Ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, cụ Hoàng Lam Thạch, 82 tuổi, dân tộc Tày ở xóm Thượng, xã Yên Đổ (Phú Lương) vẫn say sưa nghiên cứu văn hóa dân gian gian của dân tộc mình. Suốt cả cuộc đời, điều làm cụ tâm đắc nhất là sưu tập và lưu giữ được những cuốn truyện dân gian quý hiếm để truyền lại cho con cháu sau này.
Mặc dù sức khỏe đã yếu, hàng tháng lại phải một vài lần đi điều trị tại bệnh viện nhưng cụ Thạch còn đôi mắt sáng và trí tuệ rất minh mẫn. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu những cuốn truyện Tày, cụ sôi nổi kể về nội dung truyện Lưu đài hán xuân, cuốn truyện đầu tiên cụ chép lại, cũng là truyện mà cụ yêu thích nhất: “Đó là cuộc tình duyên trắc trở của đôi vợ chồng trẻ, người chồng là hoàng tử lấy được cô gái người Tày hiền thục, đảm đang. Hai vợ chồng được nhà vua sai đi sứ nước bạn, trên đường đi vì ngưỡng mộ khí chất và tài năng của hoàng tử, con gái Long Vương đã bắt chàng về làm chồng. Người vợ buồn khổ, đã đi tìm mọi cách cứu chồng, được các vị thần tiên trên trời giúp đỡ, sau rất nhiều gian nan thử thách, người vợ đã cứu được chàng hoàng tử để vợ chồng đoàn tụ cùng nhau”.
Cụ Thạch cho biết: Truyện người của người Tày thường chỉ xoay quanh 1 đến 2 nhân vật chính, nội dung bao hàm những những chi tiết hoang đường không có thật giống như trong truyện truyền thuyết hay cổ tích của người Kinh, có một đặc điểm chung là hầu hết những truyện này đều chứa đựng những nội dung văn hóa dân gian và phong tục tập quán của người Tày, luôn bênh vực và đề cao vai trò của người phụ nữ trong cộng đồng”. Hiện cụ Thạch còn lưu giữ được 8 cuốn truyện hàng trăm năm tuổi. Những cuốn truyện này là một trong số ít các tác phẩm văn học dân gian viết tay còn tồn tại trong nhân dân ở huyện Phú Lương. Cũng chính vì vậy, cụ luôn bảo quản và cất giữ chúng cẩn thận như ”báu vật” của gia đình.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình dân tộc đã gắn bó lâu đời trên mảnh đất Yên Đổ, ngay từ khi còn nhỏ cụ Thạch đã được học cách viết chữ nôm Tày, sớm say sưa với những câu chuyện dân gian của dân tộc mình qua lời kể của những người cao tuổi. Những cuốn truyện nói về nguồn gốc của các hiện tượng tự nhiên, xã hội hoặc tỏ lòng ngưỡng mộ, biết ơn những người đã có công với làng xóm, quê hương, đất nước và nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau, hoặc lên án những bất công trong xã hội đương thời luôn khiến cụ yêu thích đặc biệt và say sưa đọc đến thuộc lòng. Sau này, trải qua nhiều chức vụ công tác khác nhau, niềm say mê truyện dân gian của cụ ngày càng lớn hơn.
Bắt đầu chép lại cuốn sách đầu tiên bằng chữ nôm Tày là Lưu đài hán xuân năm 1947 khi còn là Bí thư đoàn Thanh niên xã Yên Đổ, trong giai đoạn 1952 đến 1960 cụ Thạch giữ chức vụ Phó Bí thư đoàn Thanh niên huyện Phú Lương và Đội phó Thanh niên xung phong thuộc Đại đội 267 tại ATK Định Hóa, chính trong thời gian này cụ có nhiều điều kiện đi tìm hiểu và sưu tập các cuốn truyện ở địa phương. Cụ nhớ lại: "cứ nghe ở đâu có những cuốn sách hay là tôi tìm đến để xin đọc, có khi ngồi đọc suốt đêm đến sáng tại chính nhà chủ, rồi sau đó mượn để chép lại bằng đúng mực tầu trên giấy dó, tiền lương khi ấy chỉ đủ để tôi đi tìm sách và ghi chép lại". Nhờ sự tâm huyết, cụ đã sưu tập được số lượng sách tới hơn 20 chục cuốn, trong đó có nhiều cuốn sách quý hiếm như: Lưu đài hán xuân, Tần chu, Lương nhân hải chân, Văn thụy... Cụ chia sẻ: "trong thời kỳ chiến tranh, những cuốn truyện luôn là thứ đầu tiên tôi mang theo người, ngay cả khi chạy giặc vào rừng tôi cũng mang sách theo cùng".
Trải qua thời gian, nhiều cuốn truyện của cụ Thạch đã bị thất lạc, những cuốn sách còn lại được cụ lưu giữ cẩn thận và thường mang ra đọc và kể cho con cháu cùng nghe. Để bảo quản sách, cụ đã kỳ công đóng lại bìa từng cuốn và dùng nhựa củ nâu dán lại toàn bộ mép giấy của các trang sách để giấy dai cứng, không bị rách. Điều làm cụ băn khoăn, trăn trở hiện nay là những người già còn lưu giữ được các cuốn sách cổ còn không nhiều, xóm Thượng nơi cụ đang sinh sống chỉ có 2 người còn biết đọc sách nôm Tày. Trong khi đó, thế hệ trẻ hầu như không biết đọc và ít quan tâm đến các cuốn truyện dân gian của dân tộc mình. Để giữ gìn những giá trị văn hóa quý báu của ông cha, cụ lại kỳ công viết lại những cuốn truyện cổ sang chữ quốc ngữ. Tuổi cao sức yếu, nhưng ngày nào cụ cũng cố gắng hoàn thiện một vài trang sách. Đến nay, cụ đã viết lại được 5 cuốn truyện và đang tiếp tục tận dụng thời gian và sức khỏe để hoàn thiện những cuốn còn lại. Cụ tâm sự. “Trời còn cho đôi mắt sáng, tôi sẽ cố gắng dịch lại toàn bộ những cuốn sách này để con cháu còn biết và trân trọng những giá trị văn hóa quý báu của ông cha”.
82 năm tuổi đời, 63 năm tuổi Đảng điều cụ mong mỏi bây giờ là những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc không bị mai một theo thơi gian. Từ những tâm huyết của bản thân, cụ Thạch là tấm gương để tiếp tục thắp sáng niềm đam mê văn hóa dân gian trong thế hệ trẻ.