Mặc dù là buổi chiều, không phải là giờ “lên sàn giao dịch” nhưng Anh Vũ Văn Hiền (anh), chuyên viên Bộ phận Điểm hỗ trợ giao dịch chứng khoán, Phòng Giao dịch khách hàng doanh nghiệp (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Thái Nguyên, Chi nhánh Thái Nguyên - NHĐT&PTTN) vẫn luôn bận rộn với khách hàng.
Khách hàng của anh là những “nhà đầu tư” chứng khoán. Họ đến để đề nghị anh tư vấn xem “hôm nay mua con gì” (“Con gì” là cách nói của người chơi chứng khoán, ám chỉ mã chứng khoán của một công ty nào đó mà khách hàng có ý định mua cổ phiếu); hoặc đăng ký tham gia; hoặc dự báo “sức khoẻ” các công ty đang tham gia mua cổ phiếu để quyết định bán, hay mua thêm cổ phiếu…
Để đạt được độ tin cậy của khách hàng đối với một người còn trẻ như anh Hiền không phải dễ. Bởi, muốn khách hàng tin tưởng, chuyên viên chứng khoán phải có chứng chỉ do Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cấp; có nhiều năm trong nghề và yếu tố quan trọng phải là người tinh thông về thị trường chứng khoán (biết phân tích, xử lý thông tin, dự báo thông tin để tư vấn cho khách hàng những thông tin chính xác; nếu thông tin không chính xác sẽ dễ đưa khách hàng đến quyết định sai khi đầu tư); kết hợp với sự khéo léo mới tạo được niềm tin cho khách hàng. Trong khi đó, Bộ phận Điểm Giao dịch của NHĐT&PTTN mới chính thức đi vào hoạt động từ tháng 2/2008 (khởi sự chỉ là một đại lý của Công ty chứng khoán của NHĐT&PT Việt Nam (BSC); từ tháng 4/2010 mới nâng cấp thành Bộ phận Điểm Giao dịch của NHĐT&PTTN).
Hoạt động chứng khoán ở thị trường Thái Nguyên còn khá mới mẻ, nhiều người chưa biết đến. Hơn thế, trong nhận thức của nhiều người, họ còn coi chứng khoán như một trò đánh bạc. Để thay đổi nhận thức và tạo dựng thương hiệu cho BSC tại Thái Nguyên, anh phải cố gắng rất nhiều. Bản thân anh cũng đã từng là giảng viên của Trường Đại học Kinh tế TN và đã được cấp chứng chỉ. Đây là điều kiện cơ bản để anh vững tâm bước vào công việc này. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một nửa yếu tố để thuyết phục khách hàng tin mình. Một nửa còn lại chính là sự am hiểu về thị trường chứng khoán (TTCK) và sự nhạy bén về TTCK để tư vấn cho khách hàng chính xác. Vì vậy, ngoài giờ làm việc ở cơ quan, anh phải tự nghiên cứu học hỏi rất nhiều; thậm chí còn phải xây dựng các mối quan hệ thường xuyên, nắm chắc được thực trạng của các công ty trong cả nước mà khách hàng thường quan tâm nhiều để tư vấn cho khách hàng. Bên cạnh đó, anh còn đề xuất tổ chức các buổi Hội thảo liên quan đến chứng khoán để giải thích cho khách hàng hiểu hơn về TTCK và tạo cho khách hàng thay đổi nhận thức, có cách nhìn nhận chính xác về TTCK; vận động huy động vốn thông qua hoạt động chứng khoán…Vì thế, Bộ phận này mới hoạt động được hơn 2 năm nhưng anh đã thu hút ngày càng đông khách hàng tham gia chứng khoán. Nếu như ban đầu thành lập chỉ có 200 tài khoản, nay đã phát triển được 800 tài khoản nhà đầu tư; doanh số giao dịch năm 2009 tăng 5 lần so với năm 2008, đến hết tháng 7/2010 đạt 208 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ; thu từ phí giao dịch đạt 293 triệu đồng, tăng 78% so với cùng kỳ. Nguồn vốn huy động đạt 4,8 tỷ đồng. Thị phần môi giới của BSC trên địa bàn tỉnh chiếm 60%. Tên tuổi của BSC đã được khách hàng trong và ngoài tỉnh như: Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn… biết đến. Thông qua TTCK còn giúp cho nhà đầu tư tiếp xúc được với các kênh đầu tư khác: như thị trường vàng, tiết kiệm, bất động sản.
Anh còn người đi đầu, gương mẫu trong phong trào Đoàn. Nói về anh, Bí thư Đoàn NHĐT&PTTN Nguyễn Thị Minh Hằng nhận xét: “Điểm nổi bật của anh là sự nhiệt tình, sống có trách nhiệm, xông xáo trong mọi hoạt động, sẵn sàng vì công việc chung. Có chuyên môn vững, tác nghiệp nhanh, có khả năng tư vấn cho khách hàng và được đánh giá cao”. Qua tìm hiểu, tôi được biết thêm, trong hoạt động đoàn, để có thể triển khai được nhiều hoạt động nội, ngoại khoá như: tham gia Cuộc vận động tổ chức Tết cho trẻ em nghèo; “Ngày tiết kiệm, tháng tiết kiệm” vì nghĩa tình biên giới hải đảo, vì trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng quỹ hỗ trợ bằng hiện vật để chia sẻ khó khăn với đồng bào nghèo, đồng bào bị thiên tai lũ lụt; tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp 27-7 và tham gia các quỹ từ thiện do cơ quan phát động, tham quan nghỉ mát… đòi hỏi phải có kinh phí. Để có quỹ hoạt động, anh đã vận dụng công việc của mình, chủ động đề xuất thành lập quỹ đầu tư tài chính bằng cách, mỗi đoàn viên đóng góp 1 triệu đồng gửi tiết kiệm, kinh doanh chứng khoán. Số tiền lợi nhuận thu được chi vào các hoạt động của Đoàn thanh niên. Do vậy, Đoàn Thanh niên cơ quan có điều kiện hoạt động với nhiều chương trình có ý nghĩa.
Nói về những việc “làm theo Bác”, anh tâm sự: Ở cơ quan đã phát động phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác” bằng những việc làm cụ thể. Trong đó, yêu cầu hàng đầu là mỗi người phải hoàn thành tốt công việc được giao ở mỗi cương vị công tác. Đi đôi là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả quản lý hành chính. Vì vậy, tôi đã luôn cố gắng làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao và thực hiện tốt các quy định của cơ quan về tiết kiệm như: tiết kiệm giờ giấc làm việc; sử dụng văn phòng phẩm; sử dụng điện, nước… để xây dựng thói quen tiết kiệm, làm việc có hiệu quả; nhằm đóng góp vào thành tích chung của cơ quan.
Với những cố gắng của mình, anh Vũ Văn Hiền đã được Tổng Giám đốc NHĐT&PT Việt Nam tặng Giấy khen năm 2009; được Công đoàn NHĐT&PT VN tặng Giấy khen là đoàn viên công đoàn xuất sắc.