phong kiến đã khiến bà Ôn Thị Liễu, xóm Coong Lẹng, xã Phúc Thuận (Phổ Yên) không được đến lớp. Càng lớn ước mơ được học càng cháy bỏng, bà đã xoa dịu nỗi khát khao đó bằng việc tự học chữ ở nhà. Nay đã ngoài 83 tuổi, khát vọng ngày nào của bà lại được truyền cho cháu chắt qua việc tằn tiện chi tiêu để thưởng cho các cháu có thành tích trong học tập.
Thuở nhỏ, bà Liễu là một đứa trẻ thông minh, ham học, nhưng mẹ bảo “Là phận nữ nhi học mà làm gì”… khi không được đi học, ngày ngày bà ra đầu ngõ thèm khát nhìn chúng bạn cắp sách tới lớp. Đến khi trở thành thiếu nữ, tham gia hoạt động cách mạng, không biết chữ mọi hoạt động đều bất tiện, bà Liễu quyết định tự học chữ. Thế là mọi thời gian rảnh rỗi, bà mượn sách tự học. Không trường lớp, thầy cô, bạn bè, phấn, bảng… việc học thật chẳng dễ dàng, nhưng gặp ai có thể hỏi được là bà hỏi ngay. Chưa đầy 20 tuổi, bà tham gia Phụ nữ cứu quốc với cương vị là Đội trưởng xóm Quân Cay (xóm Quân Cay và Coong Lẹng lúc bấy giờ là một). Rồi bà làm Trung đội trưởng du kích xã có nhiệm vụ hằng ngày canh gác xóm làng, chuyển thư bí mật và vận động phong trào. Ngày canh gác xóm làng, đêm bà lại tham gia cùng đồng đội đào đường phá hủy các tuyến chính để chặn xe tăng của địch. Trong quá trình hoạt động cách mạng, nhiều lần bà lâm vào tình thế nguy hiểm, bà Liễu nhớ lại: Ngày đó, cơ quan Bình Xuyên đóng tại nhà tôi, một lần tôi cùng anh trai là Ôn Văn Đình quân tình báo vận chuyển kho đạn từ nhà bố đẻ sang nhà tôi, khi về qua cánh đồng, hai anh em đã bị địch phát hiện và nã súng, may mà cả hai đều chạy thoát…
Tuổi thanh xuân của bà trôi đi như thế. Rồi hòa bình lập lại, Nhà nước phát động phong trào nữ Ba đảm đang, nam Ba sẵn sàng, bà Liễu tiếp tục tham gia công tác xã hội ở địa phương. Năm 1960 bà làm Bí thư Phụ nữ xã, đồng thời tham gia Ban Chấp hành Phụ nữ huyện. Là người nhanh nhẹn, hoạt bát nên việc nước, việc nhà bà luôn hoàn thành xuất sắc, vì vậy 10 năm liền bà được nhận danh hiệu phụ nữ Ba đảm đang. Đến năm 1981, bà Liễu về nghỉ hưu, nhưng với bà nghỉ hưu không có nghĩa là nghỉ tham gia các hoạt động xã hội, bà lại tiếp tục tham gia các hoạt động của Hội người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học xã… ở cương vị nào bà cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Lúc chúng tôi đến, bà Liễu trong trang phục dân tộc Tày đi chân đất đang chang thóc ngoài sân. Mặc dù đã 83 tuổi, nhưng bà Liễu vẫn hoạt bát. Hiện, bà Liễu ở với người con trai út, tuy có tới 5 sào ruộng và 4 sào chè, nhưng vì không có người làm, con dâu bà đau ốm liên miên nên không thể đảm đương được công việc đồng áng, hai cháu nội còn đang tuổi ăn tuổi học, con trai bà là lao động chính trong gia đình. Bản thân bà tuổi cao, chỉ trông vào đồng lương hưu trên 700 nghìn đồng/tháng. Từ đồng lương ít ỏi đó, hơn 10 năm nay bà luôn tằn tiện để vào những dịp tổng kết năm học, bà lại thưởng cho các cháu có thành tích học tập tốt. Đến nay, bà có cả thảy 20 cháu, 17 chắt, tổng kết năm học vừa qua, 10 cháu đạt học sinh giỏi bà thưởng cho mỗi cháu 35.000 đồng, còn lại là học sinh tiên tiến. Có được thành tích này, ngoài sự nỗ lực của các cháu còn có sự động viên khích lệ của bà. Bà Liễu tâm sự: Được đi học là ước mơ lớn nhất của cuộc đời tôi. Nay ở cái tuổi cổ lai hy, tôi luôn tự động viên mình, các cháu nội, ngoại của tôi sẽ tiếp tục thực hiện ước mơ đó, tôi luôn động viên, khuyến khích chúng chăm chỉ học tập.
Không chỉ động viên, khuyến khích các cháu học tập, bà Liễu còn tích cực tham gia công tác từ thiện, hễ địa phương phát động phong trào từ thiện nào bà cũng tham gia. Vẫn từ những đồng lương hưu ít ỏi ấy, bà luôn dành dụm để mỗi dịp Tết đến, lại giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Tết Nguyên đán vừa qua, bà đã ủng hộ 100 nghìn đồng mong sao những hộ nghèo có Tết. Xóm làm việc gì lớn bà cũng đóng góp, năm ngoái, xóm vận động nhân dân đóng góp tiền, công để đổ bê tông con đường chính ra xã, bà thuộc diện không phải đóng góp, nhưng bà đã tình nguyện góp 1 xe sỏi trị giá 150 nghìn đồng để làm đường, mỗi tuyến đường nhánh, mặc dù chẳng đi qua nhà bà, nhưng bà cũng đều ủng hộ 50 nghìn đồng. Số tiền tuy ít ỏi, nhưng ẩn chứa trong đó một tấm lòng.