Cậu bé thần đồng và người ươm tài năng đặc biệt

09:56, 29/09/2010

Tại số nhà 19, ngõ 230, phố Định Công Thượng (Hà Nội) có một ông già gần 80 tuổi và cháu bé 10 tuổi dân tộc Tày, người Thái Nguyên đang sinh sống. Ông già ấy là một cựu chiến binh và cậu bé đang được ông nuôi nấng không phải họ hàng thân thích nhưng có tài năng đặc biệt. Và câu chuyện về cậu bé quê ở Định Hóa này thật nhiều điều đáng nói.

Câu chuyện 7 năm qua

 

Cảm giác của tôi là hết sức ngạc nhiên khi bước vào gian nhà chỉ hơn chục mét vuông mà ông Cung Văn Hóa đang thuê để ở cùng cháu Hoàng Thân. Bởi diện tích ở thì chật chội, nhưng các bức tường thì kín mít bằng khen, giấy chứng nhận, các mô hình sáng tạo do Thân làm ra.

 

 Ông Hóa năm nay 75 tuổi, nguyên là bộ đội quan trắc pháo cao xạ những năm 1952-1960, sau chuyển ngành làm giáo viên trường Trung cấp Thủy lợi (nay là trường Đại học Thủy lợi), sau đó chuyển công tác sang Bộ Văn hóa - Thông tin. Nơi ông đang ở đây cũng chính là quê của ông: Phường Đại Kim, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Ông kể:

 

Tôi là bạn chiến đấu với ông ngoại của cháu là Hoàng Đình Tay ở làng Duyên, xã Tân Thịnh, huyện Định Hóa (Thái Nguyên). Ông Tay có cả thảy 11 người con, gia cảnh khá khó khăn. Một lần tôi lên chơi với ông Tay thấy cháu Thân mới hơn 3 tuổi, không ai dạy mà đã đọc được chữ, tôi rất ngạc nhiên. Tôi lấy nhiều loại sách khác nhau đưa cháu, cháu đều đọc vanh vách. Tôi nghĩ, cháu như vậy là có khả năng đặc biệt rồi, nhưng nếu để cháu ở vùng núi xa xôi này liệu có phát triển được? Với tâm nguyện muốn làm điều gì có ích cho đời, tôi đã xin với gia đình ông Tay cho cháu về Hà Nội ở với tôi, và tôi nuôi cháu Thân từ đó, đến nay đã là 7 năm.

 

Hiếu động như những cậu bé 10 tuổi khác, lúc vụt ra ngoài chơi, lúc lại chạy vào tò mò xem chiếc máy ghi âm, máy ảnh của tôi, trông Thân rất tuấn tú và dễ thương. Sau khi về Hà Nội, cậu được ông cho đi học mẫu giáo, nhưng trong khi các bạn cùng lớp chăm chú nghe cô giáo kể chuyện cổ tích thì Thân lại giở báo ra… đọc. Thân được ông đưa đến các thư viện, nhìn thấy bất cứ quyển sách, tờ báo nào là cậu cầm đọc chăm chú lắm: Đạo hàm, toán cao cấp, vi phân… cậu đọc tuốt. Rồi ông mua sách giáo khoa về dạy cho cậu, 5 tuổi, cậu đã học hết chương trình lớp 4. Ông Hóa muốn cho cháu đi học ở trường, nhưng hiềm một nỗi cháu chưa đủ 6 tuổi quy định. Ông đi gõ cửa các vị có trách nhiệm của Bộ Giáo dục - Đào tạo, nhưng quy định là quy định, khó ai dám quyết cho cậu đi học sớm.

 

Nhưng Thân đã làm nên một điều bất ngờ thú vị. Thường ngày ông cậu uống thuốc vứt ra  vỏ thuốc bằng nhựa tròn tròn như quả bóng con, Thân lặng lẽ nhặt rồi mày mò làm ra một mô hình học toán thông minh. Chỉ với 100 chiếc vỏ nhựa, cậu có thể thực hành 4 phép tính (cộng, trừ, nhân, chia) dễ dàng. Vừa hay thời điểm đó Bộ Giáo dục - Đào tạo đang tổ chức Giải thưởng Vifotec – Giải thưởng sáng tạo dành cho thanh, thiếu nhi toàn quốc, ông mang mô hình học toán của Thân đi thi và Thân đã đoạt giải đặc biệt dành cho người dự thi nhỏ tuổi nhất. Tại Lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Đặng Thị Huỳnh Mai đã gặp gỡ trò chuyện với Thân, sau khi biết nguyện vọng của cậu bé là muốn được đi học, bà Mai đã chỉ đạo Sở Giáo dục - Đào tạo T.P Hà Nội đặc cách cho phép Thân vào học trường tiểu học Đại Kim, Quận Hoàng Mai với sự bảo trợ của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Cũng trong năm 2005 đáng nhớ ây, cậu bé Thân được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và được Đại tướng gọi đến chụp ảnh riêng với cậu.

 

Thực hiện quyết định của lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo, cậu bé 5 tuổi này được xếp vào học lớp 1, nhưng đến chiều, các cô giáo đề nghị chuyển cậu lên lớp 2, sáng hôm sau, nhà trường cho phép cậu lên học lớp 3 vì những bài trong chương trình cậu đã nắm vững từ lâu. Nhưng ông cậu bảo: Cháu gầy nhỏ lại đi học non tuổi, thôi cho cháu vào lớp 2. Đến nay, 10 tuổi cậu đã là học sinh lớp 7A, lớp chọn của trường Tiểu học Đại Kim. Cô Triệu Thị Thư, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Em Thân ngoan, học giỏi, tiếp thu rất nhanh, trường chúng tôi rất vinh dự được tiếp nhận em vào học.

 

Khi tôi hỏi về kết quả học tập, Thân cho biết hiện cậu là thành viên của 3 đội tuyển: Toán, Anh và Tin học của trường. 3 môn học trên cậu đều có điểm trung bình xấp xỉ 10 phẩy. Nhưng điều đặc biệt là suốt 5 năm qua, sau mô hình học toán thông minh, Thân còn dự thi Cuộc thi sáng tạo trẻ 4 lần nữa và đều đoạt giải: Đó là mô hình Rừng vàng, đoạt giải Ba – Từ chiếc bản đồ Việt Nam, cậu dùng màu, kết hợp với những bóng đèn nhỏ và hệ thống điện để cảnh báo tình trạng cháy rừng và lũ lụt hiện nay. Tiến sĩ Lê Xuân Thảo, Giám đốc Quỹ điều hành Vifotec khẳng định: sáng tạo của cậu bé dân tộc Tày này có thể làm mô hình học cụ cho các địa phương, đưa vào các nhà trường giảng dạy. Rồi cậu mang đến cuộc thi mô hình Chiến dịch Điện Biên phủ, cũng từ bản đồ Điện Biên, cậu gắn bóng đèn các màu để diễn tả diễn biến trận đánh. Năm 2009, cậu mang đến cuộc thi mô hình: Phương pháp học toán bằng hình ảnh động; năm 2010 này, cậu lại có mô hình: Hệ mặt trời và các hành tinh của nó. Các ý tưởng của cậu đều được Ban Tổ chức cuộc thi đánh giá cao bởi tính ứng dụng và phổ biến rộng rãi, có thể áp dụng dễ dàng vào các môn học trong nhà trường.

 

 Ước vọng của người cựu binh già

 

Nuôi một cậu bé lên 3 không phải việc dễ đối với một người đã ở tuổi 70 như ông Hóa. Ông bảo: năm 2005 có một người nói đưa tôi 30 nghìn đô-la để đưa cháu đi, nhưng tôi dứt khoát từ chối. Giờ lương hưu hàng tháng chỉ hơn 3 triệu đồng, thuê nhà đã hết hơn 1 triệu đồng, hai ông cháu đang sống kham khổ. Nhưng đó không phải là nỗi lo lớn của ông:  - Tôi lo nhất là cháu không có môi trường để phát triển khả năng.

 

Những chuyến đi chơi, những lần về quê Định Hóa, những món quà mọi người cho Thân ông đều nhớ và ghi lại để biết ơn. Chỉ cần cháu có ý tưởng là ông tìm mọi cách giúp cháu thực hiện. Với chiếc xe đạp cũ, ông ngày ngày đưa đón cháu đi học, đi chơi, mua sách, vào thư viện. Ông còn lọ mọ tìm đến tiếp kiến bố của giáo sư Ngô Bảo Châu với mong muốn được giúp đỡ về môi trường cho cháu Thân học tập.

 

Tâm sự với tôi, ông nói: Ca dao ta có câu: Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài/Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi. Tôi nghĩ, cháu Thân cũng là một viên ngọc, tôi có trách nhiệm làm cho viên ngọc ấy sáng lên, giúp ích cho đời. Nay đã ở tuổi thất thập, lại mang bệnh ung thư trong người, tôi chỉ mong sao được nhìn thấy cháu Thân trưởng thành. Các con, cháu tôi đều đã có nơi có chốn, nếu có cháu nào có khả năng đặc biệt cần giúp đỡ như cháu Thân, tôi sẵn sàng nhận nuôi. Tôi tâm đắc lời dạy của người xưa rằng:  Vua Ngô có 8 lầu vàng/ chết xuống âm phủ có mang được gì; ở hiền thì sẽ gặp lành/ sống mà có đức trời dành phần cho. Tôi đang thực hiện lời dạy của Bác là thử làm việc trồng người. Nhưng tôi giờ đã sức cùng lực kiệt, liệu có đủ thời gian để tìm cho cháu một môi trường tốt nhất cho cháu phát triển không?

 

Câu hỏi của ông Hóa - một cựu chiến binh già - đã ám ảnh tôi. Hình ảnh một ông già gần 80 tuổi và cháu bé 10 tuổi sống trong căn phòng đi thuê chật chội cũng ám ảnh tôi. Và tôi chỉ biết chuyển tải những gì mắt thấy tai nghe bằng bài viết này.