44 năm sống ở đời thì có đến 40 năm chị Vũ Thị Kim Liên, sinh năm 1967, ở tổ 15, phường Quan Triều (T.P Thái Nguyên) phải chống chọi với nỗi đau đớn triền miên về thể xác và sự buồn tủi về tâm hồn bởi căn bệnh quái ác “xương thủy tinh”. Nhưng khát khao được hòa nhập cộng đồng và tình yêu cuộc sống mãnh liệt đã chắp đôi cánh cho chị vượt lên số phận để sống lạc quan và làm được nhiều việc mà người lành lặn cũng khó thực hiện được.
Tuổi thơ không bình yên
Mọi người thường gọi chị là cô gái “thủy tinh” bởi từ nhỏ chị đã mắc căn bệnh xương thủy tinh khiến đôi chân không phát triển được, bà Kim Thái - mẹ chị kể: Ngày nhỏ, Kim Liên xinh đẹp như búp bê, khuôn mặt trái xoan với làn da trắng ngần khiến ai nhìn cũng thích. Liên lại là con gái duy nhất trong gia đình có 4 anh chị em nên càng được họ hàng hai bên yêu quý. Vì thế mà cả nhà đều xúm lại lựa chọn một cái tên thật đẹp để đặt cho Liên. Với ý nghĩa là một đóa sen vàng, cả nhà nhất trí cao với tên gọi Kim Liên. Thời gian đẹp đẽ của Liên nhanh chóng qua đi khi tròn 3 tuổi, Liên bị lên sởi chạy hậu và hỏng thận, không còn khả năng cung cấp canxi cho cơ thể, vì vậy hai chân Liên cứ chùn xuống và đến năm lên 6 tuổi thì Liên không thể tự đi lại được. Do thể trạng quá yếu, Liên không được tiếp nhận vào lớp vỡ lòng. Sự thèm khát được cùng chúng bạn cắp sách tới trường khiến Liên ngày nào cũng dậy từ rất sớm, hai tay tỳ lên hai chiếc ghế con lết ra bậu cửa ngồi nhìn bạn bè đi học. Thấy Liên khao khát được đến lớp, Ban giám hiệu Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ đã nhận Liên vào học lớp 1. Thỏa ước nguyện, Liên học rất chăm chỉ, trời mưa cũng bắt bố mẹ đưa đi học. 10 năm học phổ thông là 10 năm bố mẹ đưa đón Liên đến lớp, cũng là 10 năm Liên coi bệnh viên như nhà. Năm nào Liên cũng phải nằm viện vài tháng, có năm tới 6 tháng để điều trị đôi chân. Sau mỗi lần điều trị trở về, Liên lại vùi đầu vào sách vở để học bù, nhờ sự ham học đó nên mặc dù nghỉ học nhiều, có năm nghỉ cả học kỳ nhưng Liên vẫn có kiến thức vững vàng, năm nào cũng được lên lớp , thậm chí có những năm Liên còn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Tốt nghiệp cấp III với kết quả loại khá, nhưng Liên không đủ điều kiện về sức khỏe để dự thi đại học. Đau đớn, buồn tủi, Liên đã khóc rất nhiều.
Thương cảm hoàn cảnh của cô học trò bé bỏng, một cô giáo của Liên thời trung học đã động viên Liên bằng những vần thơ:
Bước vào đời hãy vững tin em nhé
Đừng lung lay trước bão táp cuồng phong
Đừng buồn đau và thắm nhỏ lệ dòng
Hãy nhìn thẳng em ơi đừng lùi bước
Đường gian lao đợi chờ em phía trước
Dù khó khăn hãy vững bước mà đi…
Nghị lực sống
Chị cứ đọc đi đọc lại những vần thơ cô giáo tặng mình đến thuộc lòng và những vần thơ ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho chị vượt lên hoàn cảnh để sống và làm được nhiều việc. Không được học lên đại học, chị suy nghĩ: Bố mẹ đều đã gần 70 tuổi, không thể lo cho mình mãi được, phải làm gì đó để có thể tự lo cho cuộc sống của bản thân. Nhưng đi còn chẳng nổi, biết làm gì đây? Đúng lúc đó, Hội LHPN T.P Thái Nguyên mở lớp dạy cắt may, biết tin chị nhủ thầm: Tuy bị hỏng đôi chân, nhưng mình còn đôi tay lành lặn và khéo léo, chị liền đăng ký theo học. Khóa học kéo dài trong 15 ngày, nói là 15 ngày nhưng thực tế chỉ học được 13 ngày, buổi sáng học lý thuyết, chiều thực hành. Giờ thực hành, cả lớp 80 học viên chỉ có mỗi một chiếc máy khâu, chị nhỏ bé yếu ớt nên luôn bị đẩy xa khỏi bàn máy, rất hiếm khi chị được “sờ” đến máy. Thời gian quá ngắn ngủi không đủ trang bị đủ kiến thức cơ bản về nghề may cho chị, mà chỉ có thể truyền vào chị tình yêu nghề và thắp lên trong chị một tia hy vọng mới. Kết thúc khóa học, chị xin phép cha mẹ cho mời thầy về nhà dạy may, với khả năng thụ nghề đặc biệt, trong vòng chưa đầy 1 tháng, chị đã trang bị cho mình đủ kiến thức để có thể mở một hiệu may nho nhỏ. Ban đầu chị sẵn sàng làm không công, lâu dần thấy chị may đẹp, nhiều kiểu cách, tiết kiệm được vải nên khách hàng đến ngày một đông. Một mình làm không xuể, chị phải thuê thêm người phụ việc, những người chưa có tay nghề vững vàng, chị kèm cặp dạy nghề thêm cho họ. Cứ thế, cửa hiệu của chị vừa là hiệu may mặc đồng thời cũng là lớp dạy cắt may luôn. Sau gần 20 năm mở cửa hiệu may thời trang, với sự tinh tế và khéo léo trong việc thiết kế những mẫu mới, cải tạo những model thời trang, cửa hiệu của chị lúc nào cũng nườm nượp khách. Tính đến nay, chị đã truyền nghề cho hàng trăm người.
Những tưởng, cuộc sống của cô gái có bộ xương thủy tinh này từ đây sẽ được yên ổn, nhưng thật trớ trêu, trong một lần đi giao dịch với khách hàng bằng xe lăn, chị bị lật xe ngã gãy tay phải. Thế là cả xe lăn chị cũng không thể đi được nữa bởi không còn cánh tay để giật xe. Cả năm trời bó bột nhưng xương của chị không thể liền, các bác sĩ cho biết tay chị không còn khả năng phục hồi phải cắt bỏ. Với ý nghĩ, nếu mất cánh tay phải là mất tất cả, sẽ không thể cầm kéo được nữa, chị nhất định không chịu cắt bỏ mà về nhà bó thuốc nam để chữa trị. Sau thời gian kiên trì bền bỉ điều trị, đến nay cánh tay phải của chị đã có cảm giác và có thể cử động nhẹ được, chị trở lại với nghề may. Nhưng vì cánh tay đã thành tật không co, không nắm, không giơ được nên việc cắt may cũng rất khó khăn, mỗi lần cắt vải dày chị lại phải 1 tay giữ kéo, 1 tay bóp mới cắt được.
1 năm nằm bó thuốc điều trị tay tại nhà, chị chỉ biết tìm niềm vui qua sách, báo, ti vi... Qua đó, chị thấy nhiều tỉnh thành khác đã có Hội Người khuyết tật mà Thái Nguyên chưa có, chị nảy ra ý định sẽ đứng ra thành lập Hội để những người khuyết tật có nơi sinh hoạt, được sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Nghĩ vậy, chị nhờ bố mẹ đến nhà một số bạn bè đồng cảnh ngộ vận động họ tham gia sinh hoạt, kết quả đã vận động được 13 người. Phiên họp đầu tiên được tổ chức tại nhà chị, bố chị phải đi xe máy đón từng người về họp. Sau phiên họp, chị lại nhờ bố mẹ đi hỏi các thủ tục để thành lập Hội. Sau khi Thành phố có quyết định thành lập Hội Người khuyết tật, chị lại tất bật chuẩn bị Đại hội. Đại hội lần thứ nhất, chị Liên được bầu làm Phó Chủ tịch Hội và được phân công phụ trách công tác tổ chức, tài chính và tiếp tục vận động phát triển hội viên. Sau 4 năm giữ chức Phó Chủ tịch Hội, chị luôn làm tốt mọi công việc, phát triển thêm được trên 100 hội viên, tổ chức cho các hội viên đi viếng Lăng Bác Hồ, vận động được các đơn vị ủng hộ tài trợ. Từ sự ủng hộ này, hằng năm các hội viên đều có quà Tết, gia đình hội viên có người ốm đau, hiếu, hỷ Hội cũng đều có quà động viên. Mỗi lần đến thăm hội viên ốm, ngoài chế độ theo quy định là 20 nghìn đồng/1 hội viên, chị lại bỏ thêm 30 nghìn đồng nữa rồi bắt xe ôm đến tận nơi thăm hỏi.
Nay đã ngoài 40 tuổi, nhìn lại quãng thời gian mà chị đã trải qua, những khó khăn chị đã gặp phải không ít, có lúc tưởng chừng như không vượt qua, nhưng cũng chính điều đó đã làm chị cứng cỏi và bản lĩnh hơn rất nhiều để đứng vững trong cuộc đời này. Chị không còn khóc lặng khi ngẫm về đời mình mà luôn hướng về tương lai tươi đẹp, đặt ra cho mình những dự định để phấn đấu. Mở một xưởng may cho người khuyết tật là mong ước lớn nhất của chị, chị vẫn đang cố gắng để thực hiện nó. Mặc dù tương lai còn mù mịt, không biết chị còn phải chịu đựng những đau đớn gì nhưng ở chị luôn toát lên sự lạc quan yêu đời, nụ cười luôn thường trực trên môi.