Về xã Phủ Lý (Phú Lương), tìm hiểu phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) triển khai, bà Lưu Thị Luyện, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: xã có 12 chi hội, với 338 hội viên. Thông qua các hoạt động giúp cho hội viên nghèo được vay vốn tín chấp, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, giúp đỡ ngày công lao động, kinh nghiệm sản xuất…
Đến nay toàn Hội chỉ còn 69 gia đình hội viên nghèo, giảm 24 hộ so với năm 2009. Năm 2010, Hội có kế hoạch giúp đỡ cho 32 gia đình hội viên nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thoát nghèo.
Chuyện giúp nhau ổn định cuộc sống của hội viên Hội LHPN xã Phủ Lý hết sức giản dị, rất đời thường nhưng tôi cảm nhận được ở sâu xa của mỗi hành động, cử chỉ của bà con dành cho nhau luôn chan chứa tình làng, nghĩa xóm. Và hơn nữa, đó là đạo đức, là truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”… đang trở thành một phong trào của làng quê Phủ Lý. Ghé thăm gia đình bà Ma Thị Hương, chủ nhân của ngôi nhà mới được khánh thành vào tháng 3 năm nay. Tài sản trong nhà chưa có gì, nhưng không khí cuộc sống ấp áp. Bà Hương nói với chúng tôi như một lời tự hứa: Có nhà ở ổn định, tôi cố gắng lao động sản xuất để cuộc sống không còn khó khăn… Chi Hội Trưởng chi Hội phụ nữ xóm, bà Nguyễn Thị Hiền cho chúng tôi biết thêm: Từ cuối năm 2009 Chi hội Phụ nữ xóm đã bình xét, gửi văn bản đề nghị Hội LHPN xã có kế hoạch giúp đỡ cho bà Hương. Cán bộ xã, huyện cũng đã về tận nơi thẩm định, sau đó có kế hoạch vận động bà Hương làm lại nhà ở. Thời gian làm nhà, chị em trong Chi hội tham gia giúp đỡ bà Hương được hơn 30 ngày công lao động, chủ yếu là dọn dẹp, làm đất và vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng. Sau khi vào nhà mới, chị em trong Chi hội đến động viên, tư vấn kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ thêm cho bà Hương về giống cây trồng, vật nuôi.
Có rất nhiều nguyên do khiến người ta nghèo, như trong nhà thường xuyên có người ốm đau, thiếu lao động, thiếu vốn đầu tư, thiếu kinh nghiệm sản xuất hoặc do gặp tai nạn rủi ro..., cũng trong khó khăn, hoạn nạn, tình làng, nghĩa xóm thêm gắn bó. Điều trân trọng ấy được thể hiện thông qua những hành động hằng ngày, đơn giản là việc các bà, các chị thường xuyên qua lại thăm nom nhau khi ốm đau, giúp cho nhau vay vốn không lấy lãi… Tuy không phải là một phong trào lớn, nhưng trong những năm vừa qua, việc làm của các hội viên phụ nữ đã góp phần ổn định cuộc sống cho gia đình hội viên.
Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện thì bà Lưu Thị Huấn, xóm Đồng Chợ sang thăm. Bà Huấn người gầy, mảnh nhưng khoẻ khoắn. Nhà có 7 mẫu ao, trong nhà nuôi thường xuyên hơn 100 gà, hơn 50 lợn thịt… kinh tế của gia đình bà Huấn thuộc diện khá giả của xã. Chính vì thế, bà Huấn có điều kiện giúp đỡ các hộ nghèo trong xã bằng cách cho vay giống vật nuôi trả chậm, tư vấn kinh nghiệm trong sản xuất. Bà bảo: Nhà tôi chăn nuôi cá, gà, lợn nhiều, song không hạch toán nên không biết tổng thu nhập của gia đình được bao nhiêu mỗi năm, nhưng khi chị em trong xóm, xã gặp khó khăn, tôi sẵn sàng giúp đỡ.
Cũng bằng cách cho hộ nghèo vay lợn con, khi lợn nuôi lớn, được bán mới nhận tiền vốn giống, từ hơn 4 năm nay chị Lưu Thị Thoa, xóm Na Biểu đã giúp cho hàng chục lượt hộ gia đình hội viên nghèo vay với hàng chục con lợn giống… Từ hoạt động phong trào của Hội LHPN xã, làng, xóm của vùng quê Phủ Lý ngày càng thêm ấm áp tình nghĩa. Những hành động thiết thực, bình dị giữa đời thường ấy như ngọn lửa tiếp thêm cho người nghèo nghị lực vươn lên, điển hình như gia đình chị Lã Thị Thon, xóm Na Mọn, do chồng mất sớm, chị Thon nuôi 3 con nhỏ, mỗi năm mẹ con chị bị thiếu lương thực 2 tháng. Trong khó khăn này, hội viên trong Chi hội luôn gần gũi, động viên giúp đỡ chị Thon khi bơ gạo, lúc con gà giống, hướng dẫn cho chị Thon cách sản xuất lúa giống mới năng suất cao, nhờ đó gia đình chị Thon đã được xoá tên trong danh sách hộ nghèo của xã. Với chị Triệu Thị In, hoàn cảnh thân một mình nuôi con nhỏ, hiện cũng đã xây được ngôi nhà rộng 24 m2. Chị In cho biết: Trong ngôi nhà tôi ở còn có công sức đóng góp của bà con lối xóm, nhất là tình cảm của chị em trong hội. Ngoài giúp đỡ hơn 40 ngày công làm nhà, chị em trong Chi hội còn ủng hộ cho mẹ con tôi 300 nghìn đồng và 30 cân gạo.
Thông qua phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, làng quê Phủ Lý ngày càng có nhiều hơn những tấm lòng đến với tấm lòng. Để qua đó sẻ chia, giúp đỡ hội viên nghèo dần đi qua năm tháng khó khăn của cuộc sống.